Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Nội dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Thứ Năm, 12/05/2016 16:53 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 12/5, tại Hà Nội, Thành uỷ - UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và triển khai Chương trình số 02-CTr/TU của Thành uỷ về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020.

 

Đồng chí Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Đ.H)

Tham dự Hội nghị có đồng chí Hoàng Trung Hải, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội; Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương của Hà Nội.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, sau 5 năm thực hiện, với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thành uỷ, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả nổi bật, rõ nét. Kinh tế nông nghiệp đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được tăng cường đầu tư, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đến nay, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới (với 213/401 xã, đạt 53,12%); bình quân mỗi xã đạt và cơ bản đạt 16,9 tiêu chí. Đây là kết quả quan trọng, tạo tiền đề quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới.

Kết quả xây dựng nông thôn mới đã làm cho khoảng cách chênh lệch phát triển giữa thành thị và nông thôn dần thu hẹp. Bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới, văn minh hơn, hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị được củng cố. Thu nhập và điều kiện sống của người dân được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng từ 14 triệu đồng/người/năm (năm 2011) lên 33 triệu đồng/người/năm (năm 2015). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm mạnh, từ 11,25% (năm 2011) xuống còn dưới 1,5% (năm 2015).

Với quyết tâm thực hiện dồn điền đổi thửa, nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hoá tập trung, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao được hình thành, bước đầu đạt kết quả tốt. Việc đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất được tăng cường, hình thành các chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm cung cấp rộng rãi cho thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Nhiều mô hình sản xuất hàng hoá nông nghiệp đem lại giá trị kinh tế cao, một số nơi đạt 1 - 2 tỷ đồng/ha. Việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã được quan tâm, nhiều hợp tác xã, tổ đội sản xuất, hình thức hợp tác mới được hình thành, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện. Hệ thống đê điều, kênh mương thuỷ lợi, giao thông nội đồng phục vụ sản xuất được ưu tiên đầu tư nâng cấp. Thiết chế văn hoá ở nhiều nơi được quan tâm đầu tư. Hệ thống trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, không còn phòng học tạm, phòng học cấp 4 dột nát. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; 100% số cơ sở đạt tiêu chí giữ vững an ninh chính trị. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá được nâng cả về chất và lượng.    


Hình ảnh tại Hội nghị (Ảnh: Đ.H)

 

Nhìn chung, phong trào xây dựng nông thôn mới của Hà Nội đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại cần sớm được khắc phục, đó là: Công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới ở một số cơ sở còn hạn chế; vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, phương pháp, cách làm trong xây dựng nông thôn mới, chủ yếu tập trung vào xây dựng hạ tầng, chưa chú ý nhiều đến các tiêu chí khác.

Nguồn lực đầu tư cho công tác xây dựng nông thôn mới còn hạn hẹp, vẫn chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Công tác đấu giá đất còn gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản chưa thực sự phục hồi. Việc thu hút được các nguồn lực xã hội chưa nhiều. Trình độ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu.

Hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn đầu tư còn chưa đồng đều giữa các địa phương và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Hạ tầng về giao thông nông thôn, thuỷ lợi, điện phục vụ sản xuất nhiều nơi còn khó khăn. Nhiều xã khi mới bắt tay triển khai thực hiện các tiêu chí còn lúng túng, việc lập đề án còn chưa sát thực tế, nên nhiều xã phải điều chỉnh đề án. Nhiều dự án phát triển sản xuất chậm triển khai, hiệu quả còn thấp.

Đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, nhất là vùng đồng bào dân tộc còn thấp, không ổn định, vẫn còn nhiều lao động thiếu việc làm, kinh tế còn khó khăn. Chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch còn thấp. Việc đào tạo nghề cho nông dân, nhất là nông dân ở những nơi bị thu hồi chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu.

Ghi nhận những kết quả đã đạt được trong chương trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội, đồng chí Hoàng Trung Hải biểu dương và đánh giá cao  nỗ lực của các cấp, ngành cùng sự tích cực hưởng ứng của nhân dân, doanh nghiệp. Theo đồng chí Hoàng Trung Hải, xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ quan trọng và tiếp tục là chương trình công tác lớn của nhiệm kỳ và lãnh đạo thành phố sẽ luôn nỗ lực và quyết tâm cao để tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước. Để đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, các cấp, các ngành cần tập trung phát huy những kết quả đạt được, nghiêm túc nhìn nhận các hạn chế, khuyết điểm và có những giải pháp khả thi, sớm khắc phục các hạn chế còn tồn tại. Cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, phải lấy người nông dân làm trung tâm trong triển khai mọi công việc từ quy hoạch, đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất, chăm lo sức khỏe, giáo dục, văn hóa được thực hiện trên cơ sở tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, để người dân thấy rõ lợi ích của mình.

Đồng chí Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu các đơn vị chức năng cần tập trung các nguồn lực ngân sách của Thành phố, huyện và đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để đẩy nhanh việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho nông thôn, nhất là giải quyết các vấn đề môi trường, xử lý ô nhiễm, rác, nước thải, cung cấp nước sạch, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp nông sản sạch. Tiếp tục có chính sách khuyến khích nông dân và doanh nghiệp đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, tạo chuyển biến mạnh về năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ hàng hóa trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, cũng cần chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội ở khu vực nông thôn, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân nông thôn…

Để đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đã đề ra 8 nhóm giải pháp, đó là: Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng Thủ đô; Xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, có bước đột phá để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Củng cố hệ thống tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ ngành nông nghiệp, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực khu vực nông thôn; Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp, phát triển các hợp tác xã ngành nghề, dịch vụ, các hội nghề nghiệp trong nông thôn; Tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất và đời sống nông thôn; Xây dựng thị trường tiêu thụ nông sản và sản phẩm làng nghề thông qua hệ thống các cơ sở dịch vụ thương mại đều khắp ở các vùng; Xây dựng hệ thống chính trị ở nông thôn vững mạnh, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và điều hành, quản lý của chính quyền.  

Cũng tại Hội nghị, thay mặt Đảng và Nhà nước, đồng chí Hoàng Trung Hải đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng cho 6 tập thể, cá nhân; Tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ cho một số nguyên là lãnh đạo Thành uỷ, UBND thành phố Hà Nội. Lãnh đạo thành phố cũng đã trao bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố, cờ thi đua cho nhiều tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới./.

Đặng Hiếu

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN