Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hành trình “về đích” cấp căn cước cho trẻ em

Thứ Sáu, 16/08/2024 16:51 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Từ 1/7/2024, khi Luật Căn cước chính thức có hiệu lực, Công an thành phố Sông Công ( tỉnh Thái Nguyên) đã triển khai việc cấp thẻ Căn cước cho công dân từ 0 đến dưới 6 tuổi, từ 6 đến dưới 14 tuổi, từ 14 tuổi trở lên theo quy định của luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Từ thực tiễn công tác cấp căn cước của Công an thành phố Sông Công đã ghi lại những “thước phim” đẹp nhất về chiến sĩ công an trong mắt người dân, đặc biệt là trẻ em trong “hành trình” ấy.

Nhiều cách làm độc đáo, sáng tạo

Với vai trò là đơn vị chủ động trong công tác tham mưu, triển khai thi hành, thực hiện Luật Căn cước trên địa bàn thành phố, Công an thành phố Sông Công đã và đang chỉ đạo Công an phường, xã đồng loạt triển khai thực hiện các nhiệm vụ; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đưa Luật vào cuộc sống. Công an thành phố đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 04/5/2024 về triển khai thi hành Luật Căn cước trên địa bàn thành phố. Đồng thời Công an thành phố ban hành kế hoạch triển khai trong toàn lực lượng; xây dựng Công văn số 2979/CASC, ngày 25/7/2024 về việc phối hợp cấp căn cước cho công dân từ 0 đến dưới 14 tuổi trên địa bàn thành phố, gửi tới phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố, nhằm phối hợp tuyên truyền các lợi ích của thẻ căn cước góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự.

Mặt khác, lãnh đạo Công an thành phố đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Luật căn cước, tập trung vào 10 điểm mới của Luật Căn cước; in tờ rơi về 10 điểm mới của Luật Căn cước và các tài liệu tuyên truyền về Luật Căn cước; áp dụng linh hoạt các biện pháp tuyên truyền dưới nhiều hình thức: Tuyên truyền trực quan; các buổi họp, sinh hoạt cơ quan, đơn vị; mạng xã hội…

Các chiến sỹ công an vào tận nhà để làm căn cước công dân cho người già.

Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng công an toàn thành phố tuyên truyền được trên 145 buổi tại 145/145 tổ dân phố với trên 8.000 lượt người tham dự, phối hợp với Đài phát thanh truyền hình thành phố xây dựng phóng sự, tin, bài viết: 03 tin bài, phóng sự; tuyên truyền trên các trang fanpage facebook, zalo 120 lượt…. 

Đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân, thực hiện công tác cấp căn cước; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất. Qua đó đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu công tác, triển khai có hiệu quả Luật Căn cước trên địa bàn thành phố, đảm bảo phục vụ Nhân dân một cách tốt nhất; góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý Nhà nước, quản lý dân cư, phòng chống tội phạm và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Xây dựng nhiều tin bài, phóng sự tuyên truyền, hướng dẫn về Luật Căn cước năm 2023, đặc biệt nhấn mạnh 10 điểm mới về Luật Căn cước trên các trang mạng xã hội nhằm hướng tới tiếp cận được mọi đối tượng, tầng lớp, lứa tuổi. 

Ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cách đăng ký làm căn cước qua Cổng dịch vụ công đối với mọi lứa tuổi, đặc biệt là đối với trẻ em dưới 6 tuổi có thể làm Căn cước tại nhà mà không cần đến cơ quan Công an để lăn tay, chụp ảnh như qua trang Facebook Công an thành phố, Công an xã, phường; Zalo OA..

Tại Công an phường, xã đã kích hoạt Tổ Đề án 06, tổ công nghệ số triển khai, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ công dân đăng ký cấp căn cước cho trẻ em, đặc biệt đối với trẻ em dưới 6 tuổi nhằm đem lại hiệu quả cao trong công tác cấp Căn cước.

Những khó khăn trong hành trình cấp căn cước cho trẻ em

Thành phố Sông Công là trung tâm chính trị, kinh tế, hành chính, văn hóa, xã hội phía Nam của tỉnh Thái Nguyên, có diện tích 98,37 km2. Có 10 đơn vị hành chính (7 phường, 3 xã) với 145 xóm, tổ dân phố, 22.064 hộ, 78.894 nhân khẩu, trong đó có 4.228 nhân khẩu là người dân tộc thiểu số với 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, chủ yếu là dân tộc Sán Dìu, Tày, Nùng, Dao, Mường… phân bố chủ yếu tại xã Bình Sơn và một số phường, xã. 
 

Tổ công tác lưu động thực hiện thu dấu vân tay để cấp thẻ căn cước cho trẻ em và người dân đồng bào thiểu số tại Thôn Lát Đá, xã Bình Sơn.

 

Theo chân những anh em trong tổ công tác về thôn Lát Đá, xã Bình Sơn trong một buổi chiều, khi nghe tôi hỏi về những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính và Trật tự xã hội (QLHC về TTXH) chia sẻ: Với địa bàn như Sông Công, các dân tộc cư trú xen kẽ nhau, có trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều gây ra những khó khăn nhất định trong công tác cấp căn cước cho con em đồng bào.

Phần lớn những người dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Sông Công chủ yếu phân bố tại xã Bình Sơn và một số phường, xã có địa hình đi lại khó khăn, xa trung tâm nên việc tiếp cận công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế, khó khăn trong công tác đăng ký dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực cấp căn cước, đặc biệt đối với trẻ em dưới 6 tuổi.

Người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Sông Công chủ yếu sinh sống ở địa bàn có địa hình chia cắt, người dân sinh sống không tập trung, nhiều người thường xuyên vắng mặt tại địa phương, ít khi ở nhà nên việc hẹn gặp để tuyên truyền, hướng dẫn phải lựa chọn thời gian cho phù hợp. 

Đặc biệt, người dân đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiểu rõ được hết những tiện ích của việc cấp Căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi, họ vẫn cho rằng việc cấp thẻ Căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi là chưa thực sự cần thiết, là mất thời gian của họ. Trong quá trình thực hiện các thủ tục, mặc dù lực lượng Công an xã, phường; tổ công nghệ số; Tổ Đề án 06 đến tận nơi để tuyên truyền, hướng dẫn bố, mẹ, người đại diện hợp pháp của trẻ em dưới 14 tuổi về những lợi ích của thẻ Căn cước đối với trẻ em dưới 14 tuổi và cách đăng ký dịch vụ công để cấp Căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi, đặc biệt là đối với những trẻ dưới 6 tuổi, nhưng số công dân thực hiện vẫn chưa nhiều. Điều kiện kinh tế của người đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, số công dân không sử dụng điện thoại hoặc điện thoại không đủ cấu hình chiếm tỉ lệ cao dẫn đến không thể cài đặt ứng dụng VneID, đăng ký dịch vụ công trực tuyến…

Gỡ khó để về đích

Theo trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH chia sẻ rằng nhiều khi “cái khó ló cái khôn”, khó khăn như vậy điều tiên quyết nhất đó phải “gỡ” về nhận thức cho mỗi người dân. Ở các thôn có đồng bào dân tộc thiểu số lực lượng Công an xã, phường; tổ công nghệ số, Tổ Đề án 06 đến tận nơi để tuyên truyền. Ngoài ra cũng tận dụng mối quan hệ giữa các cán bộ công an cơ sở, bí thư chi bộ, trưởng thôn, phát huy vai trò là “những cánh tay nối dài” của lực lượng Công an.
 

Cán bộ công an Thành phố Sông Công tiến hành thu dấu vân tay để cấp thẻ căn cước cho trẻ em.

Thêm vào đó, lãnh đạo Công an thành phố đã chỉ đạo Đội Cảnh sát QLHC về TTXH phối hợp với Công an phường, xã tăng cường rà soát, đảm bảo dữ liệu cư dân "đúng, đủ, sạch, sống". Trong hơn 1 tháng triển khai, thực hiện, Công an thành phố Sông Công đã cập nhật, bổ sung được 31.239/31.239 dữ liệu (đạt 100%) số định danh cá nhân của cha, mẹ, người giám hộ phục vụ cấp căn cước cho các trường hợp dưới 6 tuổi, từ 6 đến 14 tuổi. Tập trung phân loại các trường hợp công dân để cấp thẻ căn cước, phân loại theo nhóm công dân trong diện cần cấp căn cước để có phương án, lộ trình phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo hiệu quả, nhanh chóng, thuận tiện, phục vụ nhu cầu cho người dân. Qua rà soát, hiện nay toàn thành phố có trên 9.000 trường hợp dưới 6 tuổi, trên 9.000 trường hợp từ 6 đến 14 tuổi nằm trong diện cấp căn cước.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Thanh Nguyên, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an thành phố Sông Công cho biết: “Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, là bước đột phá trong việc đổi mới quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào công tác quản lý nhà nước. Đây cũng được coi là cơ sở pháp lý quan trọng để phù hợp với sự phát triển của xã hội và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, gắn kết chặt chẽ với việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06/CP).

Việc triển khai, thực hiện cấp thẻ Căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi được chúng tôi quan tâm, chỉ đạo sát sao; quần chúng nhân dân trên địa bàn hoàn toàn nhất trí, ủng hộ, đồng lòng nên mang lại kết quả rất tích cực”.

Có thể nói, chiến dịch thực hiện dự án cấp Căn cước cho trẻ em được triển khai trên địa bàn thành phố Sông Công đã được một quãng đường, có nhiều khó khăn vất vả trước mắt nhưng cán bộ chiến sỹ lực lượng Công an thành phố Sông Công vẫn luôn xác định tinh thần “làm hết việc, không làm hết giờ” để thực hiện cấp Căn cước cho trẻ em đúng tiến độ và chỉ tiêu đề ra./.

 
Lê Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN