Hạn chế sử dụng thiết bị, phầm mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị - Cần quy định bằng Luật
(ĐCSVN) - Bộ Công an đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phầm mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.
Đáng chú ý, tại Khoản 3, Điều 4 dự thảo nghị định này đề xuất: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”. Phóng viên (Pv) Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật (VBQPPL), Bộ Tư Pháp.
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật, Bộ Tư Pháp. (Ảnh: Quang Chiến)
Pv: Là một người có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực VBQPPL, xin ông cho biết quan ý kiến của mình về dự thảo “Nghị định Quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị” mà Bộ Công an đang đưa ra lấy ý kiến?
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn: Trước tiên tôi thấy, việc “rộ lên” dự thảo của Bộ Công an là có lý do riêng của nó, thứ hai đây mới đang là dự thảo để đưa ra lấy ý kiến và ý kiến được đưa ra như thế là rất hay, rất tốt.
Còn liên quan đến đối tượng trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị định này có mấy vấn đề: Thứ nhất, là loại trang thiết bị phầm mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị là một công cụ đặc biệt, nếu ở trong tay cơ quan chức năng, trong tay những người tốt, sử dụng vào mục đích tốt, để phát hiện hành vi phạm tội, thậm chí cả phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thì đó là một lợi khí, một công cụ rất tốt, rất hiệu quả, hơn nữa có thể coi đây là một phương pháp, cách thức để lấy chứng cứ. Thứ hai kể cả phóng viên, nhà báo, các cơ quan báo chí trong quá trình làm bài điều tra, phản ánh…đây cũng là một phương thức để lấy chứng cứ rất tốt, hiệu quả.
Tuy nhiên, trường hợp nếu các công cụ này rơi vào tay kẻ xấu nó lại gây hậu quả khó lường như: vi phạm pháp luật, vi phạm bí mật đời tư, và gây hậu quả cho xã hội, ai cũng thấy rõ điều đó. Như vậy có thể nói, đây là công cụ có tác động nhiều mặt, quan trọng là rơi vào tay ai, với mục đích gì. Và mấu chốt của vấn đề, với các loại công cụ, trang thiết bị này, theo quan điểm của tôi thì Nhà nước cần quản lý. Trước hết phải quản lý chặt chẽ từ cơ sở kinh doanh, bởi đây là loại mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nên Chính phủ phải ban hành quy định trong dự thảo nghị định về cơ chế, phương pháp để quản lý chặt chẽ loại trang thiết bị đặc biệt này, chứ không thể buông lỏng, mua bán các thiết bị trên một cách trôi nổi, tùy tiện như bấy lâu nay, và đây rõ ràng là việc làm cần thiết.
Pv: Trong Khoản 3, Điều 4 của dự thảo có nội dung đề xuất hạn chế sử dụng thiết bị, phầm mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn: Trong dự thảo của nghị định này đáng chú ý tại Khoản 3, Điều 4 đề xuất: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”. Tôi thấy chỗ này là có vấn đề. Bởi nhẽ, nếu quy định “chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị,..” về cơ bản không có vấn đề gì, nhưng mà ngay ở các cơ quan, đơn vị đó sử dụng cũng phải quản lý thật chặt chẽ, không để lạm dụng, không để tùy tiện, không để sử dụng trái với mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ được giao, đây là vấn đề cực kì quan trọng. Thực tế việc lạm dụng, làm sai ở một số cá nhân, một số cơ quan không phải là không có.
Ở đây lại có vấn đề khác nữa, khi chỉ có các đơn vị, cơ quan trên được phép sử dụng thì có nghĩa những người khác không được sử dụng, nếu suy luận từ điều luật ra, thì cái đó lại đụng đến quyền công dân, quyền sở hữu, sử dụng tài sản của công dân, …Việc quy định cấm còn đặt ra vấn đề, nghị định có được quy định thế không, quan điểm của tôi nó đã đụng chạm đến Khoản 2, Điều 14, Hiến pháp năm 2013, nội dung quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”
Như vậy, nếu muốn không cho phép công dân sử dụng loại trang thiết bị này phải luật quy định, chứ không phải là nghị định, do vậy nội dung này nó có vẻ hơi vượt ra ngoài khi nó đụng chạm đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân,…
Nói rộng ra, đối với các phóng viên, nhà báo họ sử dụng các loại thiết bị đặc biệt trên bấy lâu nay hiệu quả rất tốt, cái đó không ai phủ nhận, còn nếu chiểu theo dự thảo nghị định này thì phóng viên cũng không được sử dụng, tức lại đụng đến quyền của phóng viên, nhà báo đi tác nghiệp được quy định trong Luật Báo chí.
Pv: Trong cuộc trả lời phỏng vấn này ông muốn nhấn mạnh điều gì?
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn: Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, đây là loại trang thiết bị đặc biệt, nếu dùng tốt, đúng mục đích thì nó sẽ phát huy hiệu quả trong phòng chống tiêu cực, tham nhũng, phòng chống tội phạm, nhưng rơi vào tay kẻ xấu nó sẽ gây hậu quả, nên đây là trang thiết bị cần quản lý, trước hết từ cơ sở kinh doanh, điều kiện kinh doanh. Nếu muốn cấm công dân sử dụng các loại trang thiết bị trên phải do luật quy định, tuy nhiên loại trang thiết bị đặc biệt này phải được quản lý chặt chẽ, việc công dân sử dụng cũng phải có cơ chế quản lý, kiểm soát...
Theo quan điểm của tôi, cần giao, thậm chí quy trách nhiệm cho các đơn vị kinh doanh các loại thiết bị này. Họ bán cho ai thì phải nắm thông tin cá nhân của người đó, chứ không thể để tùy tiện được, ai mua cũng được, về sử dụng không đúng mục đích, trong đó có những mục đích xấu, gây hậu quả cho xã hội, điều đó là không thể chấp nhận.
Ví dụ giờ chưa có quy định cấm công dân sử dụng các loại thiết bị trên, nhưng khi anh có đến mua tôi cũng phải quản thông tin cá nhân, để tôi biết được trang thiết bị đó nó nằm ở tay ai, trường hợp nếu anh sử dụng vi phạm pháp luật, tác động xấu đến xã hội, gây hậu quả nghiêm trọng, thì tôi trình báo cho cơ quan chức năng xử lý, đó là biện pháp quản lý./.
Pv. Xin cám ơn ông!