Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Nội tiếp tục nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Thứ Hai, 19/02/2018 17:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Hà Nội là địa phương đi đầu và dẫn đầu cả nước về thành tích xây dựng nông thôn mới (NTM), với những kết quả nổi bật rất đáng ghi nhận. Đây cũng chính là cơ sở để thành phố phấn đấu có thêm 26 xã và 4 huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2018.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra tình hình xây dựng nông thôn mới tại huyện Hoài Đức. (Ảnh:TH)

Nhiều thành tựu toàn diện và nổi bật

Sau gần 10 năm quán triệt nghiêm túc, tập trung chỉ đạo thực hiện tích cực, quyết liệt Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là sau 7 năm thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020, Hà Nội đã cụ thể bằng nhiều nghị quyết, chương trình cụ thể. Với ý chí, quyết tâm cao của cấp ủy và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở và đặc biệt là sự tham gia tích cực của Nhân dân Thủ đô, công tác phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM đã có bước phát triển toàn diện và đạt được những thành tựu nổi bật. Diện mạo nông thôn ngoại thành ngày càng thay đổi nhanh chóng, có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần nông dân được cải thiện rõ rệt, nhiều vùng được nâng cao.

Cụ thể, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị, hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch tích cực, giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, chế biến và dịch vụ nông nghiệp, bảo đảm tỷ trọng cơ cấu các nhóm ngành, chuyển dịch đúng định hướng, vượt chỉ tiêu kế hoạch: 44,4% tỷ trọng trồng trọt, lâm nghiệp (tăng 3,26% so với năm 2015); 52,56% tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản (giảm gần 3,33%); 3,04% tỷ trọng dịch vụ (tăng gần 0,07%).

Một thành tựu nữa là toàn Thành phố đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, với tổng diện tích trên 78.748,3 nghìn hecta, tạo điều kiện thuận lợi cơ bản để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị, hiệu quả kinh tế cao, chất lượng tốt. Đặc biệt, sau dồn điền, đổi thửa, Thành ủy đã ban hành, chỉ đạo quyết liệt thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 01/9/2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố Hà Nội”, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân làm cơ sở để liên kết, đầu tư xây dựng, phát triển nhiều vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng hoa, cây ăn quả, trồng lúa chất lượng cao; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tập trung quy mô lớn; phát triển một số trang trại trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, cho năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập cao trên 1ha canh tác.

Điểm đáng lưu ý, ngân sách thành phố đã đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và dành nguồn lực đáng kể cho xây dựng NTM. Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020 đến hết năm 2017 là trên 17.000 tỷ đồng. Riêng năm 2017, tổng phí kinh phí huy động được gần 9.000 tỷ đồng (trong đó ngân sách thành phố chiếm 42,2% với hơn 3.700 tỷ đồng). Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, 12 quận thuộc thành phố đã có văn bản hỗ trợ các huyện xây dựng NTM với tổng kinh phí trên 228 tỷ đồng.

Nhờ vậy, công tác xây dựng NTM có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Đến tháng 12/2017, Hà Nội đã có 4 huyện là Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện NTM; 255/286 xã đã đạt chuẩn (66,06%), chưa kể 45 xã đang được thẩm định đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM. Hà Nội được đánh giá là địa phương đi đầu cả nước về công tác này sau 7 năm thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thành phố đang tích cực chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, khả thi để tập trung cho các xã còn lại phấn đấu đạt chuẩn NTM để đến năm 2020 hoàn thành vượt mức chỉ tiêu có trên 80% số xã trở lên đạt chuẩn về NTM theo Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội.

Theo đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU ngày 26/4/2016 về Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 – 2020, những thành tựu về phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM đã tạo nên sự thay đổi sâu sắc, cơ bản và toàn diện về chính trị, kinh tế - xã hội, chất lượng cuộc sống và môi trường ở khu vực nông thôn. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân Thủ đô được cải thiện rõ rệt, nhiều vùng ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm mạnh, từ 3,65% năm 2016, giảm xuống còn 2,57% cuối năm 2017… Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như điện, đường, trường, trạm, các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển; nếp sống văn hóa ở các làng, xã có chuyển biến, tiến bộ rõ rệt, đặc biệt là tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội bảo đảm trang trọng, tiết kiệm và văn minh…

Giữ vững thành tích “lá cờ đầu” của cả nước trong xây dựng NTM

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong xây dựng NTM, Hà Nội vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục, đặc biệt đời sống thu nhập của một bộ phận nông dân còn thấp, thiếu ổn định. Cùng với đó, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch tiêu chuẩn đô thị tại một số huyện còn thấp. Việc đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt là nông dân ở những nơi bị thu hồi, chuyển mục đích sử dụng nhiều đất nông nghiệp còn chưa đáp ứng yêu cầu...

Năm 2018, thành phố Hà Nội phấn đấu có thêm 26 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 320 xã; có thêm 4 huyện đạt chuẩn NTM, nâng tổng số huyện đạt chuẩn lên 8 huyện. Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 80 trường; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đô thị đạt 55%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,3%... Hà Nội cũng đặt mục tiêu thu nhập bình quân dân cư nông thôn đạt 41 triệu/người/năm; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 62%; giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn theo chuẩn mới đạt 2,11%... Để đạt mục tiêu đề ra, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018.

Nhờ xây dựng nông thôn mới, nhiều vùng chuyên canh của Hà Nội
đã hình thành, phát triển, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. (Ảnh:TH)

Tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cũng cho rằng, những xã có điều kiện tốt đều đã “về đích”, những xã còn lại chưa đạt chuẩn NTM càng về sau càng khó khăn. Trong khi đó, tiêu chí đánh giá, chấm điểm NTM đòi hỏi cao hơn sẽ là thách thức không nhỏ cho các địa phương hoàn thành mục tiêu. Do vậy, ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới, các địa phương cần xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực hợp lý để chương trình đạt kết quả cao. Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, có những tiêu chí không cần nhiều kinh phí như: Văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng... phải quan tâm thực hiện hiệu quả. 

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu chủ yếu đã đề ra, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Thành phố tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, triển khai thực hiện đồng bộ Kế hoạch tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện tốt khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp là “sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng xuất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao”.

Cùng với đó, Thành phố tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách đối với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nghiên cứu, đề xuất, sớm ban hành các cơ chế, chính sách mới phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc thù của Thủ đô, kịp thời rà soát, bổ sung, điều chỉnh những cơ chế, chính sách không còn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Đồng thời, tăng cường tổ chức đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người nông dân; kiểm tra, kiểm soát chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; chất lượng các loại vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi… nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.

Có thể nói những kết quả cao trong xây dựng NTM cùng nhiều bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành được rút ra đã và đang tạo khí thế phấn khởi để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô vững tin vào thành công của Chương trình 02 giai đoạn 2016 - 2020, tiếp tục giữ vững thành tích “lá cờ đầu” của cả nước trong phong trào xây dựng NTM, góp phần thực hiện thành công những chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI đề ra./.

Thu Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN