Hà Nội - Quảng Ninh: Thúc đẩy hợp tác, phát triển chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực
(ĐCSVN) - Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị 2 tỉnh, thành phố cần tích cực hợp tác, trao đổi kinh nghiệm sâu hơn về các mô hình hay, cách làm mới trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phối hợp thật tốt để tổ chức thành công đại hội đảng các cấp…
- Hà Nội và Hà Nam tăng cường hợp tác, phát triển
- Đưa các nội dung hợp tác giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc đi vào thực chất
Sáng 10/8, tại tỉnh Quảng Ninh, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức hội nghị hợp tác, phát triển. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Xuân Ký, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Tỉnh ủy Quảng Ninh và lãnh đạo các sở, ban, ngành của hai tỉnh, thành phố.
Mở đầu hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc khẳng định, Quảng Ninh và Hà Nội nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, có mối quan hệ gắn bó mật thiết, thường xuyên hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực, góp phần cùng giải quyết các vấn đề chung và sự phát triển của Vùng và cả nước. Hội nghị hợp tác - phát triển hôm nay càng có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy mối quan hệ vốn đã gắn bó thân thiết, hợp tác có hiệu quả giữa hai địa phương thời gian qua và cũng thể hiện rõ tinh thần có tính chất truyền thống “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” trong nhiều năm qua.
Thay mặt lãnh đạo 2 địa phương báo cáo về kết quả hợp tác trong thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trong những năm qua, việc thực hiện các nội dung hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả vùng và của cả nước. Cụ thể, hai địa phương đã có một số hoạt động phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Ngoài ra các ban Đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và cấp uỷ, chính quyền các quận, huyện của hai địa phương có các hoạt động giao lưu chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng và tổ chức bộ máy.
Trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, hai địa phương phối hợp, cập nhật thông tin trong quá trình lập, triển khai thực hiện các quy hoạch của vùng, tiểu vùng trên cơ sở các Quy hoạch tổng thể Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ; triển khai các chương trình mục tiêu thực hiện kết nối và phát triển tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh trên cơ sở định hướng của Trung ương bảo đảm được mối liên kết trong ngành, lĩnh vực với toàn vùng và các tỉnh, thành phố liên quan. Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ chung của vùng, hai tỉnh, thành phố đã tham khảo và chia sẻ thông tin trong xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm.
Hai địa phương đã tích cực phối hợp, tham gia thúc đẩy phát triển các ngành du lịch, thương mại, nông nghiệp, giao thông vận tải theo các chương trình hợp tác, biên bản ghi nhớ chung với các tỉnh, thành phố trong vùng, hành lang kinh tế... Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái, cầu Bạch Đằng nối Hải Phòng với Hạ Long… đi vào hoạt động, kết nối tiếp với trục cao tốc Lào Cai - Hà Nội thành liên tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn đi vào hoạt động đã trở thành đòn bẩy kích thích sự tăng trưởng kinh tế bền vững cho tam giác kinh tế phía bắc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh cũng như cả nước.
Hà Nội đã trao tặng nhiều phần quà cho học sinh trường dân tộc nội trú tỉnh Quảng Ninh và tặng 10.000 chiếc ghế inox (trị giá 1,3 tỷ đồng) cho nhà văn hóa các xã khó khăn của tỉnh. Các đoàn thể chính trị xã hội hộ trợ nguồn lực giúp nhân dân tỉnh Quảng Ninh khắc phục hậu quả thiên tai.
Tại buổi làm việc, bên cạnh những kết quả trên, lãnh đạo 2 địa phương cũng cho rằng, kết quả đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về khoảng cách địa lý và thế mạnh của từng địa phương. Do đó, Hà Nội và Quảng Ninh cần nâng tầm quan hệ hợp tác toàn diện hơn và hiệu quả hơn nữa.
Trên cơ sở thảo luận, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh thống nhất cao và quyết tâm thúc đẩy hợp tác toàn diện trên 3 nội dung công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và 7 nhóm nội dung phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Cụ thể, trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, hai bên đẩy mạnh hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, nhất là trong triển khai các mô hình hay, cách làm mới trong xây dựng Đảng và Hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là trong lĩnh vực quản lý, vận hành hệ thống về xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao sức chiến đấu của các cấp ủy đảng; công tác dân vận, tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở.
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, hai địa phương phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện nhiệm vụ chung của toàn vùng. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo; tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.Hai bên tăng cường kết nối trong quản lý, bảo vệ môi trường sinh thái, liên kết trong khai thác và sử dụng tài nguyên than, khoáng sản giữa hai địa phương và vùng đồng bằng sông Hồng; Hợp tác thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chính sách khuyến khích đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến, bảo quản và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản; xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, liên kết sản xuất theo chuỗi trên thị trường.
