Hà Nội: Cần xử lý nghiêm, dứt điểm tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện
(ĐCSVN) - Hàng năm, trên địa bàn TP. Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung xảy ra hàng loạt các vụ việc liên quan đến vi phạm về an toàn hành lang lưới điện. Những vi phạm này ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, tài sản của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn.
Tại số nhà 26 phố Chùa Bộc, công trình quây quanh trạm biến thế. Ảnh VH
Tại số nhà 26 phố Chùa Bộc, đang tồn tại tình trạng trạm biến áp ngoài trời bị “bao vây” bởi một số công trình, nhà ở, bán hàng. Theo Quy định về đảm bảo hành lang an toàn lưới điện, với trạm biến áp cao thế (trong ảnh), tại khoản b Điều 19 nêu rõ: Khoảng cách an toàn quy định là: 2m đối với điện thế từ 35kV; 4m đối với điện thế 110kV; 6m đối với điện thế 220kV – khoảng cách nói trên tính từ mặt ngoài tường rào trở ra. Thế nhưng các công trình vi phạm tại đây gần như áp sát trạm, vẫn đang đương nhiên tồn tại, bất chấp hiểm nguy rình rập, nhất là hàng ngày, mật độ người dân qua lại, mua bán tại khu vực này rất đông đúc...
Hàng ngày đi qua khu vực này, bác Vũ Văn Bắc, một người dân sống gần khu vực cho biết: Trạm điện này trước kia đã có lần xảy ra chập điện, cũng may lần đó xử lý kịp thời, không có thiệt hại về người và cháy nổ, nhưng sự việc cũng gây mất điện một thời gian ngắn. Theo bác Bắc, đây là khu vực có mật độ giao thông qua lại rất đông vào những giờ tan tầm. Vị trí trạm biến áp nằm khá gần với đường đi, nếu không may xảy ra cháy nổ dẫn đến dây điện rơi xuống dòng người đang lưu thông thì vô cùng nguy hiểm. Bác Bắc bức xúc đặt câu hỏi: Trách nhiệm này thuộc về ai?
Thực trạng trên không phải là cá biệt trên địa bàn Thủ đô. Một số vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện trong thời gian qua đã gây ra những hậu quả rất đáng tiếc.
Cách đây không lâu, ngày 6/5/2015, tai nạn xảy ra đối với hai nam công nhân sửa chữa cánh cửa trên tầng 3 một căn nhà tại phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Trong khi di chuyển khung cửa nhôm, do thiếu quan sát nên đã để cánh cửa chạm vào đường dây điện nằm ngay sát ban công, dẫn tới xảy ra tai nạn giật điện. Nguyên nhân được xác định là do phần ban công của căn nhà có khoảng cách quá gần với đường dây điện của trạm biến áp ngay cạnh đó. Sự việc làm một người tử vong tại chỗ, một người bị thương nặng.
Có một trường hợp rất hiếm gặp khác PV vừa tận mắt chứng kiến mà hiện nay vẫn đang tồn tại: Tại một ngôi nhà 4 tầng đang trong quá trình xây dựng trên phố Cầu Giấy - Hà Nội. Những người đi qua rất ngạc nhiên khi thấy một đường dây tải điện trung thế đang “chui” qua công trình này. Anh Bằng - người chạy xe ôm tại khu vực này - hóm hỉnh nói: Thật là nguy hiểm, cái chết cận kề ngay bên cạnh mà ông chủ vẫn để đám thợ xây làm viêc. Họ không sợ chết à? chắc ông chủ nhà này là “siêu nhân” nên mới dám làm thế này.... Không biết cơ quan quản lý ở đâu nhỉ?
Chị Lan Phương, một người dân sống tại khu vực này nêu ý kiến: Nhìn đường dây điện chui qua nhà đang xây như vậy thật quá nguy hiểm, ngay chúng tôi hàng ngày chỉ đi qua bên dưới đường dây điện này còn thấy sợ. Không hiểu sao cơ quan chức năng vẫn để tồn tại?
Thực tế cho thấy, do lỏng lẻo trong công tác thanh tra, kiểm tra, rất nhiều tai nạn thương tâm do vi phạm hành lang an toàn lưới điện đã xảy ra. Gần đây nhất, ngày 3/1/2016, trong quá trình sửa nhà, ông Nguyễn Khắc Vượng (huyện Kiến Thụy-TP Hải Phòng) đã vô tình để chạm chiếc thang nhôm vào đường dây điện trung thế chạy qua trước cửa nhà, đường dây này chỉ cách tầng 2 ngôi nhà của ông Vượng khoảng 1,5m. Sự việc xảy ra khiến cho ông Vượng và một người khác tử vong ngay tại chỗ, nguyên nhân của tai nạn cho thấy đây là một bài học đắt giá về vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện. Tai nạn về điện khi xảy ra thường để lại những hậu quả rất đau lòng, qua đó có thể thấy công tác của ngành Điện trong việc kiểm tra, phòng tránh xảy ra tai nạn là rất cần thiết.
Hình ảnh cho thấy đường dây điện chạy thẳng vào công trình đang thi công, tấm bạt được khoét lỗ để dây điện đi qua. Ảnh VH
Trả lời báo giới, ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Tình hình vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn Hà Nội đã giảm nhiều so với năm 2014, nhưng diễn biến vẫn còn nhiều phức tạp. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển đô thị hóa ngày càng cao cũng là một trong các nguyên nhân làm cho công tác quản lý vận hành an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn Thủ đô gặp khó khăn. Sở Công thương Hà Nội đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan kiểm tra và phát hiện 883 vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, trong đó đã xử lý được 236 vụ vi phạm, còn tồn tại 647 vụ vi phạm chưa được giải quyết...
Những năm gần đây, Thành phố Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo ngành Điện thành phố tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn lưới điện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Trong đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 3567/UBND - CT, yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo kiểm tra, thực hiện các biện pháp bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn TP; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và không để phát sinh những trường hợp vi phạm mới. Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, đơn vị truyền tải điện Hà Nội có vai trò quan trọng, trực tiếp kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý, phối hợp, đề nghị xử lý các trường hợp vi phạm; chú ý làm tốt công tác tham mưu xây dựng kế hoạch, lộ trình, phương án, biện pháp xử lý những hành vi, công trình vi phạm.
Thiết nghĩ, ngành Điện lực Thủ đô cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở tích cực kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về an toàn lưới điện. Đặc biệt, thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn, thông suốt nguồn điện phục vụ Đại hội lần thứ XII của Đảng sắp diễn ra cũng như đảm bảo điện năng phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2016./.