Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Nội có quy chế, người dân dễ giám sát “cao ốc chọc trời”?

Thứ Năm, 09/06/2016 14:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Thông qua Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội, việc kiểm soát quá trình phát triển đô thị sẽ tốt hơn. Có quy chế chuẩn và minh bạch, thì người dân sẽ giám sát được mọi chuyện, kể cả là “ngoại lệ”!


Nhiều "cao ốc" đã được xây dựng tại vị trí đẹp. (Ảnh minh họa. Nguồn: zing.vn)

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội.

Theo đó, địa giới hành chính của 5 quận (Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía Bắc Hai Bà Trưng và một phần phía Nam của quận Tây Hồ) thuộc khu vực nội đô lịch sử Hà Nội có diện tích 3.881ha.

Khu vực nội đô lịch sử được chia thành 7 khu vực để kiểm soát và quản lý tầng cao, chiều cao xây dựng công trình bao gồm: khu Trung tâm chính trị Ba Đình; khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; khu phố cổ; khu phố cũ; khu vực Hồ Gươm và phụ cận; khu vực Hồ Tây và phụ cận; khu vực hạn chế phát triển.

Những tuyến phố trong khu vực phố cổ không được phép xây dựng nhà cao tầng như: Hàng Đậu, Phan Đình Phùng, một số đoạn trên đường Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn, Lò Đúc, Pháo Đài Láng...

Ngoài ra, Quy chế cũng ấn định rõ các khu vực và giới hạn tầng cao tối đa một số khu tập thể cũ ở Hà Nội như: Khu Văn Chương (18 tầng); Nguyễn Công Trứ (25 tầng); Giảng Võ, Hào Nam, Ngọc Khánh (21 tầng); các khu Thành Công, Khương Thượng, Vĩnh Hồ, Nam Đồng, Kim Liên, Láng Hạ, Phương Mai, Thanh Nhàn… (24 tầng).

Khi Quy chế được công khai với báo chí, không ít người “giật mình” khi khu nội đô lịch sử chỉ có duy nhất 2 vị trí được xây dựng quá 39 tầng, đó là một lô đất ở phố Giảng Võ cao tối đa 50 tầng (tương đương 180m) và một ô đất ở phố Liễu Giai cao tối đa 45 tầng (tương đương 162m).

Lần đầu tiên các chỉ tiêu liên quan đến không gian đô thị, quy định về chiều cao chi tiết được quy định rõ trong Quy chế hứa hẹn bức tranh đô thị Hà Nội sẽ chuẩn mực hơn, minh bạch hơn...

Bằng quy chế này, Hà Nội sẽ huy động được nguồn vốn ngoài nhà nước để xây dựng, cải tạo lại các khu chung cư cũ ở các quận nội thành. Hàng loạt các chung cư được xếp hạng nguy hiểm, mất an toàn, nhưng hơn 10 năm qua, số lượng các chung cư cũ được xây mới, cải tạo lại chỉ đếm trên đầu ngón tay (trên 10%). Tại sao các doanh nghiệp thờ ơ với việc xây dựng, cải tạo chung cư cũ, đơn giản là do các quy định khống chế về mật độ xây dựng, chiều cao của công trình. Khi không hóa giải được bài toán lợi ích giữa Nhà nước, người dân và chủ đầu tư, thì việc xây dựng, cải tạo lại chung cư cũ được ví “khó như húc đầu vào đá” là điều dễ hiểu.

Bằng Quy chế này, Hà Nội sẽ kiểm soát được quá trình phát triển đô thị, đặc biệt là minh bạch việc cấp phép xây dựng các “cao ốc” trong khu vực nội đô. Khi có quy chế chuẩn và tường minh, người dân và dư luận xã hội dễ giám sát được việc cấp phép xây dựng và quá trình xây dựng của các nhà đầu tư “cao ốc”, đặc biệt là những “cao ốc chọc trời”. Những năm qua, nhiều “cao ốc” xây dựng xong, thông qua dư luận, cơ quan quản lý mới biết “cao ốc” xây dựng vượt chiều cao so với giấy phép. Nguyên dân dẫn đến “sự cố” nói trên, một phần do khát khao lợi nhuận quá mức của chủ đầu tư, một phần là do chưa có quy chế chuẩn và cơ chế “ xin-cho” vẫn nặng nề.

Dù Quy chế có nhiều điểm mới, nhưng dư luận vẫn băn khoăn khi đề cập điểm nhấn công trình cao tầng phải có hình thức kiến trúc mới, độc đáo, được Hội đồng kiến trúc quy hoạch thành phố thông qua. Vậy câu hỏi đặt ra, những “ngoại lệ” khi cho phép một số lô đất được xây cao tầng tối đa từ 39 đến 50 tầng, thì  “điểm nhấn” là gì: là tầm nhìn kiến trúc độc đáo, là giá trị thương mại của lô đất nằm ở vị trị đắc địa có một không hai, hay là những gì  "nhạy cảm” khó nói mà ai cũng hiểu?

Việc cho phép một số “ngoại lệ” về chiều cao công trình chắc vẫn cứ đúng về “quy trình”, nhưng ngoại lệ đó cần sự đồng thuận của người dân, không ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, không gây ngập úng, tắc đường kẹt xe... thì cũng có thể xem như “ngoại lệ tích cực”?

“Điểm nhấn công trình cao tầng” hoặc “quy hoạch ngoại lệ” là những thứ rất khó diễn giải, ví như phép định tính, còn “cao ốc” đẹp, kiến trúc đẹp trong mắt người dân là sự hài hòa “trời, đất và lòng dân”. Với ý nghĩa đó, sự  tham vấn của người dân trong mỗi quy hoạch, mỗi dự án, là việc nên làm nếu muốn phát huy sức mạnh và trí tuệ tập thể./.

Đăng Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN