Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Nội: Cho xe buýt thường đi vào làn buýt nhanh có hợp lý?

Thứ Tư, 03/05/2017 18:19 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Liên quan tới đề xuất của TP Hà Nội về việc sẽ cho xe buýt thường sử dụng làn đường ưu tiên của xe buýt nhanh BRT để di chuyển, vận tải hành khách, nhiều bạn đọc cho rằng đây là việc nên làm sớm để tránh lãng phí làn đường ưu tiên khi chỉ dành riêng cho buýt nhanh.

Xe buýt nhanh BRT hiện đang sử dụng riêng làn đường ưu tiên.

 

Theo đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 4 của UBND TP Hà Nội diễn ra vào ngày 28/4/2017 vừa qua, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã trình bày dự thảo quyết định thay thế Quyết định 06/2013/QĐ–UBND ngày 25/1/2013 của UBND TP về hoạt động các phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố với nhiều điểm mới. Cụ thể là mở rộng thêm một số phương tiện được đi vào làn BRT như xe cứu thương, các loại xe ưu tiên…

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng theo thống kê lộ trình và theo giờ xe chạy, một xe buýt nhanh BRT hoạt động trung bình thấp nhất chỉ có 34 khách, cao nhất chưa đạt 48 khách trong khi sử dụng làn đường riêng cho loại phương tiện này là chưa hợp lý. Vì vậy, theo Chủ tịch Chung, trước mắt cần cho xe buýt thường được đi vào đây. Chủ tịch UBND TP giao Sở GTVT nghiên cứu, làm việc với Tổng Công ty vận tải để thí điểm cho các loại xe buýt khác đi vào làn BRT trong 6 tháng, sau đó, nghiên cứu mở rộng thêm các phương tiện khác.

Theo dõi thông tin về vấn đề này, bạn đọc Nguyễn Anh Tuấn (Nguyễn Trãi, Hà Nội) nhận xét: “Buýt nhanh và buýt thường đều là phương tiện vận tải hành khách công cộng, nên sử dụng chung một làn đường ưu tiên là điều hợp lý. Hơn nữa lại giảm tải cho các loại phương tiện khác di chuyển trong làn đường không ưu tiên”.

Đồng tình với quan điểm nên để xe buýt thường đi trong làn đường ưu tiên, bạn đọc Phương Nga (Giảng Võ, Hà Nội) nêu ý kiến: “Tần suất hoạt động của xe buýt nhanh cũng không sử dụng hết toàn bộ thời gian trong làn đường ưu tiên, trong khi xe buýt thường cũng là loại xe lớn, chiếm nhiều diện tích lòng đường, nên để hai loại xe cùng sử dụng làn đường ưu tiên và nhường phần đường còn lại cho các loại phương tiện khác. Như vậy sẽ giảm thiểu ùn tắc trong làn đường bình thường khi bớt đi xe buýt thường”.

Sẽ giảm bớt áp lực giao thông nếu cho buýt thường sử dụng làn đường ưu tiên?

 

Liên quan đến vấn đề này, bên cạnh những ý kiến ủng hộ việc cho xe buýt thường hoạt động trong làn đường ưu tiên trong thời gian sắp tới thì cũng có khá nhiều ý kiến nêu ra những hạn chế với phương án này.

Thường xuyên di chuyển bằng xe buýt khi đi học, bạn Nguyễn Kim Hoa, sinh viên đại học Luật nêu ý kiến: “Em đồng ý với chủ trương này, bởi đúng là cho buýt thường hoạt động trong làn đường xe buýt nhanh là giảm bớt rất nhiều áp lực giao thông của làn đường không ưu tiên. Tuy nhiên có hạn chế là các điểm chờ buýt thường nằm phía bên phải đường, khi xe chạy trong làn ưu tiên tách ra để vào đón khách tại điểm dừng đón khách rất dễ xảy ra xung đột giao thông, vậy cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ vấn đề này”.

Cùng quan điểm trên, chị Phương Thảo (Cát Linh, Hà Nội) nêu ý kiến: “Dọc tuyến đường xe buýt nhanh BRT chạy có một số điểm đón trả khách của xe buýt thường nằm đối diện với điểm nhà chờ đón khách xe buýt nhanh (trên tuyến đường Giảng Võ là một ví dụ - chị Thảo cho biết), nếu hai xe này đều vào đón khách cùng một thời điểm thì hầu như không còn đường đi cho các loại phương tiện khác. Vậy, tôi cho rằng vấn đề giờ giấc và tần suất xe chạy sao để không bị trùng lặp thời điểm là điều mà cơ quan quản lý giao thông cần chú ý. Còn việc cho xe buýt thường sử dụng làn buýt nhanh là điều hợp lý và nên làm”.

Nhà chờ và điểm đón trả khách của hai loại phương tiện nằm song song (phố Giảng Võ) rất dễ gây ùn tắc giao thông.

 

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông đô thị Hà Nội cho hay, đơn vị đang nghiên cứu phương án cho phép một số phương tiện ưu tiên được đi vào làn xe buýt nhanh. Tuy nhiên việc này cần thời gian vì hạ tầng dành cho xe buýt thường và buýt nhanh khác nhau, như nhà chờ của buýt thường bố trí ở lề đường phải, trong khi với buýt nhanh nhà chờ nằm giữa dải phân cách. 

Tuyến xe buýt nhanh BRT được đưa vào vận hành bắt đầu từ ngày 1/1/2017 có 26 xe chạy theo lộ trình và có tuyến đường dành riêng dài 14,7 km, dọc tuyến có 21 nhà chờ và có 2 điểm đầu cuối, tần suất từ 5 – 15 phút/chuyến. Báo cáo của Sở GTVT cho biết, kết quả vận hành 3 tháng đầu tuyến BRT, trong giai đoạn chính thức thu tiền vé, tổng lượng vận chuyển đạt 791.625 hành khách. Bình quân sử dụng là 42,4 hành khách/lượt.

Theo Quy hoạch GTVT thủ đô Hà Nội, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ ưu tiên phát triển giao thông công cộng, nhất là loại hình vận tải có khối lượng trung bình và lớn, theo đó sẽ có 08 tuyến xe bus nhanh để phục vụ hành khách đi lại. Trước mắt, Sở GTVT đề xuất UBND TP Hà Nội xem xét phê duyệt để triển khai tuyến BRT thứ hai theo lộ trình Kim Mã - Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Như vậy, có thể thấy chủ trương cho phương tiện vận tải công cộng cùng sử dụng làn đường ưu tiên là điều hợp lý, vừa tránh lãng phí nếu để chỉ riêng xe buýt nhanh BRT, vừa giảm bớt áp lực giao thông cho các phương tiện lưu thông trong làn đường không ưu tiên hiện nay. Tuy nhiên, người sử dụng các loại phương tiện này cũng nêu ra những bất cập hiện nay về hạ tầng và thời gian vận hành mà hai loại phương tiện vận tải này đang vướng mắc. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần xem xét những ý kiến đóng góp của người dân nhằm đưa ra những điều chỉnh hợp lý để khi thực hiện đạt được kết quả cao nhất./.

 

Bài, ảnh: Vũ Hoàng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN