Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Nội gỡ “giờ giới nghiêm”: Cần có quy hoạch và quản lý chặt chẽ

Thứ Sáu, 19/08/2016 22:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trước thông tin Hà Nội cho phép mở cửa các địa điểm vui chơi giải trí sau 12 giờ đêm, các hãng lữ hành và người kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí tại Thủ đô rất hồ hởi trước chủ trương này. Tuy nhiên, giới chuyên môn và các nhà quản lý cho rằng, Hà Nội nên khoanh vùng, thí điểm một số khu, đồng thời nên quy định và quản lý chặt chẽ.

Đồng tình xóa bỏ "giờ giới nghiêm"

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch diễn ra tại Hội An ngày 9/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội sẽ rà soát và cho phép mở cửa các địa điểm vui chơi giải trí để du khách có thể vui chơi sau 12h đêm.

Ông Nguyễn Hồng Đài, Tổng Giám đốc Công ty lữ hành APT Travel

Bày tỏ sự ủng hộ với chủ trương của thành phố Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty lữ hành APT Travel Nguyễn Hồng Đài cho rằng, nếu chủ trương này thành hiện thực, du lịch của Hà Nội sẽ thu hút mạnh mẽ hơn lượng du khách nước ngoài, đặc biệt là những du khách khu vực Tây Âu. Bởi, đa số du khách đến Hà Nội thường bị lệch múi giờ Việt Nam. Đặc biệt ở các nước phát triển, họ thường có thói quen sinh hoạt, vui chơi giải trí rất muộn. Bởi vậy, thường sau 12 giờ đêm mới là thời điểm họ vui chơi, giải trí, gặp gỡ bạn bè. Nhưng theo quy định hiện hành, các quán xá không được mở cửa sau 12 giờ đêm. Thế nên, nhiều nhà hàng, quán bar nghỉ rất sớm. Bởi vậy, ông Nguyễn Hồng Đài rất đồng tình với chủ trương nêu trên và hy vọng, Hà Nội sẽ phát huy được tiềm năng du lịch của mình, nhất là về ẩm thực và phong cảnh Thủ đô về đêm.

Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist Lưu Đức Kế cho rằng, du khách đến với Hà Nội chủ yếu là khách đi lẻ và họ đi du lịch với tâm lý được trải nghiệm một cách tự do. Không có các điểm vui chơi về đêm tức là đã cắt đi phần nào nhu cầu của du khách, từ đó làm giảm đi nguồn thu nhập. Vì vậy, ông Kế rất đồng tình khi biết chính quyền thành phố Hà Nội sẽ xóa bỏ lệnh giới nghiêm đối với các khu vui chơi, giải trí về đêm ở Thủ đô, đặc biệt là nơi tập trung nhiều du khách như khu phố cổ.

Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist

Khu vực Hàng Buồm, Đào Duy Từ, Mã Mây luôn là địa chỉ thường trực của ẩm thực Thủ đô, nhất là về chiều muộn và đêm. Dường như bất cứ món ăn nào quen thuộc của người Hà Thành đều xuất hiện ở đây.

Biết thông tin Hà Nội cho phép mở cửa sau 12 giờ đêm, chủ quán Bò bắp ở số 11, phố Hàng Buồm hồ hởi chia sẻ: “Cửa hàng của tôi phục vụ về chiều và đêm là chủ yếu, bởi thời gian này mới có đủ không gian phục vụ cho người dân và du khách. Nhưng chỉ được bán hàng đến 12h đêm thì không đáp ứng được. Nhiều du khách phàn nàn chưa kịp ăn xong đã phải đứng dậy vì đến giờ cửa hàng phải dọn. Vì thế, hầu hết các quán ăn ở khu vực này đều mong muốn được mở cửa lâu hơn để thu hút khách, đặc biệt là khách nước ngoài, bởi vì đêm khuya rồi họ mới về ăn”.

Chủ quán nem nướng số 10, Ấu Triệu cũng chia sẻ: “Kinh doanh sau 12 đêm vừa cho chúng tôi có thêm thời gian phục vụ, đồng thời để du khách cũng thoải mái ăn uống, thưởng thức ẩm thực của Thủ đô”.

Khu vực phố cổ Hà Nội luôn là địa chỉ thường trực của ẩm thực Thủ đô, nhất là về chiều muộn và đêm.

Nhưng cần quản lý chặt để tránh hiệu ứng ngược

Bên cạnh mặt tích cực, giới chuyên môn và các nhà quản lý cũng chỉ ra rằng, chủ trương này khi triển khai có thể sẽ nảy sinh những mặt tiêu cực, ví dụ như: Gia tăng sự phức tạp trong công tác quản lý các hoạt động về đêm, có thể ảnh hưởng đến đời sống của một số người dân, cộng đồng xung quanh… Tuy nhiên, theo giới chuyên môn và các nhà quản lý, những vấn đề này vẫn có thể khắc phục được bằng các biện pháp quản lý.

Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định, bãi bỏ quy định cấm vui chơi sau 12 giờ đêm là một giải pháp có tính khả thi, bởi đây là giải pháp để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu bình quân của du khách. Điều này sẽ thu hút được thị trường khách du lịch trẻ tuổi, đa dạng hóa đối tượng khách du lịch đến với Thủ đô. Tuy nhiên, mọi vấn đề đều có hai mặt của nó và việc mở rộng thời gian kinh doanh dịch vụ có khả năng gây ra những hiệu ứng ngược, tạo điều kiện cho những hoạt động vui chơi giải trí không lành mạnh phát triển, nhất là khi thiếu sự quản lý sát sao của cơ quan chức năng.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Sở Du lịch Hà Nội sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND thành phố có kế hoạch, phương án cụ thể để khắc phục những khó khăn khi áp dụng thực hiện quy định mới. Chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn nhưng cần phải thảo luận và bàn bạc kỹ lưỡng, quy định cụ thể chi tiết mọi vấn đề.

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội

Có nhiều năm công tác trên lĩnh vực lữ hành, Tổng Giám đốc Công ty lữ hành APT Travel Nguyễn Hồng Đài đề xuất với thành phố Hà Nội nên khoanh vùng thí điểm ở một số tuyến phố và mở cửa để phục vụ cho khách nước ngoài là chính. Bởi lẽ, đối tượng khách quốc tế phần nào họ nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng nên ít gây ra những vấn đề phức tạp về xã hội, và đây sẽ có nhiều cơ hội để quảng bá hình ảnh và ẩm thực Việt Nam. Ông Nguyễn Hồng Đài kiến nghị, cho phép nhà hàng, quán bar phục vụ sau 12 giờ đêm, chứ không cho phép sàn nhảy hoạt động sau múi giờ này, vì đây là nơi hay xảy ra tệ nạn xã hội.

Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist Lưu Đức Kế cho rằng, thành phố Hà Nội cần có quy hoạch khu vực nào được phép vui chơi, giải trí mở cửa về đêm để quản lý chặt. Nên quy hoạch việc mở cửa hoạt động sau 12h đêm cho một số khu vực phục vụ du khách, cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ du khách đăng ký hoạt động sau 12h đêm; bố trí lực lượng an ninh giám sát, tuần tra đảm bảo an ninh trật tự Thủ đô.

Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Hanoi Redtours.

Phó Tổng Giám đốc Hanoi Redtours Nguyễn Công Hoan kiến nghị, thành phố Hà Nội cần xây dựng bộ tiêu chuẩn, điều kiện của một điểm vui chơi, giải trí được phép hoạt động sau 12 một cách chi tiết. Ví dụ: Cơ sở ăn uống cần có diện tích, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, kỹ thuật, cách âm, chống ồn… ra sao để tránh ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Khi cấp phép, cơ quan quản lý Nhà nước cứ chiểu theo quy hoạch, bộ tiêu chuẩn để cấp phép và kiểm tra./.

Bài, ảnh: Phạm Cường

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN