Hà Nội: Xây dựng công dân học tập trong điều kiện bình thường mới
(ĐCSVN) – Trong thời gian qua, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của thành phố Hà Nội đã phát triển cả về bề rộng và chiều sâu với nhiều nội dung, hình thức hoạt động phong phú.
Ngày 14/12, Hội Khuyến học Hà Nội đã tổ chức tọa đàm "Xây dựng công dân học tập trong điều kiện bình thường mới". Tham dự tọa đàm có 50 công dân học tập tiêu biểu – những công dân học tập đầu tiên của thành phố Hà Nội đã tham gia thí điểm và đạt danh hiệu “Công dân học tập” tại các tổ chức hội thời gian qua.
Các đại biểu tham dự tọa đàm "Xây dựng công dân học tập trong điều kiện bình thường mới" (Ảnh: Thống Nhất/HNM) |
Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Ngọc Minh – Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của thành phố Hà Nội đã phát triển cả về bề rộng và chiều sâu với nhiều nội dung, hình thức hoạt động phong phú. Các mô hình học tập như “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” không ngừng phát triển, làm nền tảng vững chắc cho việc xây dựng xã hội học tập.
Bà cho rằng, dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, việc tập trung nguồn lực để đổi mới căn bản và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo vẫn là điều rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thích ứng với cuộc cách mạng 4.0.
Thực hiện chỉ đạo của Hội Khuyến học Việt Nam, từ tháng 10/2021, Hội Khuyến học Hà Nội đã thực hiện thí điểm xây dựng mô hình “Công dân học tập”. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc xây dựng mô hình này càng trở nên quan trọng, giúp mọi công dân nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân trong việc chủ động học tập bằng nhiều hình thức thiết thực, phù hợp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các mô hình học tập trong đời sống.
Theo đó, các cấp hội khuyến học của thành phố đã tổ chức hội thảo tìm hiểu về bộ tiêu chí khung; hướng dẫn, khảo sát nắm tình hình thực tế. Có 24 tổ chức hội đã triển khai thí điểm với gần 4.200 công dân tham gia, trong đó có 3.996 công dân đạt tiêu chuẩn “Công dân học tập”. Đây là những tấm gương tiêu biểu vừa tích cực tham gia chống dịch COVID-19, vừa cố gắng học tập, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương.
Các ý kiến dự tọa đàm cũng khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng mô hình “Công dân học tập” trong điều kiện bình thường mới; trình bày sự nỗ lực của bản thân để đạt danh hiệu “Công dân học tập”, đồng thời đối chiếu quá trình phấn đấu của bản thân theo bộ tiêu chí khung để đánh giá “Công dân học tập” do Hội Khuyến học Việt Nam ban hành. Một số ý kiến đề nghị Hội Khuyến học Việt Nam xây dựng các bộ tiêu chí khung dành cho nhiều đối tượng khác nhau để bảo đảm sự phù hợp, hiệu quả, tạo động lực phấn đấu cho các đối tượng; cụ thể hóa một số tiêu chí về kỹ năng; đồng thời tổ chức tập huấn kỹ cho các địa phương trước khi tổ chức triển khai đại trà.../.