Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Nội bước đầu triển khai hiệu quả đổi mới giáo dục phổ thông

Thứ Sáu, 10/02/2023 08:46 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Một trong những đề xuất chung được giáo viên, lãnh đạo các trường THPT ở Hà Nội gửi tới Đoàn giám sát và Bộ GD&ĐT là mong sớm có phương án tổ chức thi THPT và phương án tuyển sinh đại học năm 2025 để học sinh, giáo viên, nhà trường có định hướng giảng dạy, học tập.

Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngày 9/2, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đã có cuộc làm việc với UBND thành phố.

Cuộc làm việc có sự tham dự của lãnh đạo UBND thành phố, lãnh đạo Sở GD&ĐT, các sở, ngành, UBND các quận/huyện, cán bộ quản lý, giáo viên một số trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TT 

Tại cuộc làm việc, nhiều ý kiến đã được đội ngũ giáo viên, lãnh đạo các nhà trường trao đổi, chia sẻ. Các ý kiến cho thấy, mặc dù có những bỡ ngỡ ban đầu song các nhà trường và đội ngũ giáo viên đã nhanh chóng bắt nhịp, việc triển khai đã mang lại những hiệu quả tích cực, thể hiện trong sự thay đổi của chính học sinh và giáo viên.

Một trong những đề xuất chung được giáo viên, lãnh đạo các trường THPT ở Hà Nội gửi tới Đoàn giám sát và Bộ GD&ĐT là mong sớm có phương án tổ chức thi THPT và phương án tuyển sinh đại học năm 2025 để học sinh, giáo viên, nhà trường có định hướng giảng dạy, học tập. Ngoài ra, việc sớm được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học để việc dạy học sẽ hiệu quả hơn nữa cũng là kiến nghị chung của nhiều giáo viên.

Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, Phó Giám đốc Phạm Xuân Tiến cho rằng, một trong những điều nổi bật mà Hà Nội thực hiện tốt là rất quan tâm đến chuyên môn của đội ngũ, giải quyết triệt để các vướng mắc của giáo viên, nên công tác tập huấn được đặc biệt chú trọng.

“Chúng tôi có quan điểm, để triển khai tốt các môn học, quan trọng nhất giáo viên phải rõ, mọi khó khăn vướng mắc của giáo viên phải được tháo gỡ. Vì vậy, với các trường phổ thông, Sở GD&ĐT yêu cầu trong tháng 9 và 2 tuần đầu tháng 10 phải tổ chức xong chuyên đề ở các môn học. Trước đó, giáo viên nghiên cứu, có khó khăn thì gửi về Sở/Phòng GDĐT và các chuyên viên có trách nhiệm nghiên cứu, tham khảo ý kiến chuyên gia để trả lời. Do đó, hầu hết vướng mắc giáo viên gặp phải đều được giải quyết”.

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: TT

Phát biểu tại cuộc làm việc, với tư cách là đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, Bộ GD&ĐT chính là nơi “thu hoạch” được nhiều nhất từ cuộc giám sát của Quốc hội lần này. Bộ trưởng cũng chia sẻ sự vui mừng trước những phát biểu, trao đổi thẳng thắn, khách quan, nhiều thông tin rất quý từ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các nhà trường.

Theo Bộ trưởng, qua báo cáo của thành phố, thông tin trao đổi của các sở, ngành cho thấy sự quan tâm đặc biệt của thành phố Hà Nội với giáo dục và đào tạo nói chung và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói riêng, cả trong đầu tư và trong chỉ đạo. Những trao đổi của thầy cô cho thấy thầy cô nắm rất chắc, thấy rõ cả tinh thần, những điểm tinh tế, quan trọng của chương trình.

Từ ý kiến trao đổi của giáo viên và nhà trường về một số băn khoăn, vướng mắc trong việc chuyển trường của học sinh vì lý do nhiều bộ sách giáo khoa, khác nhau về tổ hợp môn học, khác nhau về chương trình giáo dục địa phương…, Bộ trưởng đã có những trao đổi và lưu ý cụ thể.

Theo đó, Bộ trưởng cho biết: Trong rất nhiều điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, điểm mới quan trọng là tính nhất quán, thống nhất, hướng đích, “cứng” ở mục tiêu và chuẩn đầu ra. Các bộ sách khác nhau đều phải cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Chương trình dành khoảng rất rộng mở, linh hoạt cho lãnh đạo địa phương, Sở GDĐT, lãnh đạo các nhà trường, tổ chuyên môn, đặc biệt là chủ động của các nhà giáo và cuối cùng là chủ động của người học. Với việc được chủ động và linh hoạt như vậy, đừng đem tư duy rất “cứng” để xử lý các việc.

“Chương trình phổ thông thiết kế, học sinh khi kết thúc một cấp học nào đó phải đạt một chuẩn chung nhất định. Như vậy, phải lấy chuẩn cơ bản, thang năng lực cơ bản để làm chuẩn. Đừng vì lý do học sinh trường này học chậm hơn trường kia một vài bài; cũng không nên do trường này chọn một bộ sách, trường kia chọn bộ sách khác; hay các cháu có lệch môn trong tổ hợp… mà không cho học sinh chuyển trường. Làm vậy là đi ngược lại với tinh thần của chương trình mới”, Bộ trưởng nên rõ.

Đối với việc hoàn thiện báo cáo gửi đoàn giám sát của Quốc hội, Bộ trưởng lưu ý, thành phố Hà Nội cần nhấn mạnh hơn nữa, làm sâu thêm những điểm mới, những điểm cho thấy sự điều chỉnh về phương diện chuyên môn, lực lượng nhà giáo, tập huấn giáo viên… 

Phát biểu kết luận, bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội nhận định: Bước đầu có thể đánh giá Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, nghiêm túc, đầy đủ, toàn diện và khá kịp thời trong triển khai 2 Nghị quyết quan trọng của Quốc hội. Thành phố cũng đã quan tâm, dành nguồn lực lớn cho giáo dục và đào tạo nói chung, cho thực hiện chương trình mới nói riêng.

Bà Phạm Thị Thanh Mai cũng ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ, dù điều kiện thực hiện chưa bảo đảm đầy đủ, tối ưu nhất, một số trường còn thiếu trang thiết bị, một số lớp còn quá tải do di dân cơ học. Tuy vậy, thầy cô đã hết sức sáng tạo, cố gắng thực hiện tốt nhất trong điều kiện hiện có để đáp ứng yêu cầu bước đầu.

Trong thời gian tới, thành phố cần tiếp tục tăng cường truyền thông. Tiếp tục quan tâm rà soát mạng lưới cơ sở giáo dục, sắp xếp, bố trí hợp lý để đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi về việc có đủ trường lớp theo chuẩn. Sử dụng hiệu quả  nguồn kinh phí đã bố trí. Cùng với đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với khối quận huyện, các trường. Xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể, chi tiết để cân đối nguồn lực, giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.../.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN