Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Nội: Cần khắc phục tình trạng tăng giá vé dịch vụ gửi xe trong dịp Tết

Thứ Sáu, 19/02/2016 19:16 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Mặc dù đã tồn tại từ nhiều năm và luôn được các cấp chính quyền địa phương chú trọng, tìm biện pháp khắc phục, nhưng việc bùng phát các bãi gửi xe tư nhân, tự tăng giá vé tại các điểm (đình, đền, chùa...) vẫn diễn ra, gây bức xúc cho không ít người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2016.

 Người dân đến lễ tại Phủ Tây Hồ

 

Với những địa danh như: Phủ Tây Hồ, đền Trấn Vũ, với Tứ trấn Thăng Long (bao gồm: Đền Voi phục, đền Bạch Mã, đền Quán Thánh và đền Kim Liên), Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng là nơi quy tụ rất nhiều di tích tâm linh ở nước ta. Cứ mỗi dịp đầu Xuân, hàng vạn lượt du khách thập phương từ nhiều nơi đổ về tham quan, du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ngoài việc đến thăm các thắng cảnh, phần lớn lượng du khách đổ về Hà Nội trong những ngày đầu năm với mục đích tới các đình, chùa tại đây để cầu may, mong một năm mới an khang, thịnh vượng, mưa thuận gió hòa, công việc thuận lợi.

Như mọi năm, lượng du khách đổ về các di tích tâm linh trên địa bàn Hà Nội trong thời gian này tăng đột biến. Đây cũng là thời điểm các loại hình dịch vụ trông giữ xe mọc lên khắp nơi tại các khu vực gần các đình, đền, chùa.

Khu vực phủ Tây Hồ là một trong những khu vực rất đông người dân tới tham quan vãn cảnh, lễ chùa trong mỗi dịp đầu Xuân. Năm nay, để tránh tình trạng bát nháo các điểm trông xe tự phát, tăng giá vé gửi xe của một số hộ gia đình tại đây những năm trước, Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ đã có những biện pháp chuẩn bị nhằm giảm thiểu các tiêu cực trên trong dịp đầu xuân Bính Thân. Cụ thể, giao Công an Quận phối hợp cùng Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức các điểm trông giữ xe miễn phí trong dịp Tết nhằm phục vụ nhân dân đến du xuân vãn cảnh, lễ chùa. Ngoài ra, Quận còn tổ chức các đội công tác tham gia đảm bảo an ninh trật tự và thực hiện việc phân luồng, hạn chế phương tiện xe bốn bánh di chuyển vào những khu vực dễ xảy ra ùn tắc.

 

Ghi nhận của phóng viên tại đây cho thấy, khác với mọi năm, một số tuyến đường dẫn vào Phủ Tây Hồ năm nay đã không còn hiện tượng ùn tắc. Tuy nhiên, trên những tuyến đường này vẫn tồn tại một vài điểm trông giữ xe tự phát của người dân. Chỉ cần vắng bóng lực lượng chức năng là hàng loạt biển hiệu “Nhận trông xe” lập tức được treo ra. Không ít người dân vì không biết các điểm trông xe miễn phí, hoặc lo ngại tình trạng đông đúc trên đường dẫn vào Phủ nên vẫn vào những khu vực này để gửi xe. Và tiếp theo đó, tình trạng "chặt, chém" giá gửi xe lại diễn ra.

Chị Thu Hằng (trú tại Cầu Giấy – Hà Nội cho biết: Mình lo không vào được Phủ vì đường đông nên gửi xe bên ngoài để đi bộ vào. Tưởng ngày Tết thì cũng chỉ đắt hơn chút thôi, thế nhưng giá gửi xe lên đến 70.000 đồng/xe ô tô. Hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời: “Tết mà(!?)”.

Tổ chức phân luồng và trông giữ xe miễn phí trong dịp Tết là việc làm rất thiết thực của chính quyền quận Tây Hồ. Tuy nhiên, do bãi gửi xe miễn phí có giới hạn, thêm nữa là số lượng người đi lễ tại đây quá đông, nên nhiều người không vào được đến khu vực gửi xe miễn phí, cũng đành phải gửi xe bên ngoài. "Tôi cho rằng, nếu bãi trông giữ xe không đáp ứng kịp số lượng người dân về đây lễ bái thì cho các hộ gia đình trên dọc tuyến đường vào Phủ thực hiện trông giữ xe cũng phù hợp. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ để đảm bảo giá vé gửi xe không bị đội lên quá cao như hiện nay, gây bức xúc cho người dân đi lễ đầu năm" - anh Nguyễn Quốc Vinh, một du khách đến phủ Tây Hồ chia sẻ.

Khu vực trông xe miễn phí tại Phủ Tây Hồ

 

Với tâm lý đi lễ đầu năm để cầu bình an, cầu sức khỏe nên hầu hết mọi người dân khi đến nơi cửa đình, cửa chùa đều không muốn kỳ kèo bớt một, thêm hai đối với các loại hình dịch vụ tại những nơi này. Lợi dụng tâm lý này, không ít kẻ đã cố tình tăng giá "trên trời" với các loại hình dịch vụ đối với du khách đến lễ chùa.

Với 30.000 đồng để gửi 1 chiếc xe máy, 80.000 đồng gửi 1 chiếc ô tô, đây là giá dịch vụ mà người dân Thủ đô phải chịu khi đến tham gia hoạt động cúng sao giải hạn năm nay tại khu vực chùa Phúc Khánh trong ngày 15/2 (ngày 8 tháng Giêng) vừa qua.


Quang cảnh bên ngoài chùa Phúc Khánh

 

Chị Thanh Lan, một Phật tử có mặt dự buổi lễ trên cho biết: "Tôi phải thuê với giá 15.000 đồng cho một chiếc ghế nhựa để ngồi hành lễ tại khu vực ngoài đường Tây Sơn, còn xe máy thì phải chấp nhận gửi với giá 30.000 đồng một xe. Gửi xe thì phải trả tiền là điều tất yếu. Tuy nhiên, việc lợi dụng những dịp này để tăng giá vô tội vạ là việc làm vô cùng đáng lên án. Hy vọng chính quyền sở tại có những biện pháp quản lý những hoạt động dịch vụ tại đây trong thời gian tới, không thể để cách làm ăn chộp giựt làm xấu đi cái nhìn của du khách về Hà Nội".

Trường hợp của chị Lan không phải là cá biệt tại một số đình, chùa trên địa bàn Thủ đô trong những dịp đầu năm. Để làm rõ điều này, chúng tôi có mặt tại đền Bạch Mã nằm trên phố Hàng Buồm, đây là một trong bốn ngôi đền được liệt vào Tứ trấn Thăng Long tại Hà Nội. Vừa dừng xe trước cửa đền, còn chưa kịp tìm xem chỗ gửi xe nằm tại đâu, đã xuất hiện ngay một người phụ nữ đi tới mời chào: “Em ơi để xe đó chị giữ cho, chị gửi giá rẻ thôi, 20.000/xe”. Khi chúng tôi bảo đắt, người phụ nữ đon đả trả lời: “ Đâu cũng vậy thôi em ơi, ngày tết mà em, coi như mừng tuổi chị thôi(!?)".

 

Có thể thấy, không chỉ riêng ở Hà Nội mà còn ở nhiều khu vực, những nơi tập trung các đình, chùa, miếu, nơi diễn ra các hoạt động tâm linh của người dân trong những ngày đầu năm mới vẫn còn diễn ra các loại hình dịch vụ trông giữ xe tự phát cho người dân đi lễ chùa. Điều đáng nói, các dịch vụ này đang bị những kẻ làm ăn chộp giựt lợi dụng ngày Tết để tăng giá vô tội vạ nhằm thu lợi. Sự việc này đang làm xấu đi hình ảnh của một Thủ đô văn hóa, nét đẹp của những hoạt động tâm linh trong ngày đầu năm, gây ra bức xúc cho nhiều du khách đến tham quan, lễ bái tại những đình, chùa tại đây.

 

Thiết nghĩ, hoạt động trông giữ xe cho những người đến tham quan, lễ bái tại các đình, chùa nhằm để du khách yên tâm tham gia các hoạt động tâm linh là điều rất cần thiết, ngoài ra, còn giúp phần hạn chế các loại hình tệ nạn về trộm cắp thường xảy ra tại những khu vực đông người. Tuy nhiên, các cơ quan, chính quyền địa phương cần nâng cao hơn nữa trong công tác quản lý, kiểm tra, hướng dẫn để người dân tự giác thực hiện nghiêm túc các quy định về hoạt động dịch vụ do Nhà nước đề ra. Đây cũng là mong muốn của những người dân đến tham quan, lễ tại những đình, chùa trong dịp đầu năm mới./.

Bài, ảnh: Vũ Hoàng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN