Hà Nội: Nan giải xử lý vi phạm trật tự xây dựng
(ĐCSVN) - Trong khi những nội dung về xây dựng công trình đã được quy định rất rõ ràng tại Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan chức năng, nhưng những năm gần đây, tại nhiều địa bàn thuộc thành phố Hà Nội vẫn diễn ra tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân cố tình xây dựng các công trình sai phép, không phép...
Cố tình thi công sai, thu lợi hàng chục tỷ đồng
Có thể nói, tình trạng xây dựng sai phép, không phép ở Hà Nội đang diễn ra ở mọi cấp độ, quy mô từ công trình nhà ở gia đình, tổ hợp văn phòng kết hợp nhà ở, chung cư mini, trường học... và cả những tòa nhà đồ sộ lên tới hàng chục tầng.
Liên tục trong các năm 2015, 2016, dự án Mỹ Sơn Tower ở số 62 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện hàng loạt sai phạm. Chủ đầu tư dự án này đã thi công trái với Giấy phép xây dựng và hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Cụ thể: Tại độ cao 85.4 m chủ đầu tư đã đổ toàn bộ sàn bê tông cốt thép diện tích 2.003 m2 (theo thiết kế được duyệt chỉ là 1.464m2). Tại độ cao 91,1 m, chủ đầu tư đã tự ý thi công sàn bê tông cốt thép sai phép (theo bản thiết kế được duyệt là giàn cây che nắng), còn tại độ cao 94,05 m chủ đầu tư đã đổ bê tông cốt thép 2 tầng kỹ thuật thang máy. Mặc dù đã bị UBND phường Thanh Xuân Trung tiến hành lập hồ sơ và ban hành Quyết định số 351/QĐ-CTUBND đình chỉ thi công, nhưng chủ đầu tư vẫn ngang nhiên thi công. Hậu quả, ngày 17/1/2016, các công nhân đang hoàn thiện cầu thang ở tầng 10 của dự án Mỹ Sơn Tower thì bất ngờ giàn giáo đổ sập khiến 7 công nhân bị thương, trong đó có 1 người đã tử vong. Tuy nhiên hơn 1 năm sau, quận Thanh Xuân mới có kiến nghị UBND thành phố Hà Nội có hình thức xử lý: Phạt tiền 1,5 tỷ đồng; tước quyền sử dụng Giấy phép xây dựng đã cấp. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tháo dỡ phần công trình xây dựng không đúng với Giấy phép xây dựng.
Cũng tại địa bàn quận Thanh Xuân, chủ đầu tư công trình chung cư mini số 4, ngõ 80, phố Hoàng Đạo Thành, phường Kim Giang đã cố tình thi công sai so với giấy phép xây dựng được cấp, bởi theo Giấy phép xây dựng số 497/2015 do UBND quận Thanh Xuân cấp thì công trình này có mật độ xây dựng 77%, diện tích được xây dựng là 436m2. Nhưng thực tế, công trình xây dựng với mật độ lên tới hơn 90% và được thiết kế mỗi tầng 13 căn hộ/sàn. Với sai phạm trên, chủ đầu tư công trình này đã thu lợi lên tới hàng chục tỷ đồng.
Chủ đầu tư công trình số 8 Hoàng Đạo Thành cố tình thi công sai so với giấy phép xây dựng được cấp, thu lợi hàng chục tỷ đồng. Ảnh: TL
Còn tại khu vực phố cổ, tuy UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản quy định rất rõ về chiều cao, số tầng xây dựng nhưng hiện nay nhiều tuyến phố cổ vẫn xuất hiện không ít công trình xây dựng sai phép, như: Công trình xây dựng tại số 52 và số 60 phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm (Hoàn Kiếm), công trình tại số 82, tổ 5 và số 109, ngõ 107 Thái Hà, phường Trung Liệt (Đống Đa); công trình số 119 ngõ 12, phố Phan Đình Giót, phường Phương Liệt (Thanh Xuân)... đã tự ý xây dựng nhiều hạng mục không đúng so với giấy phép xây dựng được cấp.
Không thể không đề cập tới hai công trình sai phạm “điển hình” là tòa nhà số 8B Lê Trực và tòa nhà HH-01 tại dự án Khu chức năng đô thị Đại Mỗ ở phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm do Công ty Công ty cổ phần địa ốc Alaska làm chủ đầu tư. Nếu như công trình số 8B Lê Trực xây cao hơn giấy phép 16 m (tương đương 5 tầng); tăng diện tích lên tới 6.000 m2, thì tại dự án Khu chức năng đô thị Đại Mỗ, chủ đầu tư đã “âm thầm” xây dựng tòa nhà HH-01 khi chưa hề được cơ quan chức năng cấp phép. Đây là những sai phạm thể hiện rõ thái độ xem thường pháp luật.
Việc xây dựng sai phép, không phép ở Hà Nội không dừng lại ở những công trình nhà ở gia đình mà ngay cả những công trình lớn như trường mầm non cũng được các chủ đầu tư “mạnh dạn” xây dựng không phép.
Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, đã có 2 công trình không phép. Đó là Trường Mầm non Tư thục Sao Mai (xã Mai Đình) và Trường mầm non Sơn Ca (xã Phù Lỗ). Điều đáng nói là việc xử lý gần như không có hiệu quả.
Theo tìm hiểu của phóng viên, có một thực trạng khá phổ biến là khi công trình xây dựng trên địa bàn sai phạm, chính quyền đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm, đình chỉ thi công..., nhưng rất nhiều công trình trong số này vẫn tiếp tục thi công, tiếp tục sai phạm. Có những công trình như tòa nhà HH-01 đã bị Thanh tra Xây dựng và UBND quận Nam Từ Liêm ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần nhưng chủ đầu tư vẫn tìm mọi cách để thi công không phép lên tới tầng thứ 18.
Chị Nguyễn Thu Hường ở phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm chia sẻ: “Bình thường, người dân chỉ đổ đống cát trước nhà là có ngay lực lượng chức năng đến kiểm tra. Còn với nhiều công trình lớn, sai phạm nghiêm trọng thì vẫn ngang nhiên thi công đều đều!”.
Chính quyền các cấp đã làm tròn trách nhiệm?
Tại sao ngay ở Thủ đô Hà Nội, tình trạng xây dựng sai phép, không phép lại có thể diễn ra ngang nhiên với nhiều cấp độ vi phạm đến vậy?
Nói chung, các công trình sai phạm đều có sự vào cuộc xử lý của chính quyền các cấp, tuy nhiên, việc xử lý chưa triệt để. Điển hình như tòa nhà HH-01 thuộc dự án Khu chức năng đô thị Đại Mỗ ở phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm do Công ty Công ty cổ phần địa ốc Alaska làm chủ đầu tư, UBND phường Đại Mỗ đã ban hành không dưới 10 văn bản xử lý sai phạm. Tuy vậy, không hiểu vì sao UBND quận Nam Từ Liêm chỉ dừng lại ở việc xử phạt vi phạm hành chính mà không tiến hành cưỡng chế công trình sai phạm. Vì vậy, tòa nhà HH01 vẫn không có giấy phép xây dựng nhưng đã kịp thi công không phép tới tầng thứ 18 (?!).
Tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, khi Tổ Thanh tra xây dựng xã Mai Đình lập “Phiếu chuyển hồ sơ và đề xuất xử lý vi phạm” về hành vi vi phạm của Trường Mầm non tư thục Sao Mai thì ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Mai Đình đã từ chối không ký... Và hệ quả là công trình xây dựng trái phép cứ ngang nhiên hoàn thiện.
Văn bản do Tổ Thanh tra xây dựng xã Mai Đình lập nhưng ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Mai Đình đã từ chối không ký. Ảnh: TL
Quá trình tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến tình trạng xây dựng sai phạm trên địa bàn thủ đô Hà Nội, đa số đại diện chính quyền cơ sở đều khẳng định đã làm hết trách nhiệm(?!).
Tuy nhiên, trên thực tế, đã có những dấu hiệu buông lỏng trong quản lý xây dựng, thậm chí bao che, dung túng đối với các công trình sai phạm. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “nhờn luật” của các doanh nghiệp.
Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2017, các đội Thanh tra xây dựng tại các quận, huyện, thị xã ở Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 14.483 công trình. Kết quả đã phát hiện 1.691 công trình vi phạm. Trong đó, số công trình xây dựng không phép, sai phép sai quy hoạch, sai thiết kế là 936 (chiếm 55,4%); 58 công trình xây dựng ảnh hưởng đến công trình lân cận, môi trường (chiếm 3,4%): 697 công trình (chiếm 41,2%).Được biết, cơ bản các trường hợp vi phạm quy định về xây dựng nêu trên đã được lực lượng thanh tra xây dựng lập hồ sơ xử lý vi phạm, đề xuất biện pháp xử lý và được chuyển đến UBND các cấp để xử lý vi phạm theo các quy định của pháp luật. Cùng với đó là việc kiểm tra, phát hiện và xử lý những công trình vi phạm còn tồn đọng.
Theo thống kê, hiện nay trên các địa bàn của thành phố Hà Nội đang còn khoảng hơn 400 công trình vi phạm trật tự xây dựng (không phép, sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế) tồn tại từ các năm trước, chưa thể được xử lý dứt điểm.
Trao đổi về việc cần xử lý dứt điểm các công trình sai phạm tồn đọng cũng như ngăn chặn, hạn chế các công trình vi phạm mới phát sinh, đại diện Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Về mặt quy định, những công trình sai phạm chưa xử lý dứt điểm thì vẫn là tồn tại. Tuy nhiên, vấn đề chính ở đây là trách nhiệm trong phát hiện, ngăn chặn ngay từ khi công trình mới phát sinh sai phạm của chính quyền cơ sở vẫn chưa được thực hiện đầy đủ”. Thực tế đây là vấn đề khó khăn bởi các công trình này đã đưa vào sử dụng nhiều năm; được mua bán, chuyển nhượng qua nhiều chủ sở hữu...
Nhiều người dân cho biết: Tại các công trình sai phạm, tuy chính quyền cơ sở đã vào cuộc nhưng gần như chỉ cho đủ thủ tục; việc xử lý cũng chỉ... trên giấy; công trình vi phạm vẫn tiếp tục được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Còn theo ông Phạm Vũ Hòa - Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, một vấn đề đặt ra cho chính quyền cơ sở là lực lượng mỏng, trong khi một số công trình sai phạm lại cố tình thi công vào thời điểm ngày nghỉ, giờ nghỉ; thậm chí là vào ban đêm nên lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, ngăn chặn và xử lý.../.
(Còn nữa)