Hà Nội: Đề xuất mức tiền phạt về an toàn thực phẩm gấp 2 lần quy định chung
(ĐCSVN) - Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là lĩnh vực rất quan trọng liên quan trực tiếp sức khỏe và tính mạng của Nhân dân, tuy đã có những chế tài xử phạt nhưng chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết là cần thiết để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm - vấn đề hiện rất phức tạp, cần có mức phạt trong phạm vi cho phép để răn đe chung...
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu tại hội nghị. |
Ngày 28/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Báo cáo dự thảo Nghị quyết, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, đồng thời triển khai thi hành Luật Thủ đô, Sở Y tế đề xuất Thường trực HĐND thành phố chấp thuận chủ trương ban hành Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này bằng 2 lần mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng tại các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Mức tiền phạt bằng 2 lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng tại Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính là mức tối đa theo quy định tại Luật Thủ đô năm 2024.
Việc đề xuất mức tiền phạt bằng 2 lần mức tiền phạt để tăng tính răn đe đối với tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động liên quan đến an toàn thực phẩm, hướng tới tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh.
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là lĩnh vực rất quan trọng liên quan trực tiếp sức khỏe và tính mạng của Nhân dân, tuy đã có những chế tài xử phạt nhưng chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết là cần thiết để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm - vấn đề hiện rất phức tạp, cần có mức phạt trong phạm vi cho phép để răn đe chung. Việc ban hành nghị quyết là cần thiết để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; là cơ sở kịp thời để triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Tuy nhiên, để nghị quyết đi vào cuộc sống cần quan tâm đến nhiều vấn đề, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh đường phố. Do đó, các đại biểu cho rằng, cơ quan chức năng của thành phố cần ban hành phụ lục đi kèm để dễ thực hiện, chú trọng khâu tuyên truyền và tăng cường phân quyền cho chính quyền cơ sở.
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, các đại biểu cho rằng, ngoài đối tượng được quy định chung đề nghị xem xét bổ sung thêm đối tượng quản lý, cấp phép trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời cần thêm những biện pháp thiết thực hơn, như: Tăng cường tuyên truyền; khuyến khích vai trò giám sát của nhân dân, nên có hình thức khen thưởng đối với những cá nhân phát hiện hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo đảm các điều kiện để chính quyền cơ sở có đủ sức kiểm tra, giám sát.
Các đại biểu phản biện tại hội nghị. |
Đối với các hành vi xử phạt tại Điều 3, cần có sự phân chia mức phạt nặng nhẹ để tránh phát sinh tiêu cực bởi Luật Thủ đô chỉ quy định mức phạt không quá 2 lần, không có nghĩa là hành vi nào cũng là 2 lần…
Lắng nghe các ý kiến tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đánh giá cao công tác chuẩn bị của đơn vị tham mưu soạn thảo tờ trình và dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, bảo đảm đúng quy định, các văn bản như báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp, báo cáo đánh giá tác động đều được chuẩn bị đầy đủ.
Tuy nhiên, về bố cục của dự thảo nghị quyết cần nghiên cứu sửa lại ngắn gọn, đủ ý, đủ sức thuyết phục. Đối với dự thảo nghị quyết các hành vi xử phạt và mức xử phạt cần nghiên cứu rà soát cụ thể, nội dung phạt nào còn thiếu cần bổ sung, nội dung nào cần điều chỉnh mức phạt.
Khẳng định sự cần thiết, đúng thẩm quyền, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đầy đủ đối với việc ban hành Nghị quyết, nhất là nhằm mục tiêu nâng tính răn đe đối với các hành vi vi phạm lĩnh vực an toàn thực phẩm, đồng chí Nguyễn Lan Hương cũng đề nghị đơn vị soạn thảo tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Tờ trình và Nghị quyết sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện. Nhất là lưu ý bố cục của Nghị quyết cần bảo đảm ngắn gọn, đủ ý, đủ sức thuyết phục; các hành vi xử phạt và mức xử phạt cần được nghiên cứu rà soát cụ thể, nội dung phạt nào còn thiếu cần bổ sung và nội dung nào cần điều chỉnh mức phạt...
Để đảm bảo nghị quyết khi ban hành sớm đi vào đời sống, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cũng đề nghị đẩy mạnh vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt đẩy mạnh vai trò giám sát của nhân dân trong việc phát hiện, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng thông qua các đường dây nóng về các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm…/.