Về công nghiệp, thương mại, hai bên phối hợp thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trong các lĩnh vực có lợi thế của mỗi địa phương. Tăng cường trao đổi thông tin trong công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu. Liên kết, phát triển mạng lưới logistics vùng kinh tế trọng điểm giữa thành phố Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng và gắn kết với trục cảng hàng không quốc tế Nội Bài - Vân Đồn - Cát Bi. Phối hợp xây dựng chương trình xúc tiến thương mại chung; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương...
Về văn hóa xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, hai bên đẩy mạnh liên kết trong đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho ba cực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh cũng như các tỉnh vùng đồng bằng Sông Hồng. Đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo, dạy nghề; trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Duy trì trao đổi thông tin và phối hợp thực hiện kịp thời các biện pháp phòng, chống có hiệu quả dịch bệnh nguy hiểm cho người và gia súc, gia cầm trên địa bàn của hai địa phương.
Về giao thông vận tải, Hà Nội và Quảng Ninh phối hợp đề xuất và xây dựng giải pháp phát triển các tuyến giao thông kết nối vùng kinh tế trọng điểm nói chung và giữa 2 tỉnh, thành phố nói riêng. Trong đó phối hợp đề xuất Trung ương sớm đầu tư xây dựng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Phối hợp triển khai xây dựng hoàn thành nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân...
Kết luận buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chúc mừng và bày tỏ ấn tượng với những bước phát triển toàn diện của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh, Quảng Ninh là một cực quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng - Quảng Ninh, thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác, duy trì mối quan hệ trao đổi, học tập kinh nghiệm và triển khai hợp tác trên nhiều lĩnh vực… Có thể khẳng định, được sự quan tâm chỉ đạo và tinh thần cầu thị của lãnh đạo hai tỉnh, thành phố, quan hệ hợp tác giữa Hà Nội và Quảng Ninh đã có những triển vọng rất tốt. Chúng ta đã quan tâm đến tiềm năng, thế mạnh của nhau, tạo điều kiện để phát huy, khai thác tiềm năng, thế mạnh đó. Kinh tế - xã hội của 2 thành phố đều đạt kết quả tích cực, phát triển mạnh mẽ với nhiều đột phá, tăng trưởng cao, bền vững; có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển; cải cách hành chính đều nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước (Quảng Ninh đứng thứ 1/63; Hà Nội đứng thứ 2/63)...
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị 2 tỉnh, thành phố cần tích cực hợp tác, trao đổi kinh nghiệm sâu hơn về các mô hình hay, cách làm mới trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phối hợp thật tốt để tổ chức thành công đại hội đảng các cấp. Trong quá trình chuẩn bị, hai bên cần tập trung phối hợp xây dựng văn kiện đại hội bảo đảm tính khả thi cao, thể hiện rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của mỗi địa phương trong vùng và cả nước khi xác định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ mới.
Bí thư Hoàng Trung Hải lưu ý hai bên tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và phát triển dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh hợp tác thực hiện một số dự án, đề án cụ thể về kinh tế xã hội; hợp tác hiệu quả hơn nữa trong phát triển du lịch giữa hai địa phương, phát huy thế mạnh các di sản gắn với du lịch về văn hoá, lịch sử; chia sẻ kinh nghiệm quản lý và liên thông các khu, cụm công nghiệp; phối hợp phát triển ngành logistics và xuất nhập khẩu hàng hoá nhằm phát huy lợi thế về quy mô và sự đang dạng trong sản xuất hàng hoá của Hà Nội với Cảng biển của Quảng Ninh...
Bí thư Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, với vai trò trung tâm và là động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, Hà Nội sẽ cùng với Quảng Ninh tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với nhau trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững của hai địa phương nói riêng và cả vùng và cả nước nói chung. Đặc biệt, trong đó tập trung đẩy mạnh hợp tác và hỗ trợ nhau hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm kỳ mà Đại hội XII của Đảng và Đại hội Đảng bộ hai địa phương đã đề ra.
Về các kiến nghị, đề xuất tại hội nghị, Bí thư Hoàng Trung Hải cho rằng hai tỉnh, thành phố giao hai Ban cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các sở, ngành tham mưu, giải quyết; xây dựng kế hoạch, xác định rõ lộ trình tổ chức thực hiện đảm bảo tính khả thi, đạt hiệu quả tốt nhất.
Nhân dịp này, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, Đoàn công tác thành phố Hà Nội đã trao tặng Quỹ đền ơn đáp nghĩa tỉnh Quảng Ninh 3 tỷ đồng.
Thăm và làm việc tại Quảng Ninh đúng dịp cả nước kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2019), Đoàn đại biểu Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ thành phố Hạ Long và dâng hương trước Tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu, Bí thư đầu tiên của Đặc khu ủy Khu mỏ Quảng Ninh./.