Hà Tĩnh vận dụng sáng tạo, hiệu quả 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới
(ĐCSVN) – Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng lưu ý, bên cạnh các ngành kinh tế trọng điểm đã xác định, Hà Tĩnh cần chú trọng phát triển văn hóa, du lịch. Tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa, con người là nguồn lực, nền tảng của sự phát triển; chú trọng công tác đối ngoại, thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước... Qua đó, xây dựng Hà Tĩnh phát triển vững mạnh toàn diện.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. |
Sáng 16/4, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công tác triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn.
Các đồng chí: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Hoàng Trung Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Cùng dự buổi làm việc có đồng chí lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương; Ban Kinh tế Trung ương; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh và một số sở, ngành liên quan.
Sản xuất công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng chính
Báo cáo với đoàn công tác về kết quả sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Trần Thế Dũng khẳng định: “Những năm đầu tái lập, tỉnh đứng trước muôn vàn khó khăn, song với động lực mới, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà đã phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực, quyết tâm vượt khó vươn lên, đề ra nhiều chủ trương, chính sách và định hướng chiến lược, qua các giai đoạn đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Trần Thế Dũng báo cáo kết quả sau gần 40 năm đổi mới và kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. |
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1991-2023 đạt gần 10%. Quy mô nền kinh tế trước năm 1991 đạt 885 tỷ đồng, đến năm 2023 đạt gần 100.000 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người tăng từ 0,7 triệu đồng (năm 1991) lên trên 77 triệu đồng (năm 2023).
Sản xuất công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế (chiếm trên 30%). Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, đến nay, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn, 70 xã NTM nâng cao, 13 xã NTM kiểu mẫu; 9/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; đời sống người dân nông thôn được cải thiện. Hiện nay Hà Tĩnh đang xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM.
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được chú trọng; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư có nhiều chuyển biến. Toàn tỉnh hiện có 1.500 dự án trong và ngoài nước với tổng mức đầu tư hơn 22 tỷ USD.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội không ngừng phát triển, tạo được những dấu ấn quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 1991 chiếm 56,01% đến năm 2023 giảm còn 3,01% theo chuẩn nghèo đa chiều mới. Tỉnh đặc biệt quan tâm công tác an sinh xã hội với các chủ trương hỗ trợ xây dựng nhà ở, sinh kế và tiếp sức sinh viên nghèo vào đại học. QP-AN được đảm bảo. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được nâng cao.
Công tác xây dựng Đảng luôn được tỉnh tập trung hàng đầu nhằm xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh. Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng; công tác tổ chức; kiểm tra, giám sát; dân vận... Năm 1992, từ hơn 62.000 đảng viên, đến nay, đảng bộ đã có 99.903 đảng viên sinh hoạt ở 4.161 chi bộ thuộc 624 tổ chức cơ sở đảng của 17 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tỉnh đã kịp thời vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương sát với thực tế địa phương; đồng thời, nỗ lực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Nhờ vậy, việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 47,7 triệu đồng; đời sống vật chất và tinh thần Nhân dân không ngừng được nâng lên.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ đầu nhiệm kỳ đến nay luôn được tỉnh thực hiện chặt chẽ và nghiêm túc, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, năng lực quản lý, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ và chất lượng đội ngũ cán bộ; từng bước hoàn thiện tiêu chuẩn ngạch, chức vụ, chức danh theo quy định.
Đến nay, tỉnh đã cử 865 đồng chí tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng Đảng và bồi dưỡng cập nhật kiến thức theo chức danh cán bộ; cử 83 đồng chí đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung; mở 12 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính hệ tập trung với 324 học viên, 33 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính hệ không tập trung với 2.354 học viên…
Hình ảnh tại buổi làm việc. |
Đối với kết quả thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/05/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn, với sự quyết tâm, vượt lên mọi khó khăn, cùng sự chỉ đạo, hướng dẫn sát sao về chuyên môn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các đơn vị địa phương, đến nay, Trường Chính trị Trần Phú đã đạt 47/55 tiêu chí mức 1.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh cũng đề xuất nhiều nội dung trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại và công tác xây dựng Đảng. Trong đó, tỉnh mong muốn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tạo điều kiện mở lớp đào tạo, nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên giảng dạy chính trị cấp tỉnh, cấp huyện…
Đồng chí Bùi Trường Giang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương mong muốn tỉnh chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc ở địa phương.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá cao những kết quả Hà Tĩnh đạt được trong các giai đoạn; đồng thời, chia sẻ về một số bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác đào tạo cán bộ...
Xây dựng Hà Tĩnh phát triển vững mạnh toàn diện
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá cao quá trình quán triệt, tổ chức, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh sát hợp thực tiễn của địa phương. Mặc dù địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nhưng tỉnh luôn nỗ lực linh hoạt, sáng tạo vượt qua khó khăn, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, duy trì ổn định kinh tế, chính trị, đảm bảo an sinh xã hội.
Thực tiễn, các bài học trong quá trình đổi mới ở Hà Tĩnh sẽ được Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua tiếp thu, nghiên cứu.
Gợi mở định hướng phát triển thời gian tới, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị tỉnh bám sát mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, nắm bắt kịp thời tình hình trong nước, thế giới và trong tỉnh, từ đó xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp phù hợp.
Phát huy những kinh nghiệm, thành tựu của các nhiệm kỳ trước, tiếp tục quan tâm công tác xây dựng Đảng, coi đây là nội dung then chốt; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ các cấp. Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo; khai thác truyền thống, ý chí, bản lĩnh của Nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.
Bên cạnh các ngành kinh tế trọng điểm đã xác định, Hà Tĩnh cần chú trọng phát triển văn hóa, du lịch. Tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa, con người là nguồn lực, nền tảng của sự phát triển; chú trọng công tác đối ngoại, thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước... Qua đó, xây dựng Hà Tĩnh phát triển vững mạnh toàn diện.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng làm rõ thêm những bài học kinh nghiệm của Hà Tĩnh trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội. Trong đó, nội dung cốt lõi được tỉnh chú trọng là phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo tốt an sinh xã hội, đảm bảo môi trường và phát huy giá trị văn hóa truyền thống con người Hà Tĩnh.
"Quan điểm của tỉnh là luôn quyết liệt, linh hoạt, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện nhiệm vụ. Hà Tĩnh cũng chú trọng phát triển văn hóa, con người đồng thời với phát triển kinh tế bằng việc linh hoạt ban hành các nghị quyết cụ thể" - đồng chí Hoàng Trung Dũng chia sẻ.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề xuất một số nội dung liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính, công tác cán bộ, tuyển dụng thu hút nhân tài... và bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong thời gian qua; đồng thời, mong muốn tiếp tục được học viện hỗ trợ trong thời gian tới./.