Hà Nội: Cần đề cao công tác phòng chống cháy nổ tại các khu chợ dịp cuối năm
(ĐCSVN) - Cháy nổ là những hỏa hoạn thường gây thiệt hại nghiêm trọng về con người và tài sản. Thời gian qua, xảy ra rất nhiều vụ cháy tại những khu chợ trên địa bàn cả nước, gây thiệt hại rất lớn về hàng hóa và tài sản. Tuy nhiên, công tác phòng chống cháy nổ tại một số khu chợ trên địa bàn Hà Nội hiện nay còn rất nhiều bất cập.
Khảo sát thực tế tại các một số khu chợ trên địa bàn Hà Nội trong các ngày gần đây, có thể thấy phản ánh của độc giả là hoàn toàn có căn cứ. Khu vực chợ Đồng Xuân - một khu chợ lớn nhất trên địa bàn TP Hà Nội, lượng hàng hóa tập kết tại đây những ngày cuối năm vô cùng lớn. Tại một số ki-ốt quần áo, vải vóc, lượng hàng được các tiểu thương chất cao như núi. Hết chỗ để hàng, một số tiểu thương chất hàng ra cả lối đi, dẫn đến việc đi lại tại đây vô cùng khó khăn.
Điều đáng chú ý, một số vị trí đặc biệt như: Lối thoát hiểm, vị trí đăt bình chữa cháy tại đây cũng bị lượng hàng hóa che khuất, rất khó nhận ra.
Chị Thu Trang, một tiểu thương cho biết: Mỗi khi vào khu vực chợ Đồng Xuân lấy hàng, em rất lo lắng bởi lượng người mua bán trong chợ rất đông. Hàng hóa bày ra choán hết lối đi. Việc di chuyển trong chợ rất khó khăn. Nhiều ki-ốt tại đây hàng chất lên tận nóc, hệ thống điện lại nằm ngay trên đầu. Nếu xảy ra chập điện rất dễ dẫn đến cháy, bởi hàng hóa đa phần là đồ dễ cháy...
Ảnh VH
Khu vực chợ Hôm, tuy không còn hiện tượng sử dụng bếp đun trong khu vực vực bán hàng, hoặc gần khu vực bán hàng, nhưng vẫn tồn tại vấn đề đáng lo ngại tại đây, đó là, mặc dù biển cấm hút thuốc được dán khắp nơi, tuy nhiên, không ít người bán hàng vẫn vô tư hút thuốc lá ngay tại quầy bán hàng, ngay trên chính số vải vóc, quần áo mà họ đang bán. Khu vực bán vải và quần áo, hàng hóa tại đây cũng được chất cao tận nóc.
Theo ý kiến cơ quan quản lý, tại một số khu chợ đã xảy ra cháy nổ cho thấy, chủ quan và không tuân thủ quy định về an toàn PCCC là nguyên nhân đầu tiên gây ra hỏa hoạn. Ví dụ, quy định nêu rõ, khoảng cách giữa các gian hàng bày bán vật liệu dễ cháy và nơi sử dụng lửa trần phải cách xa nhau, nhưng nhiều chủ kinh doanh vẫn vi phạm quy định này. Một vấn đề khác, hệ thống họng nước tại khu vực chợ đều có nhưng hoạt động kém hiệu quả, nhiều nơi đã bị tiểu thương bày hàng che kín, xe không thể tiếp cận để tiếp nước chữa cháy khi cần. Việc nhắc nhở, đôn đốc trong PCCC ở một số nơi lỏng lẻo, kém hiệu quả, nên người dân vẫn xem nhẹ công tác phòng chống cháy nổ.
Lối thoát hiểm, cũng rất khó tìm thấy nếu xảy ra hỏa hoạn. Ảnh VH
Sau hơn 2 thập kỷ, cho đến nay, vụ cháy chợ kinh hoàng nhất vẫn được nhiều người dân Thủ đô nhắc tới, đó là vào đêm 14/7/1994, ngọn lửa đã thiêu rụi toàn bộ chợ Đồng Xuân mới được xây dựng lại trước đó ba năm. Sau vụ cháy, nguyên nhân trực tiếp được xác định là do một chiếc quạt tại ki-ốt trong chợ bị om nhiệt trong khi công tắc vẫn bật gây cháy. Thiệt hại do vụ cháy này gây ra lúc bấy giờ lên tới 300 tỷ đồng. Vụ cháy làm cho rất nhiều gia đình điêu đứng trong thời gian dài sau đó…
Dịp sát tết Nguyên Đán, lượng hàng hóa và lượng người mua bán tại các khu chợ trên địa bàn các tỉnh, thành phố tăng đột biến. Đây cũng là mùa khô hanh nên rất dễ xảy ra các trường hợp hỏa hoạn. Có thể thấy, ngoài việc đề cao công tác phòng chống cháy nổ tại các khu chợ và tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống cháy nổ, còn cần tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao ý thức, kiến thức về PCCC cho người dân, tránh để xảy ra các vụ hỏa hoạn đáng tiếc, gây ra những hậu quả nặng nề về người và tài sản của nhân dân./.