Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hành trình 10 triệu bàn tay sạch

Thứ Ba, 25/09/2018 11:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 29 ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, các cấp, các ngành tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều hoạt động vệ sinh phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân được tỉnh Đồng Tháp triển khai thực hiện từ năm 2013, với việc phát động hướng ứng “Ngày rửa tay toàn cầu 15/10” tại xã An Phước, huyên Tân Hồng. Từ đó đến nay, Đồng Tháp đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền Ngày vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, đáng chú ý là Chiến dịch truyền thông vận động cộng đồng xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, thường xuyên rửa tay với xà phòng; Chiến dịch truyền thông rửa tay với xà phòng để phòng, chống bệnh chân tay miệng (năm 2014); Hành trình 10 triệu bàn tay sạch (năm 2016)…; đồng thời, treo băng rôn, panô, áp phích, khẩu hiệu tại các nơi công cộng, các tuyến đường chính; Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí, đài phát thanh truyền hình tăng thời lượng tuyên truyền cổ động việc xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình và nơi công cộng, thường xuyên rửa tay với xà phòng... để phòng chống dịch bệnh.

Học sinh thực hành rửa tay bằng xà phòng tại Lễ phát động chiến dịch truyền thông "Hành trình 10 triệu bàn tay sạch". Ảnh: Duy Khánh/THĐT

Nhằm triển khai có hiệu quả, ngành y tế tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề; các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng về các hoạt động xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường như: Khai thông cống rãnh; phát quang bụi rậm; thu gom và xử lý rác thải tại 100% địa bàn các huyện, thị, thành phố của tỉnh, thu hút được đông đảo các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân tham gia.

Năm 2017, phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân có chủ đề “Sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh góp phần xây dựng nông thôn mới”, nhằm thể hiện sự chung tay của toàn xã hội, cộng đồng trong công tác vệ sinh yêu nước, phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, tại cộng đồng, triển khai chiến dịch truyền thông kêu gọi cộng đồng thường xuyên rửa tay với xà phòng, xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây qua đường tiêu hóa, hô hấp...

Tại trường học, tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông về rửa tay với xà phòng để phòng, chống dịch bệnh, bảo quản và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh vào các hoạt động ngoại khóa, hoạt động Đoàn, Đội; tổ chức các đợt ra quân tổng vệ sinh trường học, nơi công cộng để giáo dục, nâng cao trách nhiệm của học sinh, giáo viên trong phòng, chống dịch bệnh.

Ở các bệnh viện, cơ sở y tế, tiếp tục thực hiện chiến dịch “Bàn tay sạch, bảo vệ người bệnh” để không ngừng nâng cao ý thức kiểm soát và ngăn ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện; triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao ý thức của người thân và bệnh nhân giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh;...

Có thể thấy, sau 5 năm triển khai thực hiện phong trào “Vệ sinh yêu nước” với các hình thức truyền thông đa dạng, phong phú đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân về vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc tốt sức khỏe gia đình. Trong đó, đáng chú ý là việc nâng cao ý thức và tỷ lệ xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và vệ sinh cá nhân, với tỷ lệ tăng trung bình trên 5%/năm. Tỷ lệ số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh tăng 18,76%, từ 50,20% năm 2012 lên 68,96% năm 2016. Ngoài ra, số ca mắc/chết do sốt xuất huyết giảm từ 5.012/6 năm 2012 xuống còn 3.524/2 năm 2016; số ca mắc/chết do bệnh tay chân miệng từ 6.188/7 của năm 2012, đến năm 2016 còn 3.603 ca mắc và không có người chết…

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp Trần Văn Lườm, nhằm tiếp tục tăng cường và làm tốt hơn nữa công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, từ nay đến năm 2021, Đồng Tháp phấn đấu 97% số hộ gia đình thành thị và 90% số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 95% số hộ gia đình ở thành thị và 80% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% cơ sở sản xuất, nơi công cộng (trạm y tế xã, trường học mầm non, phổ thông, chợ, bến xe...) có nhà tiêu hợp vệ sinh, có đủ nước sạch và chỗ rửa tay với xà phòng; 50% người dân thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng; 100% ổ dịch bệnh truyền nhiễm được xử lý môi trường theo qui định; 100% trường học thực hiện phong trào vệ sinh phòng bệnh trong học sinh, sinh viên…

Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định; các thôn, làng có điểm thu gom rác thải đảm bảo vệ sinh và thực hiện phong trào phân loại, thu gom và xử lý chất thải, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường… nâng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giải quyết các vấn đề vệ sinh liên quan đến dịch bệnh…

Để đạt được mục tiêu trên, trong những năm tới, Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân nhằm khơi dậy ý thức trách nhiệm của mọi người dân tham gia các vấn đề vệ sinh liên quan đến sức khỏe. Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các kiến thức, các biện pháp đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn lao động và vệ sinh lao động... bằng nhiều hình thức và đa dạng hóa như truyền thông trực tiếp qua hội họp, sinh hoạt câu lạc bộ, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vận động người dân xóa bỏ các tập quán lạc hậu gây mất vệ sinh không lợi cho sức khỏe cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư./.

Trung Kiên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN