Hà Nội: Cần một quy hoạch tổng thể đối với mạng lưới dây điện, cáp viễn thông, truyền hình
(ĐCSVN) - Vô số những cuộn cáp loằng ngoằng quấn quanh những cây cột điện, nhiều mớ dây chằng chịt đan xen nhau, nối từ cột điện này tới cột điện khác trên khắp các tuyến phố, con ngõ tại Hà Nội. Thực trạng này không chỉ gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn hiểm họa về an toàn cháy nổ.
Bước ra đường, không ít người dân sống trên địa bàn Hà Nội không khỏi lắc đầu ngao ngán với những mớ dây cáp, dây điện loằng ngoằng trên không. Bác Quyết, một cư dân sống tại ngõ Thanh Miến, phố Văn Miếu - Hà Nội than phiền: “Nhiều dây lắm, chẳng biết dây gì với dây gì, cứ loằng ngoằng cả lượt phía bên trên khiến nhiều người cảm thấy bất an”.
Theo lời kể của bác Quyết, hồi gần cuối năm 2015, cây cột điện nằm đầu ngõ đã bị đổ do mang quá nhiều các loại dây điện, dây cáp phía bên trên. Bác tả lại: “Cây cột điện không chịu được sức nặng của những bó dây nên oằn hoẳn xuống, các bó dây sà xuống thấp, chỉ cách đầu người dân qua lại có vài chục cm, vô cùng nguy hiểm”. Bác Quyết cho biết, sau sự cố trên, phía cơ quan chức năng đã cho thay thế ngay cây cột điện tại đây, tuy nhiên, lượng dây treo trên cây cột điện mới thì vẫn không thay đổi.
Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội, nghành Điện lực đã có nhiều cố gắng trong việc ngầm hóa hệ thống lưới điện ở nhiều khu vực. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều những cây cột điện cũ có, mới có, mà trên đó là vô số các loại dây khác nhau đan xen, lẫn lộn thành những “búi” lớn ngay phía trên dầu người dân qua lại.
Theo phản ánh của một số cư dân sống tại khu vực ngõ Thông Phong, phố Tôn Đức Thắng, tại đầu ngõ, hiện đang tồn tại một cây cột điện với nhiều loại dây treo, vắt, quấn lằng nhằng từ phía chân cột điện cho tới bên trên. Bà con tại đây không hiểu đây là loại dây “điện” gì? Tuy nhiên, ai cũng có phần lo lắng mỗi khi đi lại qua vị trí này!
Ghi nhận sự việc trên, chúng tôi đã tới tận nơi để tìm hiểu về phản ánh của cư dân. Theo quan sát, ngoài một số dây điện, tại cây cột điện này còn vô số các sợi cáp viễn thông, cáp tín hiệu truyền hình, hộp đấu nối tín hiệu của các loại cáp này. Hầu như các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình hiện nay đều có đường cáp tại đây bởi các sợi cáp đều được kẹp bảng tên của các đơn vị khác nhau. Và cũng dễ dàng nhận thấy, mớ bòng bong với những cuộn dây (mà người dân không biết phân biệt có phải dây điện hay không) này là nguyên nhân dẫn tới sự lo lắng cho người dân qua lại tại đây, nhất là khi khu vực này hay xảy ra ngập lụt mỗi khi mưa lớn...
Sự việc những sợi cáp tín hiệu viễn thông, cáp truyền hình và vô số các loại dây khác “tầm gửi” trên những cây cột điện ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội không phải là chuyện lạ lẫm với người dân thành phố. Tuy nhiên, việc quản lý “không đến nơi” với những đường cáp này của các đơn vị sở hữu trong thời gian qua đã gây không ít phiền toái cho cơ quan chức năng và đặc biệt là người dân sinh sống tại những nơi có hệ thống cáp này chạy qua.
Thời điểm cuối tháng 7/2015, dư luận và người dân Hà Nội rất hoan nghênh việc đoàn thanh tra liên ngành gồm đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng, EVN Hà Nội tiến hành việc kiểm tra tình hình chấp hành các quy định của pháp luật trong việc lắp đặt đường dây, cáp đi nổi tại các tuyến phố trên địa bàn thành phố. Sau đợt công tác, liên ngành đã thực hiện thanh thải, sắp xếp và bó gọn đường dây, cáp đi nổi tại 45/49 tuyến phố với khối lượng thanh thải 1.130.984m dây cáp đeo bám trên 492 cột chiếu sáng; EVN Hà Nội thực hiện thanh thải 2.400.000m dây cáp đeo bám trên cột điện lực; Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm hoàn thành thanh thải, sắp xếp, bó gọn cáp đi nổi tại 70 tuyến phố trong khu vực phố cổ.
Những năm gần đây, nhu cầu của người dân về thông tin ngày càng gia tăng, cùng với nhu cầu trên, mức độ phát triển của các nhà cung cấp cũng theo đó mà tăng lên, qua đó, bước đầu đáp ứng tốt các nhu cầu về thông tin, giải trí của người dân mọi nơi. Tuy nhiên, cũng do áp lực về sự phát triển, các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng phải thực hiện các hoạt động mở rộng, nâng cấp việc phủ sóng nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân. Một hệ quả không mong muốn từ việc này là hệ thống dây truyền tải thông tin của các đơn vị cung cấp dịch vụ tăng nhanh một cách đáng kể, kèm theo liên tục phải thay thế, sửa chữa đường dây khi xảy ra sự cố kỹ thuật. Điều này đang dẫn đến tình trạng đường dây cũ chưa được xử lý xong, lại chồng chất thêm đường dây mới. Ngoài ra, số lượng nhân lực trong công tác lắp đặt và kiểm tra còn mỏng, nên việc xử lý tình huống, hoặc lắp đặt đường dây tại nhiều nơi chưa được gọn gàng sau thi công.
Thiết nghĩ, việc phát triển mạng lưới thông tin, giải trí, truyền hình là điều cần thiết nhằm đáp ứng tốc độ phát triển và nhu cầu thông tin của người dân hiện nay. Tuy nhiên, cơ quan chủ quản và các đơn vị cung cấp dịch vụ nên xem xét về việc phát triển sao cho đồng bộ, có quy hoạch trong thời gian tới./.