Hà Nội: Ý kiến người dân xung quanh việc di dời hàng xà cừ trên phố Kim Mã
(ĐCSVN) - Thay vì chặt hạ hàng xà cừ dọc tuyến phố Kim Mã nhằm phục vụ cho việc mở tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội, thành phố Hà Nội sẽ di dời các cây này về vườn ươm để trồng lại. Dù rất luyến tiếc với hàng cây đã nhiều năm tuổi, tuy nhiên, người dân cho rằng chủ trương của thành phố là phù hợp.
Hàng xà cừ dọc tuyến phố Kim Mã trước ngày được đơn vị thi công di dời.
Để chuẩn bị cho mặt bằng thi công tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội, bắt đầu từ sáng ngày 16/9/2016, Sở Xây dựng cho di dời các cây có đường kính nhỏ hơn 40cm, sau đó di dời các cây xà cừ có đường kính lớn hơn 40cm dọc tuyến phố Kim Mã (đoạn từ cổng đền Voi Phục đến ngã tư Kim Mã – Liễu Giai). Các cây xanh này sẽ được đưa đến vườn ươm để duy trì, bảo dưỡng, sau đó trồng lại ở những khu vực khác tại Hà Nội.
Gắn bó với hàng cây từ nhiều năm nay, ông Đào Đình Tùng (82 tuổi), một người dân sống tại ngõ 629 Kim Mã ngậm ngùi chia sẻ: “Đã hơn 30 năm nay, ngày nào tôi cũng ngồi bán vé số dưới hàng cây này. Dù mưa hay nắng nhưng hàng xà cừ này vẫn che chắn cho những người qua lại dưới tán cây. Thật là buồn khi tại đây sẽ không còn hàng cây nữa. Biết được chủ trương của Thành phố về việc không chặt hạ cây, dù sao chúng tôi còn cảm thấy được an ủi. Một đời cây, một đời người. Tôi năm nay đã ngoài 80 tuổi. Từ lúc tôi còn nhỏ đã có hàng xà cừ này. Mong rằng sau này, khi được trồng lại ở một nơi khác, hàng cây vẫn sẽ tiếp tục tỏa bóng mát cho người dân Thủ đô”.
Ông Đào Đình Tùng
Dạo bộ dưới hàng cây trước những ngày thực hiện việc di dời, ông Nguyễn Trọng Hiếu (85 tuổi) sống tại phố Kim Mã cho biết: “Chủ trương hiện đại hóa, phát triển hạ tầng đô thị của Thành phố là điều cần thiết. Người dân chúng tôi luôn ủng hộ các chủ trương đúng đắn của Nhà nước. Tuy nhiên, cần hết sức rút kinh nghiệm đối với việc thực hiện trước đây, để giải phóng mặt bằng phục vụ cho tuyến đường sắt trên cao, đơn vị thực hiện đã đốn hạ hàng trăm cây xanh có tuổi đời lên tới hàng trăm tuổi. Điều này đã gây bất bình, bức xúc cho nhân dân Thủ đô trong thời gian dài. Tôi đã sống tại đây nhiều năm. Hàng xà cừ trên tuyến phố Kim Mã có tuổi đời cũng ngót 100 tuổi, không chỉ tỏa bóng mát cho người qua lại, hàng cây còn mang giá trị lịch sử rất sâu sắc. Chúng tôi đồng tình với chủ trương di dời các cây xanh tại đây đi nơi khác. Chỉ mong rằng, các cấp, ngành cũng cần nghiên cứu kỹ và có những phương án giám sát cụ thể đảm bảo cây có thể sống và trồng lại ở nơi khác”.
Ông Nguyễn Trọng Hiếu
Trước đó, thời điểm năm 2014 và năm 2015, để thực hiện chủ trương phát triển hạ tầng đô thị của Thành phố, hàng loạt cây xanh có tuổi đời lên tới hàng trăm năm tuổi đã bị đốn hạ nhằm phục vụ cho công tác thi công. Việc chặt hạ hàng loạt cây xanh (xà cừ) lớn dọc các tuyến đường Thanh Xuân (Nguyễn Trãi), đường Bưởi, đường Láng đã làm không ít người dân Thủ đô cảm thấy xót xa, tiếc nuối.
Rút kinh nghiệm trước những bức xúc của người dân Thủ đô, ngày 18/8/2016, Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp phép dịch chuyển, chặt hạ hàng cây xanh cho Ban quản lý Dự án Đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội. Cụ thể, Ban quản lý Dự án ĐSĐT Hà Nội sẽ dịch chuyển 106 cây phát triển bình thường, nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng và 3 cây có dấu hiệu sâu mục, dịch chuyển về vườn ươm để chữa trị. Ngoài ra, sẽ cắt tỉa 1 cây (cây đa ở khu vực đền Voi Phục) có cành vướng mặt bằng thi công dự án, đồng thời chặt hạ 2 cây khác đã chết.
Được biết, Ban quản lý ĐSĐT Hà Nội đã giao cho đơn vị thực hiện là Công ty Cổ phần Beepro. Theo kế hoạch, các cây được dịch chuyển sẽ đưa về vườn ươm của công ty Beepro ở Văn Giang, Hưng Yên. Đại diện của công ty Beepro cho biết, công tác dịch chuyển trên tinh thần cao nhất là cứu sống, duy trì và nuôi dưỡng cây tiếp tục phát triển. Theo thống kê, tỷ lệ cứu sống cây sau di chuyển vào khoảng 60%.
Bày tỏ quan điểm lo lắng đối với "số phận" của những hàng xà cừ cổ thụ, ông Lê Ngọc Biển (74 tuổi) và ông Lê Đình Quý (77 tuổi) tâm sự: “Phải chia tay hàng cây đã gắn bó gần suốt cả cuộc đời chúng tôi thật khó khăn. Chúng tôi cảm thấy dường như mình sắp phải chia tay một người bạn thân đã gắn bó với mình từ thời thơ bé”.
Về chủ trương di dời hàng cây, ông Lê Đình Quý trao đổi: “Người dân chúng tôi mong muốn giữ lại hàng cây này. Nó không chỉ là vẻ đẹp mà còn có giá trị lịch sử đi cùng sự thăng trầm và phát triển của Thủ đô. Nếu bắt buộc phải di dời hàng cây, tôi mong muốn đơn vị di dời phải có những biện pháp đảm bảo tốt nhất đối với tỷ lệ sống của các cây khi di dời”.
Trao đổi với báo giới, ông Lê Huy Hoàng - Phó trưởng Ban quản lý Dự án ĐSĐT Hà Nội cho biết: "Sau khi dịch chuyển, duy trì, các cây xanh trên phố Kim Mã sẽ được bố trí vào công viên, vườn hoa trên địa bàn Thủ đô. Trong toàn bộ dự án thi công tuyến đường sắt số 3, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội, chúng tôi phải di chuyển, cắt sửa trên 500 cây. Chúng tôi đã cùng Sở Xây dựng Hà Nội và Công ty Cổ phần Beepro khảo sát từ đoạn đền Voi Phục đến đường Trần Hưng Đạo để thực hiện thi công ga ngầm có tổng cộng 468 cây xanh. Chúng tôi sẽ di dời hơn 440 cây. Ngoài ra, một số cây không phù hợp với đô thị, một số cây chết sẽ được chặt hạ. Sau 90 ngày di chuyển thí điểm 109 cây trong đợt này, chúng tôi sẽ phải rút kinh nghiệm từ giai đoạn này, sau đó mới tiếp tục di chuyển số cây còn lại, đặc biệt là cây to".
Có thể thấy, việc phát triển hạ tầng đô thị là điều cần làm. Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, có biện pháp đảm bảo tốt nhất trước khi thực hiện chặt hạ hoặc di chuyển những hàng cây đã nhiều năm tuổi./.