Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ bước vào màn tranh luận trực tiếp đầu tiên
(ĐCSVN) - Sáng 11/9 (giờ Việt Nam, tối 10/9 theo giờ Mỹ), cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đã diễn ra tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia (NCC) tại Philadelphia, Pennsylvania.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (phải) và ứng cử viên đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên tại Philadelphia, Pennsylvania, tối 10/9/2024. (Ảnh: Reuters) |
“Màn so găng” kéo dài 1 tiếng 45 phút giữa Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump được ví như “cuộc sát hạch đầu tiên” và “hâm nóng” đường đua vào Nhà Trắng. Các cuộc tranh luận giữa hai ứng viên Tổng thống được đông đảo người dân Mỹ theo dõi trên truyền hình và có thể ảnh hưởng lớn đến quyết định của các cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Bà Harris được đánh giá là một người tranh luận lão luyện, song ông D.Trump cũng cho thấy là một đối thủ nặng ký – theo như những gì đã được cựu Tổng thống Mỹ thể hiện trong các cuộc tranh luận năm 2016 và 2020.
Màn so găng với ông D.Trump được cho là “thách thức lớn nhất” mà bà Harris phải đối mặt kể từ khi được Tổng thống J.Biden trao ngọn đuốc tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, trong một mùa bầu cử mà cử tri thể hiện sự mệt mỏi đối với cuộc tái đấu giữa hai ứng viên lớn tuổi J.Biden -D.Trump, thì sự xuất hiện của bà Harris được coi như một làn gió mới và có thể mang lại cho bà nhiều lợi thế. Trên sân khấu tranh luận ở Philadelphia, bà Harris sẽ đưa ra cả lập luận mở đầu cho hàng triệu cử tri muốn biết thêm về mình, sau đó đưa ra lập luận kết thúc để ủng hộ vị trí ứng cử của bà và phản đối ứng cử của đối thủ D.Trump vào thời điểm chiến dịch chớp nhoáng của hai ứng cử viên bước vào 8 tuần cuối cùng trước bầu cử.
Còn đối với ông D.Trump, cuộc tranh luận lần này là cơ hội để cựu Tổng thống Mỹ tận dụng kinh nghiệm tranh luận và lãnh đạo dày dặn của mình để khẳng định sự ủng hộ của các cử tri và làm suy yếu đối thủ. Tuy nhiên, việc trở thành người tham gia nhiều nhất các cuộc tranh luận với tư cách là ứng viên tổng thống trong một cuộc bầu cử cũng mang lại cho ông D.Trump nhiều bất lợi khi phải thể hiện được sự mới mẻ so với những màn tranh luận trước đó.
Sau khi bỏ qua các cuộc tranh luận sơ bộ của đảng Cộng hòa, ông D.Trump giờ đây sẽ đối đầu với đối thủ thứ hai trong đảng Dân chủ sau nhiều lần tham gia các màn tranh luận trực tiếp. Song không giống như màn tranh luận với Tổng thống Joe Biden trên sân khấu ở Atlanta vào tháng 6, những điều mới mẻ của bà Harris lại đặt ra với ông D.Trump một thách thức hoàn toàn khác chưa được khám phá.
Cuộc tranh luận trực tiếp trên sân sấu ở Philadelphia đánh dấu lần đầu tiên hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ gặp nhau trực tiếp. Bà Harris chủ động tiến về phía ông D.Trump để bắt tay, sau đó hai ứng cử viên bắt đầu nhận câu hỏi từ người điều phối chương trình. Cuộc tranh luận do hãng tin ABC News điều phối và không có khán giả tham gia trực tiếp. Theo quy tắc tranh luận, hai đối thủ đồng ý tắt micro khi chưa tới lượt phát biểu.
Người dân theo dõi màn tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ. (Ảnh: Reuters) |
Trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ đề cập tới nhiều vấn đề, từ kinh tế, nhập cư, vấn đề phá thai, chính sách đối ngoại, cho đến các cuộc xung đột Nga - Ukraine và chiến sự ở Gaza…
Theo đánh giá của truyền thông Mỹ, cuộc tranh luận diễn ra vào tối 10/9 là cơ hội để bà Harris thể hiện tiếng nói mạnh mẽ nhằm bảo vệ quyền sinh sản của phụ nữ và phản bác lại chính sách nạo phá thai của cựu Tổng thống D.Trump theo cách mà ông J.Biden chưa làm được. Trong khi đó, ứng cử viên của đảng Cộng hòa lại nhân cuộc tranh luận này để đưa ra những thay đổi lập trường về vấn đề nạo phá thai bằng cách chỉ trích lệnh cấm phá thai 6 tuần tuổi, đồng thời thể hiện quan điểm bảo vệ các trường hợp phá thai “ngoại lệ” như hiếp dâm, loạn luân và đe dọa tính mạng của người mẹ.
Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đã bước vào vòng tranh luận trực tiếp đầu tiên với những lợi thế khác nhau. Cách thức thể hiện của mỗi ứng cử viên sẽ góp phần không nhỏ trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của các cử tri trong cuộc đua bầu cử Tổng thống vốn tiềm ẩn nhiều bất ngờ khó đoán.
Theo kết quả thống kê của trang RealClearPolitics, trung bình tỷ lệ cử tri ủng hộ bà Harris hiện đang ở mức 47,9% không quá chênh lệch với tỷ lệ phản đối 48,3%, dù con số này vẫn nhỉnh hơn ông D. Trump với 44%. Đáng chú ý, kết quả thăm dò của báo New York Times và trường Cao đẳng Siena đều cho thấy cả 2 ứng viên có tỷ lệ ủng hộ/phản đối tương đương nhau (46%/51% đối với Harris và 46%/52% đối với ông Trump), dù hầu hết các dữ liệu nổi bật khác cho thấy phó tổng thống Mỹ có đôi chút lợi thế về tỷ lệ ủng hộ./.