Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Nội: Chính thức vận hành hệ thống Giao thông thông minh

Thứ Năm, 04/07/2024 10:16 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Hệ thống Giao thông thông minh sẽ ứng dụng kỹ thuật công nghệ vào tổ chức, quản lý điều hành giao thông một cách hiệu quả đảm bảo an toàn, giảm thời gian và chi phí đi lại, bảo vệ môi trường.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương hệ thống giao thông thông minh trên địa bàn TP Hà Nội. 

Sáng 4/7, Sở GTVT TP Hà Nội đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức lễ khai trương hệ thống GTTM trên địa bàn TP Hà Nội. Đây là một trong những nhiệm vụ nhằm từng bước cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Tham dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP Hà Nội, Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Báo cáo tại buổi lễ, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội  Thái Hồ Phương cho biết: “Hệ thống giao thông thông minh ITS bao gồm các ứng dụng kỹ thuật công nghệ vào công tác tổ chức, quản lý điều hành hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả đảm bảo an toàn giao thông giảm thời gian và chi phí đi lại, bảo vệ môi trường...”

Được sự chấp thuận của UBND TP Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội đã phối hợp với Sở GTVT triển khai phương án thí điểm hệ thống  giao thông thông minh với nội dung thiết lập Trung tâm Điều hành giao thông thông minh tại Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội, số 1 Kim Mã, quận Ba Đình, bao gồm: thiết bị (máy tính, màn hình tấm ghép, tường lửa, thiết bị mạng, các thiết bị, phụ kiện đi kèm…); các phần mềm điều khiển (phần mềm đo đếm lưu lượng, giám sát vi phạm, cung cấp thông tin, điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh…).

Lãnh đạoTP Hà Nội thăm Trung tâm Điều hành giao thông. 

Hệ thống cũng được lắp đặt thiết bị ngoại vi tại 2 nút giao thông thí điểm trên đường Phạm Văn Bạch (nút giao Hoàng Quán Chi và Ngõ 9) bao gồm: lắp đặt camera hỗ trợ xử phạt, camera đo đếm lưu lượng, camera đo tốc độ, biển VMS,…

Các chức năng của hệ thống giao thông thông minh trong giai đoạn thí điểm bao gồm: hệ thống giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn  giao thông; quản lý giao thông công cộng; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý đỗ xe; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng.

Trong đó 2 chức năng là quản lý đỗ xe và quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng sẽ được tích hợp khi các dự án thí điểm theo chương trình riêng của Thành phố đã sẵn sàng đưa vào vận hành bên cạnh đó hệ thống được thiết kế đảm bảo tính mở, sẵn sàng mở rộng, tích hợp đủ 12 chức năng khi các ứng dụng hoàn thiện, đủ điều kiện kết nối, chia sẻ dữ liệu và từng bước hoàn thiện hệ thống.

Tại lễ khai trương, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, định hướng lộ trình hình thành hệ thống giao thông thông minh của thành phố sẽ theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (năm 2024-2026) kiện toàn gắn với việc hình thành, đưa vào khai thác, vận hành trung tâm điều hành giao thông thông minh (với 9/12 chức năng).

Giai đoạn 2 (năm 2027-2029) mở rộng và phát triển (gắn với việc thực hiện đủ 12 chức năng).

Giai đoạn 3 (năm 2030) phát triển bền vững.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường nêu rõ: “Việc đưa vào vào khai thác trung tâm điều hành giao thông thông minh là nền tảng cốt lõi trong việc hình thành hệ thống giao thông thông minh, là cơ sở thực tiễn quan trọng cho việc hoàn thiện đề án giao thông thông minh và tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Sau khi thí điểm, Sở sẽ cùng các đơn vị liên quan tổng kết, đánh giá toàn diện, đưa ra phương án tối ưu về kỹ thuật, công nghệ, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu”./.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN