Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hành trình 30 năm giữ dòng máu luôn chảy

Thứ Bảy, 20/01/2024 15:01 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Cùng với sự ủng hộ của toàn Đảng, toàn dân, sự tham gia của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, 30 năm qua (24/1/1994- 24/1/2024), từ lời kêu gọi “hiến máu nhân đạo”, phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) giờ đây đã trở thành một hoạt động thường xuyên, lan tỏa sâu rộng.

Đó cũng là hành trình trao yêu thương, sẻ chia và gắn kết giữa hàng triệu trái tim người dân Việt Nam để giữ dòng máu luôn chảy; mang lại sự sống và hạnh phúc cho biết bao gia đình người bệnh.

Hiến máu tình nguyện: Phong trào đầy sức sống, mang đậm tình yêu thương.

Những bước chuẩn bị cho một phong trào lớn

Từ thời chiến tranh với muôn vàn gian khổ, hoạt động tiếp nhận máu đã được thực hiện ngay trên chiến hào, do chính các chiến sĩ hiến máu cho đồng đội. Hoạt động truyền máu lúc này chủ yếu yếu phục vụ cho chiến tranh, phục vụ cho quân đội; chủ yếu là truyền máu toàn phần, lấy máu bằng chai thuỷ tinh (chu trình hở) và truyền trong ngày. Chưa có phương tiện bảo quản và tách các thành phần máu..

Cho đến hiện nay, trong không gian trưng bày Bộ đội Trường Sơn tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam vẫn còn lưu giữ hiện vật là Bảng danh sách hiến máu của các y bác sĩ Đội Điều trị 52 và dây lấy máu do y sĩ Đội điều trị 14 tự tạo dùng lấy được 6,65 lít máu truyền cho 58 thương binh trên đường Trường Sơn.

Nhớ về ký ức của những tháng ngày cứu chữa thương binh trên con đường Trường Sơn huyền thoại, cựu chiến binh Nguyễn Thị Thoa - Nguyên y tá Đội điều trị 14, Binh trạm 12, Đoàn 559 cho biết: “Ngày đấy việc truyền máu không phải như bây giờ. Chưa hề có túi lấy máu, chưa có chất chống đông nên truyền trực tiếp cho thương binh luôn. Khi lấy máu các chiến sĩ là tính giọt, đếm giọt, cứ bao nhiêu giọt thành 1 ml, bao nhiêu ml thành 1 đơn vị máu...”

Đất nước sau chiến tranh, việc truyền máu chủ yếu được thực hiện ở các bệnh viện lớn, có sở ngoại khoa. Nguồn máu đa phần là từ những người bán máu chuyên nghiệp, nhân viên y tế hiến máu, lượng máu tiếp nhận ít, không đáp ứng được nhu cầu.

Trước thực trạng đó, một hội thảo giữa Trung tâm Truyền máu Quốc gia Pháp và Khoa Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai đã được tổ chức vào đầu năm 1984. Từ những kết luận của Hội thảo này, ngày 11/7/1984, Bộ trưởng Bộ Y tế - TS. Đặng Hồi Xuân đã có văn bản cho phép vận động người hiến máu máu ở các cơ quan, trường học, đặt nền móng cho phong trào HMTN sau này.

Để bắt đầu thay đổi nhận thức của người dân về việc hiến máu, GS Bạch Quốc Tuyên, GS Tôn Thất Tùng và nhiều chuyên gia đầu ngành trong cả nước đã tiến hành nhiều hoạt động nói chuyện, tư vấn. Những thông điệp, khẩu hiệu được sử dụng như “Toàn dân cho máu, người thân cho máu”, “Một người cần truyền máu - ba người thân cho máu”.

Tháng 4/1985, Hội Huyết học -Truyền máu Việt Nam đưa ra lời kêu gọi với tiêu đề “Hãy gửi máu vào ngân hàng máu”.

Các năm 1989 và 1992, Hội thảo Việt Pháp về vận động hiến máu nhân đạo tiếp tục được tổ chức. Trong các tài liệu Hội thảo, lần đầu tiên GS. Bạch Quốc Tuyên (nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TW) đã nhắc đến việc xây dựng Luật hiến máu.

Tình nguyện viên Hội Thanh niên Vận động hiến máu Hà Nội với khí thế quyết tâm vận động được thật nhiều đơn vị máu quý giá. 

Khởi đầu gian khó

Những thập kỷ 90, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nhu cầu truyền máu tại tất cả các tuyến tăng cao. Lúc này sự bùng nổ của căn bệnh HIV/AIDS khiến nguy cơ không bảo đảm an toàn truyền máu rất trầm trọng. Tình trạng thiếu máu điều trị thường xuyên diễn ra tại các cơ sở y tế trên cả nước.

Ngày 24/01/1994, được sự ủng hộ của Ban Khoa giáo Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), Viện Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai (nay là Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương) đã tổ chức Lễ phát động ngày hiến máu nhân đạo tại Thủ đô Hà Nội. Đây được coi là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự phát động phong trào hiến máu nhân đạo, nay là hiến máu tình nguyện tại Việt Nam.

Sự kiện nhận được sự quan tâm, tham dự của nhiều đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành đoàn thể Trung ương, các đại sứ quán tại Hà Nội; sự hưởng ứng tích cực của các giáo sư, bác sĩ trong ngành Huyết học – Truyền máu, cán bộ, sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội. Đặc biệt, đoàn phụ nữ tình nguyện gồm 07 người Úc đi xe đạp dọc theo đường quốc lộ 1 từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội để tuyên truyền vận động và hiến máu, thậm chí cả quyên góp tiền để góp phần xây dựng phong trào hiến máu nhân đạo.

Ngày 24/1 bước đầu tạo sự lan tỏa về hiến máu là việc làm nhân đạo, hiến máu không có hại cho sức khỏe, dần dần tạo nên phong trào rộng lớn ở nhiều địa phương.

Cũng ngày này, Câu lạc bộ học sinh, sinh viên hoạt động nhân đạo được thành lập với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động hiến máu và phòng chống các bệnh lây truyền qua đường máu. Câu lạc bộ trải qua nhiều lần đổi tên, nâng cấp và trở thành Hội Thanh niên Vận động hiến máu Hà Nội như ngày nay với gần 40.000 cán bộ, hội viên, tình nguyện viên trong 30 năm qua.

Nói về những ngày đầu khó khăn ấy, GS. TSKH Đỗ Trung Phấn, Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW nhớ lại: “Thời những năm 1993 – 1994, mọi thứ còn rất khó khăn, thiếu máu nghiêm trọng, bệnh nhân thì nhiều, HIV nổi lên. Ngày đầu tiên phát động chỉ được 30 đơn vị thôi, nhưng rất quý rồi, vì có thể giúp được cho Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức thực hiện phẫu thuật…”

Trong thời kỳ đầu đầy khó khăn của phong trào, ngày hiến máu 24/1/1994 là minh chứng đầy thuyết phục rằng: Cho máu không có hại, cho máu là việc làm nhân đạo, tất cả mọi người đều có thể tham gia hiến máu cứu người bệnh.

Tháng 1/1995, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trọng Nhân đã có quyết định lấy ngày 6/1 hằng năm là “Ngày toàn dân hiến máu nhân đạo”.

Công tác chỉ đạo được phát động trên toàn quốc với sự chủ động và tích cực của ngành y tế trong việc phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội Chữ thập đỏ và các ban/ngành tại địa phương.

Ngày 12/12/1995, Ban Khoa Giáo TW đã có công văn do GS. Phạm Tất Dong ký gửi Ban Thường vụ Tỉnh, Thành ủy và các trường Đại học, trung học chuyên nghiệp đề nghị lãnh đạo và động viên cuộc vận động hiến máu nhân đạo.

Giai đoạn này, công tác vận động hiến máu ngày càng lan rộng ra nhiều địa phương với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền đã góp phần hình thành phong trào rộng lớn.

Đóng góp quan trọng vào thành công của ngày 24/1/1994 và các năm sau đó, GS. TSKH Phạm Tất Dong, Nguyên Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương chia sẻ về cách thực hiện khi đó: “Phải làm sao để cho người dân họ hiểu được, ai cũng hiến máu được, đặc biệt là người khỏe mạnh và đây là chúng ta hiến máu, chứ không phải bán máu…

Muốn có kết quả thì cần những người đứng đầu, cán bộ cao cấp, gương mẫu hiến máu trước và cần tìm được lực lượng xung kích đi đầu. Về lực lượng xung kích, tôi chọn bộ đội và sinh viên. Còn lãnh đạo là ai, tôi chọn Bí thư TW Đoàn các đồng chí trong Chính phủ”.

Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh cùng nhiều đồng chí lãnh đạo đã trực tiếp hiến máu.

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 43/QĐ-TTg về việc vận động, khuyến khích toàn dân hiến máu tình nguyện và lấy ngày 7/4 là “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng tạo nên khí thế mới cho phong trào HMTN trên cả nước, từ đây lượng người HMTN tăng lên rõ rệt. 

Phát triển và lan tỏa mạnh mẽ

Với việc mở rộng áp dụng các biện pháp điều trị và tăng cường truyền thông về các lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, sự bức thiết về máu và nhu cầu máu cho điều trị càng rõ rệt.

Năm 2000 đánh dấu một bước phát triển mới mang tính bước ngoặt của hoạt động HMTN, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động đối với các cấp chính quyền và nhân dân. Nhân Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 43/QĐ-TTg về việc vận động, khuyến khích toàn dân hiến máu tình nguyện và lấy ngày 7/4 là “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng tạo nên khí thế mới cho phong trào HMTN trên cả nước, từ đây lượng người HMTN tăng lên rõ rệt.

Nguồn lực cho hoạt động hiến máu càng được củng cố khi năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN. Từ đó hoàn thiện mạng lưới Ban Chỉ đạo các cấp, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo và thực hiện công tác tuyên truyền vận động hiến máu.

Nhiều mô hình như: phường xã hiến máu, tuyến phố hiến máu được đẩy mạnh; các điểm hiến máu cố định được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, phát huy hiệu quả huy động máu.

Các chiến dịch, sự kiện lớn về hiến máu lần lượt ra đời, ngày càng được tổ chức quy mô, khoa học, bài bản, phù hợp với từng đối tượng, tạo cú huých mạnh mẽ cho phong trào HMTN như: Lễ hội Xuân hồng, Hành trình Đỏ, Chủ nhật Đỏ, “Những giọt máu hồng hè”… và nhiều sự kiện hiến máu lớn khác.

Hiến máu tình nguyện giờ đây đã trở thành một hoạt động thường xuyên, lan tỏa sâu rộng.

Nhiều chương trình đã vượt ra khỏi phạm vi công tác HMTN, mà trở thành những hoạt động mang tính chính trị, xã hội, sự kiện văn hóa, thu hút được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước, các Bộ, ngành, người dân tham gia và hiến máu.

GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW khẳng định: “Phong trào hiến máu nhân đạo đạt đến đỉnh cao bằng những việc làm rất bài bản, quy củ, nhưng sáng tạo và với sự quyết tâm lớn. Phong trào hiến máu nhân đạo thực sự phát triển đi vào chiều sâu, và rất bền vững. Đỉnh cao là các sự kiện hiến máu tầm cỡ quốc gia, thậm chí có tiếng vang đến quốc tế. Sự ra đời của 3 sự kiện hiến máu mang tầm quốc gia đó: Lễ hội Xuân hồng, Hành trình Đỏ và ngày Chủ nhật đỏ đã tạo ra cú huých để tăng thêm được số lượng người tham gia hiến máu, quan trọng nhất là thay đổi được nhận thức, đặc biệt là Lễ hội Xuân hồng….”

Trong giai đoạn này, với việc triển khai Dự án Trung tâm Truyền máu khu vực, Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho ngân hàng máu, nguồn lực đầu tư cho công tác vận động HMTN trên toàn quốc được quan tâm và tăng đáng kể.

Từ 2006, hằng năm đều tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác HMTN và nhiều hội thảo nhằm nâng cao năng lực và tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo trong công tác vận động HMTN.

Hệ thống văn bản chỉ đạo và văn bản về chế độ, chính sách của Bộ Y tế, Bộ Tài chính cho người hiến máu và hoạt động truyền máu dần được hoàn thiện.

Công tác tôn vinh, khen thưởng cho người HMTN cũng được chú trọng. Năm 2007, Viện Huyết học – Truyền máu TW tổ chức “Hành trình trái tim nhân ái” lần thứ nhất tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc. Đây là chương trình mở đầu cho sự kiện tôn vinh được Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN đều đặn duy trì từ đó đến nay.

Không chỉ ở các đô thị, hoạt động HMTN nói riêng và an toàn truyền máu nói chung cũng được chú trọng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Nhiều địa phương đã xây dựng và duy trì được lực lượng hiến máu dự bị thực chất, hiệu quả, sẵn sàng cung cấp nguồn máu khi cấp cứu hoặc xảy ra tai nạn, thảm họa.

Bà Cầm Thị Chuyên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La cho biết: “Sơn La là một tỉnh miền núi, địa bàn đi lại rất phức tạp, trình độ dân trí không đồng đều. Trước đây người dân có quan niệm không bao giờ cho máu, nghĩ rằng hiến máu có hại cho sức khỏe, cho nên công tác tuyên truyền, vận động HMTN rất khó khăn, đặc biệt với đồng bào dân tộc thiểu số”. Nhưng dần dần hiện nay, phong trào HMTN của Sơn La đã trở  thành nét đẹp truyền thống của bà con các dân tộc trên địa bàn”.

Nâng tầm chất lượng, hiệu quả và bền vững

Cho đến nay, nhận thức của toàn xã hội về lợi ích của HMTN đã có nhiều chuyển biến rõ rệt và tích cực. Lượng máu vận động và tiếp nhận được ngày càng tăng về số lượng, chất lượng, góp phần quan trọng bảo đảm công tác an toàn truyền máu, cứu chữa cho hàng triệu người bệnh cần truyền máu.  

Đối tượng hiến máu được mở rộng với sự tham gia ngày càng tích cực của lực lượng công an, quân đội, cán bộ, viên chức, người lao động, nông dân, học sinh, sinh viên, các tăng ni, phật tử…

Hiến máu cũng là trở thành trong những hoạt động trọng tâm của công tác Đoàn, của công tác nhân đạo. Nhờ đó vừa làm phong phú, đa dạng, củng cố hình ảnh của các phong trào xã hội khác, vừa góp phần thúc đẩy chính hoạt động HMTN.

Ông Lưu Kim Oai, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang cho biết: “Phong trào HMTN của tỉnh những năm qua đã đem lại hiệu quả thiết thực, nhất là tạo được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành cũng như Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ”.

Trải qua 30 năm, từ chỗ đa phần là người bán máu, từ số đơn vị máu tiếp nhận rất khiêm tốn, từ 139.000 đơn vị máu tiếp nhận được năm 1994, lượng máu đã tăng lên hơn 500.000 đơn vị vào năm 2008. Đến năm 2023, toàn quốc tiếp nhận được hơn 1,5 triệu đơn vị máu, trong đó, 99% lượng máu là từ người hiến máu tình nguyện, tương đương tỷ lệ 1,5% dân số. Trên 21,3 triệu đơn vị máu đã được hiến tặng trong 30 năm qua.

Ghi nhận và tri ân những đóng góp của người HMTN cả nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN khẳng định: “Trong hơn 30 năm thực hiện vận động HMTN, đã có hàng triệu người tham gia hiến máu, hàng triệu lít máu để cứu chữa cho bệnh nhân. Nếu không có những người hiến máu đồng hành cùng y tế, thì việc cấp cứu, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người dân vô cùng khó khăn. Chúng tôi đánh giá rất cao sự đồng hành của người HMTN trong cả nước trong việc đồng hành cùng ngành y tế để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”.

Sự phát triển của phong trào HMTN góp phần không nhỏ vào hiện đại hóa ngành truyền máu nước ta, phát triển các kỹ thuật mới như: sàng lọc máu, sản xuất chế phẩm máu, điều phối máu, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng máu.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Minh, Nguyên Giám đốc Trung tâm Huyết học - Truyền máu miền Trung đánh giá về tính hiệu quả phong trào HMTN 30 năm qua: “Nhờ các chương trình, đợt hiến máu hết sức sôi nổi, lượng máu tiếp nhận đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu cho điều trị, phẫu thuật, ghép tạng…”

Trải qua 30 năm, sức sống bền bỉ của một phong trào thiện nguyện đã trở thành hành động thường xuyên của hàng vạn người dân. Sự chuyển dịch tưởng như đơn giản, nhưng đó là sự thay đổi về “chất” mang tính bền vững. 

PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW nhấn mạnh: “30 năm qua thực sự là cuộc “cách mạng” thay đổi nhận thức của hàng chục triệu người dân về HMTN. Hoạt động HMTN đã trở thành một phong trào có sức ảnh hưởng rộng lớn, thu hút và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội”.

Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi trong Thư gửi đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước nhân Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện năm 2020:

 “Vì sức khỏe cộng đồng và vì sức khỏe của chính mình. Tôi kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, mỗi người khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn, hãy luôn sẵn sàng, hăng hái, tham gia hiến máu và tích cực vận động mọi người cùng hiến máu thường xuyên…”/.

Bài, ảnh: Thảo Nguyên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN