Hà Nội: Nhiều chuyển biến tích cực sau hơn một tuần thực hiện Nghị định 46/2016
(ĐCSVN) - Sau hơn một tuần thực hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, bước đầu cho thấy việc tuân thủ và chấp hành luật lệ giao thông trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực.
Ngày đầu thực hiện Nghị định 46/2016 tại khu vực đường Phạm Hùng – Tôn Thất Thuyết. Ảnh VH
Sáng ngày 8/8/2016, theo ghi nhận của phóng viên tại một số chốt giao thông thường xuyên có lưu lượng xe qua lại lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Chốt giao thông ngã tư Bạch Mai – Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt, chốt giao thông Kim Liên mới – Xã Đàn, chốt giao thông Phạm Hùng – Tôn Thất Thuyết... có thể thấy tình hình chấp hành luật giao thông của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng không đội mũ bảo hiểm (MBH) ở hầu hết các chốt giao thông đã không còn xuất hiện, kể cả người điều khiển xe máy điện cũng rất nghiêm túc chấp hành. Các phương tiện nghiêm túc dừng đỗ trước vạch theo tín hiệu đèn giao thông, tình trạng cố vượt tín hiệu đèn vàng cũng xảy ra rất ít. Một số trường hợp như: dừng đỗ sai phần đường, vượt qua vạch dừng đỗ khi đèn vàng đã bật đều được các chiến sỹ cảnh sát giao thông (CSGT) nhắc nhở, phổ biến chi tiết về Nghị định mới.
Trao đổi cùng phóng viên, bác Nguyễn Văn Bắc (Đống Đa – Hà Nội) nhận xét: “Việc đầu tiên có thể thấy là không còn tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, đa số người tham gia giao thông đã chấp hành tốt quy định đội MBH khi đi trên đường. Tôi thấy rằng, việc chấp hành Luật lệ giao thông đường bộ (GTĐB) của người đi đường trong những ngày qua cũng góp phần giảm thiểu tình trạng tắc đường thường thấy ở Hà Nội”.
Còn anh Trần Xuân Hiếu (Ba Đình – Hà Nội) cho biết: “Việc tăng mức xử phạt theo như Nghị định 46/2016 của Chính phủ góp phần nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông. Như cá nhân tôi cũng hay quên đội MBH khi đi xe, nhưng với những mức phạt như hiện nay, chắc tôi sẽ phải luôn cố gắng ghi nhớ để thực hiện, vừa để đảm bảo an toàn cho bản thân khi đi đường, vừa tránh bị phạt”.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trung tá Nguyễn Đức Huấn – Phó đội trưởng Đội CSGT số 4, thuộc Phòng CSGT (PC67) Công an TP Hà Nội nói: “Trong những ngày đầu ra quân thực hiện xử phạt các trường hợp vi phạm Luật GTĐB theo Nghị định 46/2016, vẫn còn khá nhiều trường hợp vi phạm lỗi không đội MBH, không chấp hành tín hiệu của đèn hiệu giao thông. Tuy nhiên, với những mức phạt cao như trong Nghị định, chúng tôi liên tục kết hợp tuyên truyền, phổ biến để người vi phạm hiểu được sự cần thiết trong việc chấp hành luật lệ GTĐB cũng như sẽ bị phạt nặng khi vi phạm. Qua đó, tình hình chấp hành các quy định của Luật GTĐB khi tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện những ngày gần đây đã có những chuyển biến tích cực.”
Thiếu tá Trịnh Tiến Thành – Đội phó Đội CSGT số 6, Phòng CSGT (PC67) Công an TP Hà Nội cho biết: “Địa bàn hoạt động của Đội CSGT số 6 (khu vực đường Phạm Hùng) là địa bàn có lưu lượng người tham gia giao thông đông đúc, ngoài ra đây cũng là địa bàn có lượng xe khách hoạt động rất nhiều (do hoạt động của bến xe Mỹ Đình). Theo kế hoạch của lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội đề ra, chúng tôi tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về đội MBH khi tham gia giao thông, các hành vi vi phạm dừng đỗ sai quy định. Sau hơn một tuần xử lý các lỗi vi phạm Luật GTĐB theo như Nghị định 46/2016, việc chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông (TT ATGT) đã có những thay đổi tích cực. Tình trạng đi sai làn đường, vượt đèn tín hiệu và không đội MBH đã giảm đáng kể, đặc biệt tình trạng dừng đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định của hàng loạt xe khách trước đây đã giảm hẳn”.
Trước đó, trả lời báo chí, Đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng phòng CSGT (PC67) Công an TP Hà Nội cho biết: “Trước khi chính thức thực hiện Nghị định 46/2016, lực lượng CSGT Thủ đô đã tổ chức tuyên truyền cho người tham gia giao thông trên 25 cụm loa trước một tuần, và sẽ tiếp tục trong 10 ngày tiếp theo. Điều này để người dân có đủ thời gian tiếp cận thông tin cũng như thực hiện đúng pháp luật về TT ATGT”.
Cũng theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, trong đợt cao điểm này, các trường hợp người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện vi phạm các quy định về đội MBH sẽ bị xử lý nghiêm. Đặc biệt là các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, các đối tượng điều khiển phương tiện có hành vi lạng lách, đánh võng. Để chiến dịch mang lại hiệu quả cao, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, Phòng CSGT đã yêu cầu các đơn vị trong khu vực nội thành bố trí lực lượng tăng cường kiểm tra từ 6h – 24h hàng ngày, các đơn bị ngoại thành tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm 24/24h.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện vi phạm các quy định về đội MBH khi tham gia giao thông và các hành vi dừng, đỗ sai quy định, Phòng CSGT yêu cầu các chiến sĩ phải lập biên bản theo Nghị định 46/2016. Nghiêm cấm các cán bộ, chiến sĩ kiểm tra, kiểm soát không lập biên bản hoặc chuyển lỗi, bỏ qua vi phạm.
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, Nghị định 46/2016 đã sửa đổi, bổ sung, làm rõ hơn đối với 105 hành vi và nhóm hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ. Trong đó, xe ô tô 65 điểm, xe mô tô 8 điểm, xe máy chuyên dùng 6 điểm, tổ chức cá nhân vi phạm quản lý hành lang an toàn đường bộ 10 điểm, kinh doanh vận tải 10 điểm, chủ phương tiện 23 điểm, đào tạo lái xe 5 điểm./.