Hà Nội: Người dân vẫn chủ quan khi tham gia giao thông đường thủy
(ĐCSVN) - Từ ngày 1/7/2016, Nghị định 132/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa chính thức có hiệu lực. Theo đó, người tham gia giao thông đường thủy (đi phà, đò) nếu không mặc áo phao hoặc không đeo dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân thì sẽ bị xử phạt hành chính.
Hơn nửa tháng đã trôi qua kể từ khi Nghị định 132/2015/NĐ-CP có hiệu lực, song do sự chủ quan trong suy nghĩ của người dân và sự thờ ơ của chủ phương tiện nên trên thực tế, quy định này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.
Chủ, khách đều chủ quan
Khảo sát các bến đò ngang trên sông Hồng thuộc địa phận một số huyện ngoại thành Hà Nội như Phú Xuyên, Thường Tín…, có thể nhận thấy, nhiều hành khách khi tham gia thông đường thủy (đi phà, đò) không mặc áo phao hay đeo dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân. Tại bến đò Vườn Chuối thuộc địa phận thôn Duyên Trang, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, người lái đò cho biết: “Nhà phà có trang bị áo phao đầy đủ nhưng hầu như chẳng có ai khoác vào người cả. Nhắc nhở nhiều thì lại sợ làm phiền khách nên cũng thôi”. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, tại bến đò Vườn Chuối, có 2 chiếc phà luân phiên chở hành khách qua sông. Trong đó, chỉ có một chiếc phà là có trang bị áo phao. Chiếc phà còn lại không có áo phao mà chỉ có vài chiếc phao cứu sinh để “làm cảnh” được treo bằng sào ở phía ngay cạnh buồng lái trong khi lưu lượng hành khách qua đây khá lớn. Trên mỗi chuyến phà có khi chở tới hàng chục người, có cả xe ô tô tải, ô tô con…. Nếu không may sự cố xảy ra, với trang bị sơ sài và ý thức chủ quan của cả chủ phà và hành khách như vậy thì khó có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra?
Không chỉ có bến đò Vườn Chuối mà tại nhiều bến đò (phà) khác ở Phú Xuyên, Thường Tín như bến Văn Nhân, bến Dấp, bến Xâm Suyên… đều diễn ra tình trạng tương tự. Một lý do mà hành khách đưa ra là… không biết quy định mới và không được… nhắc nhở! Tại bến đò Xâm Suyên (huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội) nối với xã Tứ Dân (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), cô Nguyễn Thị Vui hàng ngày đều có 2 lượt đi lại bằng phà qua sông cho biết: “So với trước đây đi phà tôi chẳng thấy có gì khác. Cứ xuống phà, tìm chỗ dựng xe máy rồi chờ phà chạy qua sông là lên bờ. Tôi cũng không biết có quy định xử phạt người không mặc áo phao mà cũng không thấy ai nhắc nhở, chưa thấy ai bị phạt. Thêm nữa, thời gian đi phà cũng chưa đến 10 phút nên chủ phà cũng không bắt khách phải mặc áo phao”.
Cũng là người thường xuyên đi phà sang Hưng Yên để đi làm, anh Hoàng Thanh Tùng ở Thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội) cho biết: “Tuần nào cũng vậy, tôi đều có 5 ngày đi về bằng phà nhưng gần như chẳng mấy khi tôi mặc áo phao. Mọi người đi phà cũng vậy. Mặc áo phao vừa vướng víu vừa… bẩn vì áo phao thì cũ kỹ, lại thường xuyên bị vứt lăn lóc, dính đầy dầu mỡ”. Thực tế trên nhiều chiếc phà hiện nay, áo phao được trang bị chỉ để phục vụ cho việc kiểm tra của cơ quan chức năng là chính. Còn người đi phà lại chẳng mặn mà lắm với những chiếc áo quan trọng này.
Thực tế thời gian vừa qua cho thấy, tai nạn giao thông đường thủy mỗi khi xảy ra đều để lại những hậu quả rất lớn về người và phương tiện. Trong đó, một trong những nguyên nhân chủ yếu lại xuất phát từ ý thức chủ quan của người tham gia giao thông đường thủy.
Tính đến nay, sau hơn 20 ngày tính từ khi quy định xử phạt lái đò, phà (phương tiện chở khách ngang sông) và hành khách không mặc áo phao hoặc đeo dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân có hiệu lực, tình trạng hành khách qua sông bằng đò, phà vi phạm quy định này vẫn khá phổ biến. Nhiều người chỉ vì ngại sự vướng víu của chiếc áo phao mà vô tình đã xem thường mạng sống, đặt cược với sinh mạng của bản thân mình. Còn chủ các bến đò, người lái đò thì sợ hành khách phật ý nên cũng không nhắc nhở mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận, sao cho phà chở được thật nhiều khách, nhiều phương tiện.
Người dân “nói không” với áo phao khi tham gia giao thông đường thủy.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay có tổng số gần 100 bến thủy nội địa và bến đò ngang các loại. Trong đó, thường xuyên có sự “đan xen” giữa các chuyến phà, đò ngang với những xà lan chở hàng hóa chạy dọc các con sông. Đặc biệt, khi mùa mưa lũ đang đến gần, nếu người dân và chủ các phương tiện giao thông đường thủy tiếp tục chủ quan, không thực hiện quy định mặc áo phao hoặc đeo dụng cụ nổi cứu sinh thì ai dám bảo đảm an toàn cho người dân mỗi khi họ tham gia giao thông đường thủy?
Dư luận cả nước vẫn chưa quên vụ chìm đò tại bến đò sông Gianh (Quảng Bình) cuối năm 2009 đã cướp đi sinh mạng của 42 người dân vô tội. Hay gần đây nhất là vụ chìm đò trên sông Hồng thuộc địa phận xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư (Thái Bình) ngày 4/6/2016 khiến 4 người thiệt mạng. Để không còn những cái chết oan uổng khi tham gia giao thông đường thủy, không còn những gia đình phải chịu cảnh mất người thân, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần vào cuộc để quy định về việc mặc áo phao hoặc đeo dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Song song với công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của người dân và các chủ phương tiện đò, phà, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tiến hành rà soát, kiểm tra một cách toàn diện các tàu thuyền tại các bến thủy nội địa. Đồng thời, các lực lượng như công an, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông đường thủy cũng cần thực hiện nghiêm túc việc tuần tra, kiểm tra an toàn giao thông đường thủy nội địa trong mùa mưa lũ.
Cùng với đó, cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định không mặc áo phao hoặc đeo dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân khi tham gia giao thông đường thủy. Cụ thể là cần quy trách nhiệm với đơn vị quản lý địa bàn nơi có bến thủy nội địa cũng như quy trách nhiệm, xử lý nghiêm các chủ phương tiện không chấp hành; trường hợp cần thiết, có thể buộc ngừng hoạt động nếu cố tình vi phạm.
Vì sự an toàn của bản thân, mỗi người tham gia giao thông đường thủy cần thực hiện tốt quy định về việc mặc áo phao hoặc đeo dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân khi tham gia giao thông đường thủy để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc./.
Từ ngày 1/7/2016, Nghị định 132/2015/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa” bắt đầu có hiệu lực thi hành. Trong đó, quy định xử phạt tiền (100.000 đồng - 200.000 đồng, Điều 27 của Nghị định) đối với hành khách đi trên phương tiện chở khách ngang sông (đò, phà) mà không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân (có hình hộp chữ nhật, đeo vào tay). Người lái phương tiện, thuyền viên có trách nhiệm phát, hướng dẫn cách sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cho hành khách. Trường hợp không hướng dẫn cách sử dụng thiết bị, dụng cụ an toàn cho người, hành khách trên phương tiện bị cảnh cáo hoặc phạt tiền. Hành khách nếu không chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện, không chấp hành sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng. |