Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hàng chục triệu trẻ em vẫn phải nghỉ học vì đại dịch COVID-19

Thứ Sáu, 17/09/2021 09:26 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 16/9 cho biết sau 18 tháng xảy ra đại dịch COVID-19, các trường học vẫn đóng cửa hoàn toàn hoặc gần như đóng cửa đối với gần 77 triệu học sinh ở 6 quốc gia.

 Hàng chục triệu trẻ em vẫn phải nghỉ học vì đại dịch COVID-19. (Ảnh: UN)

Theo phân tích của UNICEF, Bangladesh, Philippines và Panama là một trong những quốc gia có trường học bị đóng cửa lâu nhất. Tổng cộng, ước tính có khoảng 131 triệu học sinh ở 11 quốc gia đã bỏ lỡ hơn 3/4 thời gian học trực tiếp của mình. Trên toàn cầu, gần 27% quốc gia tiếp tục đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần trường học.

Bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành UNICEF, cho biết khi các lớp học vẫn tiếp tục bị đóng cửa ở nhiều quốc gia trên thế giới, hàng triệu học sinh đang bước vào năm học thứ ba mà chưa được đặt chân đến lớp. Bà cảnh báo những tác hại khi học sinh không được đi học “có thể không bao giờ bù đắp được".

Để thu hút sự chú ý về 18 tháng học hành sa sút, nguyện vọng bị trì hoãn và tương lai không chắc chắn này, đồng thời thúc giục các chính phủ mở cửa lại trường học càng sớm càng tốt, UNICEF và các đối tác đã quyết định đóng băng các kênh kỹ thuật số của họ trong vòng 18 giờ, tính từ 1 giờ chiều ngày 16/9 (theo giờ GMT).

Nhiều trẻ em không được ăn uống và không được tiêm phòng định kỳ

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, việc đóng cửa các trường học đã tạo ra một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn cho trẻ em. Ngoài sự chậm trễ trong việc học hành, nhiều trẻ em không được cung cấp các bữa ăn và tiêm chủng thông thường trong môi trường học đường, phải chịu sự cô lập xã hội và mức độ lo lắng tăng cao, thậm chí phải tiếp xúc với lạm dụng và bạo lực.

Đối với một số em, việc đóng cửa trường học đã dẫn đến học sinh bỏ học, đi làm và kết hôn sớm. Bên cạnh đó, nhiều bậc cha mẹ học sinh chưa đáp ứng được công việc và nhu cầu chăm sóc, giáo dục con cái. Một số người đã mất việc làm hoàn toàn, đẩy gia đình họ vào cảnh nghèo đói và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế.

Trong khi đào tạo từ xa đã là một cứu cánh cho hàng triệu học sinh, thì khả năng tiếp cận công nghệ và chất lượng của các chương trình giáo dục lại không đồng nhất giữa các cộng đồng và giữa các khu vực.

UNICEF lưu ý rằng kinh nghiệm cho thấy trường học không phải là yếu tố chính trong việc lây truyền COVID-19, và có thể giữ cho trường học được mở cửa.

Mở lại trường học càng sớm càng tốt

Do đó, UNICEF kêu gọi các chính phủ, chính quyền địa phương và các cấp quản lý trường học mở cửa trở lại trường học càng sớm càng tốt bằng cách thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây truyền của virus trong trường học. Theo đó, cần thực hiện các chính sách yêu cầu đeo khẩu trang cho học sinh và nhân viên, phù hợp với hướng dẫn của quốc gia và địa phương; cung cấp các phương tiện để rửa và/hoặc khử trùng tay; thường xuyên làm sạch bề mặt và đồ vật dùng chung; bảo đảm rằng hệ thống thông gió của các lớp học đầy đủ và thích hợp; lập nhóm thuần học tập (giữ học sinh và giáo viên trong các nhóm nhỏ và tránh trộn lẫn); chia theo từng thời điểm khi bắt đầu lớp học, giờ nghỉ giải lao, sử dụng nhà vệ sinh, bữa ăn và khi kết thúc lớp học và xen kẽ các khoảng thời gian xuất hiện; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin với phụ huynh, học sinh và giáo viên.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc lưu ý ngay cả khi đây không phải là điều kiện tiên quyết để mở cửa trường học trở lại, thì giáo viên nên được coi là đối tượng ưu tiên tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19, sau các nhân viên y tế tuyến đầu và những người có nguy cơ cao nhất, để bảo vệ họ chống lại sự lây truyền trong cộng đồng.

Để hỗ trợ các sáng kiến này, UNICEF, phối hợp với một số tổ chức, đã xây dựng Khung hoạt động mở lại trường học để đưa ra những tư vấn, lời khuyên thiết thực và linh hoạt cho chính quyền địa phương và quốc gia và hỗ trợ họ trong nỗ lực đưa trẻ em trở lại trường học.

Bà Henrietta Fore nêu rõ: “Cuộc khủng hoảng giáo dục vẫn hiện hữu và ngày này qua ngày khác, việc đóng cửa các trường học đang làm cho tác động tàn phá của nó trở nên tồi tệ hơn. “Trường học phải là nơi đóng cửa cuối cùng và là nơi đầu tiên mở cửa trở lại. Chúng ta cần đặt lợi ích tốt nhất của mỗi đứa trẻ lên hàng đầu. Trừ những trường hợp nghiêm trọng nhất, còn học sinh phải được phép trở lại lớp học" – Giám đốc điều hành UNICEF nhấn mạnh./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN