Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hát giữa Trường Sa

Thứ Năm, 10/11/2022 19:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Được cất cao lời ca tiếng hát giữa quần đảo Trường Sa luôn là khát khao, mong mỏi của nhiều nghệ sĩ. Tiếng hát nơi muôn trùng sóng gió không chỉ chứa đựng tình cảm của đất liền mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn để cán bộ, chiến sĩ thêm quyết tâm, chắc tay súng để giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong chuyến công tác tại một số đảo của huyện đảo Trường Sa mới đây, nhiều người đã khá ấn tượng với hành động nhỏ nhưng giàu ý nghĩa của Nghệ sĩ ưu tú Khánh Hòa, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Tại hầu hết các đảo nơi đoàn công tác đến thăm, trong lúc mọi người tham gia các hoạt động tại nhà đa năng, hội trường của đảo thì nghệ sĩ Khánh Hòa lại tìm đến với những chiến sĩ trẻ đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại các mốc chủ quyền. Đó là những chiến sĩ đang canh gác tại vị trí mốc chủ quyền tại các đảo.

Nghệ sĩ ưu tú Khánh Hòa “hát vo” cho chiến sĩ nghe bên cột mốc chủ quyền. Ảnh: Lê Khanh. 

Tại đảo Trường Sa Đông, bên mốc chủ quyền, nghệ sĩ Khánh Hòa đã “hát vo” ca khúc “Nơi đảo xa” để tặng riêng chiến sĩ Hải quân đang làm nhiệm vụ canh gác. Những ca từ giản dị, nhưng chứa đựng tình cảm da diết, mãnh liệt: “Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa/Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà/Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa/Ngàn bão tố phong ba, ta vượt qua, gần quá/Lướt sóng con tầu mang tín hiệu trong đất liền/Mắt em nhìn theo con tầu đi xa mãi”. Hướng ánh mắt ra xa, lời ca của nghệ sĩ như truyền hơi ấm đất liền tới người chiến sĩ đang trang nghiêm đứng gác.

Chia sẻ với chúng tôi, nghệ sĩ Khánh Hòa tâm sự, lần nào đến với Trường Sa, đến với các đảo, Khánh Hòa cũng cố gắng để được hát ngay ở cột mốc chủ quyền. Vì đội văn công ra đảo chỉ biểu diễn tại nhà văn hóa, nhà đa năng của đảo; còn các chiến sĩ canh gác cột mốc chủ quyền không được trực tiếp xem văn công. “Mình muốn “hát vo” cho các chiến sĩ nghe khi các anh đang trực tiếp làm nhiệm vụ, như một sự động viên, chia sẻ cùng người chiến sĩ Hải quân tại đảo xa”, nghệ sĩ Khánh Hòa chia sẻ.

Các nghệ sĩ giao lưu cùng cán bộ, chiến sĩ Hải quân tại đảo Sinh Tồn Đông. Ảnh: NTP. 

Ôm súng đứng trang nghiêm gác cột mốc chủ quyền tại đảo Trường Sa Đông, chiến sĩ Nguyễn Văn Đức Anh không dấu được sự xúc động khi được ca sỹ hát tặng ca khúc “Nơi đảo xa”. Theo Đức Anh, mỗi khi đoàn công tác thăm đảo, trong khi cán bộ, chiến sĩ tập trung nhận quà, xem văn công biểu diễn và giao lưu văn nghệ, thì có những chiến sĩ ôm súng đứng gác bên cột mốc chủ quyền. Vì làm nhiệm vụ, nên họ chỉ được nghe đồng đội kể lại chuyện... cầm tay văn công, cùng hát, múa với thành viên đoàn công tác và các nghệ sĩ… Vì vậy, việc được nghệ sĩ dành tặng một ca khúc ngay tại cột mốc chủ quyền thực sự là một bất ngờ, một món quà đáng nhớ đối với những người lính trẻ. Không âm thanh, không sân khấu, chỉ có tiếng hát mộc mạc, chân tính hòa cùng với gió biển… Giản dị vậy nhưng mỗi ca khúc cất lên đều mang hơi ấm đất liền mà các nghệ sĩ muốn đem đến cho các chiến sĩ nơi biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 Nghệ sĩ nhân dân Tạ Minh Tâm thể hiện ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” . Ảnh: NTP.

Với Nghệ sĩ nhân dân Tạ Minh Tâm, từng nhiều lần đến với Trường Sa nhưng mỗi lần đều mang đến cho ông những cảm xúc riêng khi được biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ tại các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Dù hát trong hội trường, nhà đa năng của các đảo hay hát ở sân khấu dã chiến ngoài trời, nghệ sĩ Tạ Minh Tâm luôn mong muốn được giao lưu, gần gũi với cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Bởi tiếng hát, lời ca giữa Trường Sa không chỉ là món ăn tinh thần nhớ sâu thấm lâu, mà còn có giá trị như “sợi dây liên kết đặc biệt” thắt chặt tình đoàn kết quân dân, giữa hậu phương đất liền và hải đảo tiền tiêu. Đến với Trường Sa là đến với chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Vì vậy, với mỗi người nghệ sĩ, tiếng hát giữa Trường Sa là tiếng hát từ trái tim, tiếng hát mang hồn Tổ quốc, chứa đựng thông điệp hòa bình và niềm tin yêu của đất liền…; là động lực giúp cán bộ, chiến sĩ vững chắc tay súng canh giữ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. “Trường Sa không xa, có lẽ hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ là được hát, được biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở đảo Trường Sa”, Nghệ sĩ nhân dân Tạ Minh Tâm chia sẻ.

Trong những lần đón tàu ra đảo, ngoài những món quà gạo, thịt, rau, quả còn có “món quà đặc biệt” mà quân dân Trường Sa luôn mong đợi đó là “văn công biểu diễn”, là lời ca, tiếng hát của các nghệ sĩ. Với quân dân Trường Sa, đây thực sự là “món ăn tinh thần” giàu ý nghĩa. Những tiết mục văn nghệ, những tiếng hát, lời ca cất lên giữa Trường Sa như tiếp thêm sức mạnh, củng cố ý chí quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ Hải quân và nhân dân trên các đảo trong giữ gìn, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./.

Nguyễn Thị Phượng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN