Hải Dương: Gặp khó khi chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch bằng lò nung
(ĐCSVN) - Theo Quyết định số 2519/QĐ-UBND do UBND tỉnh Hải Dương, ban hành ngày 01/11/2012, trước ngày 1/1/2016, toàn bộ các cơ sở sản xuất gạch bằng lò thủ công, lò nung liên tục kiểu đứng sẽ phải chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, việc thực hiện quyết định trên là "bài toán khó", vì thời hạn cấp phép hoạt động cho các cơ sở sản xuất gạch vẫn còn.
tạo điều kiện gia hạn thời gian hoạt động. Ảnh: QĐ
"Gặp khó" do văn bản các cấp thiếu thống nhất
Trước năm 2006, toàn tỉnh Hải Dương có khoảng trên 500 lò gạch thủ công sản xuất theo quy trình lạc hậu gây ô nhiễm môi trường; ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sức khỏe của người dân ở các khu vực xung quanh. Thực hiện lộ trình của UBND tỉnh Hải Dương về việc xóa bỏ lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường, trong giai đoạn 2006 - 2010, các hộ sản xuất gạch thủ công trên địa bàn đã được chính quyền cho phép xóa bỏ lò gạch thủ công và chuyển đổi sang công nghệ lò nung liên tục kiểu đứng. Đây là công nghệ sản xuất gạch đất sét nung cho phép giảm thiểu khí thải độc hại ra môi trường, hạn chế sử dụng nguyên liệu hóa thạch. Theo đó, công nghệ này đã được các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Bách Khoa và cán bộ Sở Khoa học, Công nghệ Hải Dương chuyển giao cho 147 cặp lò.
Hiện nay, trên địa bàn một số huyện như: Nam Sách, Tứ Kỳ, Kinh Môn, Cẩm Giàng... hiện còn khoảng hơn 60 cơ sở đang hoạt động còn đủ điều kiện, nguyên vật liệu để sản xuất. Trong đó, nhiều cơ sở sản xuất đã được UBND huyện cấp phép sản xuất gạch bằng lò nung liên tục kiểu đứng với thời gian cấp phép từ 15 - 25 năm. Tùy vào quy mô, vốn đầu tư cho một cơ sở sản xuất gạch liên tục kiểu lò đứng dao động trong khoảng từ 7 - 15 tỷ đồng, bao gồm các chi phí thuê đất; xây dựng nhà xưởng; đầu tư thiết bị sản xuất; mua nguyên, vật liệu; thuê nhân công... Thực tế, đến nay, cơ bản các cơ sở sản xuất gạch này mới xây dựng và đi vào sản xuất được khoảng 5 - 7 năm, chưa thu đủ số vốn đầu tư ban đầu.
Trong khi đó, nhằm thực hiện lộ trình Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, ngày 01/11/2012, UBND tỉnh Hải Dương đã ra Quyết định số 2519/QĐ-UBND, theo đó, ngày 31/12/2015 là thời hạn chót để các lò gạch thủ công, thủ công có xử lý khí thải bằng nước vôi, lò liên tục kiểu đứng và lò Hoffman trên địa bàn tỉnh phải chấm dứt hoạt động.
Song, đến nay, việc triển khai thực thi Quyết định này đang vấp phải nhiều khó khăn. Phần đông chủ đầu tư các cơ sở sản xuất gạch sử dụng lò liên tục kiểu đứng đều mong muốn được các cấp chính quyền gia hạn thêm thời gian vì chi phí đầu tư ban đầu quá lớn, trong khi thời gian trong quyết định cấp phép sản xuất còn rất dài.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Đức Dục - Chủ tịch Hiệp hội gạch công nghệ lò đứng tỉnh Hải Dương, đồng thời cũng là chủ của một cơ sở sản xuất gạch ở xã Tứ Xuyên (Tứ Kỳ, Hải Dương) cho biết, gia đình đã đầu tư gần 17 tỷ đồng để xây dựng 02 cặp lò gạch liên tục kiểu đứng. Để có vốn, ông đã phải liên hệ vay các tổ chức tín dụng và huy động từ anh em, họ hàng trong gia đình. Thời gian sản xuất chưa lâu, nếu buộc phải ngừng hoạt động thì gia đình ông Dục chắc chắn sẽ không có khả năng thanh toán các khoản nợ do đầu tư sản xuất gạch. Trong khi đó, diện tích đất thuê của gia đình vẫn còn thời hạn lên tới 18 năm, căn cứ vào Thông báo số 13/TB-UBND do Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ, ký ngày 20/3/2008.
Không chỉ riêng gia đình ông Bùi Đức Dục mà trên 50 chủ cơ sở sản xuất gạch bằng lò nung liên tục kiểu đứng còn lại trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng sẽ rơi vào cảnh tương tự khi chính quyền buộc dừng hoạt động sản xuất.
Thông báo chấp thuận dự án sản xuất gạch bằng lò nung liên tục kiểu đứng do UBND huyện Tứ Kỳ
cấp cho hộ ông Bùi Đức Dục với thời hạn hoạt động là 25 năm. Ảnh: QĐ
Lời giải nào cho "bài toán khó"
Đi sâu tìm hiểu được biết, so với các lò gạch đất sét nung truyền thống, sản xuất gạch bằng lò nung liên tục kiểu đứng có khá nhiều ưu điểm như: Ít tác động đến môi trường, khí thải đều đạt tiêu chuẩn TCVN và quy chuẩn QCVN (nồng độ khí thải được đo thường xuyên và luôn bảo đảm ở mức cho phép).
Hiện tại, công nghệ lò nung liên tục kiểu đứng còn được cải tiến khi tận dụng các phế liệu trong công nghiệp và nông nghiệp như: Phế liệu của các nhà máy nhiệt điện, trấu, mùn cưa... để làm nguyên liệu sản xuất, vì thế đã thay thế hoàn toàn việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó, theo nội dung đơn kiến nghị do Hiệp hội gạch công nghệ lò đứng tỉnh Hải Dương mới gửi đến Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hải Dương, các lò gạch liên tục kiểu đứng trên địa bàn tỉnh hiện nay đang tạo công việc ổn định cho hơn 4.000 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Đây là số lao động người địa phương, phần lớn có độ tuổi từ 45 - 60 tuổi nên khó có thể chuyển đổi công việc khi các lò gạch ngừng hoạt động.
Thực tế đến nay, sau gần 1 tháng tính từ thời điểm phải chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch (tại Quyết định số 2519/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hải Dương), nhưng nhìn chung, chính quyền cơ sở tại các xã, thị trấn có lò gạch liên tục kiểu đứng đều rất trăn trở trước kiến nghị của các chủ cơ sở về việc gia hạn sản xuất cho sản xuất gạch đến hết năm 2018 theo Quyết định 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch tổng thể vật liệu xây dựng Việt Nam.
Theo ông Bùi Đức Dục, nguyện vọng chung của chủ cơ sở sản xuất gạch sử dụng lò nung liên tục kiểu đứng là được cho phép gia hạn thêm thời gian hoạt động.
Như vậy có thể thấy, việc cấm lò gạch sử dụng lò nung liên tục kiểu đứng hoạt động của tỉnh Hải Dương ở thời điểm này đang gặp khó do sự thiếu thống nhất giữa quyết định cấp phép sản xuất của huyện, thị, thành phố với quyết định chấm dứt hoạt động của các lò liên tục kiểu đứng do UBND tỉnh ban hành.
Ông Nguyễn Văn Thọ - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương cho biết, hiện cơ quan đang tích cực tiến hành rà soát, tổng hợp ý kiến vướng mắc để tham mưu cho UBND tỉnh sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các chủ cơ sở sản xuất gạch. Song, đây thực sự là một "bài toán" khó, bởi theo luật định, trường hợp nếu buộc các lò gạch liên tục kiểu đứng dừng sản xuất trước thời hạn đã được chính quyền cấp phép thì sẽ cần một khoản tiền rất lớn để bồi thường thiệt hại kinh tế cho các chủ lò gạch. Ngược lại, gần như không có khả năng để các lò gạch liên tục kiểu đứng tiếp tục hoạt động đúng theo thời gian dự án đã được cấp phép vì đã có quyết định của tỉnh, trung ương./.