Hà Nội: Xây cao ốc hay làm đường trước?
(ĐCSVN) - Hà Nội không thể không xây nhà chung cư cao tầng, nhưng xây nhà trước hay làm đường trước cần có quyết sách đúng, trúng, với tầm nhìn dài hạn. Việc cho phép xây nhiều chung cư cao tầng trong nội đô, một trong những nguyên nhân gây ra vấn nạn tắc đường đang là vấn đề “nóng”, khó hóa giải trong ngắn hạn.
Ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Trãi - Hà Đông.
(Ảnh: Lê Anh Dũng)
Hà Nội đã rộng hơn sau khi được điều chỉnh địa giới hành chính. Rộng hơn, đáng ra phải “đường thông, hè thoáng” hơn, nhưng không, tắc đường lại nhiều hơn. Tắc đường không chỉ gây bức xúc trong dân mà còn có ảnh hưởng xấu đến việc phát triển kinh tế, đến “thương hiệu Hà Nội”...
Về vấn nạn tắc đường ở Hà Nội không thể không nói đến việc cho xây nhiều chung cư cao tầng trong nội đô. Xây dựng chung cư cao tầng nhằm giải quyết cầu về nhà ở là việc phải làm, nhưng quan trọng là quy hoạch nhà ở phải phù hợp với quy hoạch hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế- xã hội.
Hà Nội đã thêm nhiều đường mới, phố mới, nhưng giao thông vẫn ách tắc. Minh chứng rõ nhất là tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài. Khi mở rộng tuyến đường Lê Văn Lương, Hà Nội kỳ vọng sẽ giảm áp lực giao thông cho tuyến đường Nguyễn Trãi - Hà Đông. Nhưng gần 3 năm trở lại đây, tuyến đường Lê Văn Lương thường xuyên xảy ra ùn tắc và ai cũng nhìn thấy nguyên nhân là do nhiều chung cơ cao tầng đua nhau mọc lên hai bên đường.
Tuyến nối dài đường Lê Văn Lương là đường Tố Hữu hiện nay cũng đang quá tải, nhất là khi tuyến xe buýt nhanh đi vào hoạt động với làn đường riêng. Đường Tố Hữu không rộng hơn đường Lê Văn Lương, nhưng nghịch lý mà báo chí vừa chỉ ra, tuyến đường này chỉ với 2,7km chiều dài nhưng hai bên đã phải chịu tải 40 cao ốc. Điều đáng nói hơn, tháng 7/2016 Hà Nội đã có quyết định cho phép một số lô đất hai bên đường Tố Hữu được xây dựng nhà cao đến 40 và 45 tầng!
Rồi đường Giảng Võ, dù không rộng hơn trước đây bao nhiêu, nhưng cũng đang chịu sức ép từ những chung cư cao tầng đã xây và sẽ xây. Nếu đường Giảng Võ có thêm cao ốc 50 tầng, không biết hạ tầng giao thông có tải được không?
Thách thức về hạ tầng giao thông ở Hà Nội sẽ nhiều hơn, nếu Hà Nội thực hiện việc xây dựng, cải tạo lại gần 1.000 chung cư cũ trong 4 quận nội thành. Rồi đây, sẽ phải mở thêm bao nhiêu đường mới, phố mới khi Hà Nội đã chấp thuận dự án xây dựng, cải tạo lại chung cư cũ trong nội đô được phép xây dựng từ 18 - 24 tầng?
Để Hà Nội là “đô thị đáng sống”, có rất nhiều việc phải làm, trong đó có việc giải quyết điểm nghẽn giữa phát triển hạ tầng giao thông với phát triển nhà ở. Nói một cách đơn giản, Hà Nội phải giải “bài toán” xây cao ốc hay làm đường trước?