Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Nam: Cần xử lý nghiêm tình trạng cứ mùa gặt là quốc lộ thành "sân phơi"

Thứ Sáu, 01/07/2016 10:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đó là thực trạng “đến hẹn lại lên” xảy ra trên một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ thuộc địa bàn tỉnh Hà Nam vào mỗi dịp mùa màng.

 

Việc phơi thóc trên đường khiến lòng Quốc lộ 21 bị thu hẹp đáng kể, gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông trên đường.
(tại thôn 1, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý, Hà Nam tháng 6/2016).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng biến quốc lộ thành sân phơi xảy ra thường xuyên, nhất là đoạn Quốc lộ 21B, đoạn kéo từ thôn 1 xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý đến thị trấn Quế, huyện Kim Bảng (Hà Nam), bởi đoạn quốc lộ trên khá rộng và sạch sẽ nên là nơi lý tưởng cho việc phơi lúa mỗi khi vào vụ thu hoạch.

Những năm trước đây, khi máy gặt chưa phổ biến, ở cung đường trên còn thường xuyên xảy ra tình trạng phơi rơm rạ, thậm chí phơi cả các nông sản khác như: Ngô, đậu, lạc…Để bảo vệ cho lúa và các nông sản không bị các phương tiện đi vào, một số người dân đã không quản ngại đem nhiều “chướng ngại vật” như: Bao cát, khúc gỗ to, rồi dùng gạch, đá xếp thành hàng dọc tuyến đường để ngăn không cho các phương tiện giao thông đi vào khu vực “sân phơi” của mình. Việc làm trên đã khiến lòng Quốc lộ 21B bị thu hẹp đáng kể, đồng thời cản trở và gây nguy cơ xảy ra tai nạn cho các phương tiện tham gia giao thông trên đường.

Ông Nguyễn Văn X, trú tại thôn 1, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý, Hà Nam giải thích cho hành động phơi lúa trên đường của mình: “…Tôi chỉ phơi dăm bữa một tuần là xong, chứ có phơi quanh năm đâu mà sợ, làm gì tới mức gây nguy hiểm cho xe cộ. Hơn nữa, khi phơi, tôi cũng chỉ trải thóc rộng ra độ hơn 1m và luôn túc trực ở đây để đảo thóc. Nếu có ô tô chạy qua, tôi lại cầm cào vẫy vẫy ra hiệu cho họ giảm tốc độ nên không thể xảy ra tai nạn được”(?!).

Ngay bên cạnh bãi phơi thóc của nhà ông X. là “sân phơi” của bà Lê Thị H. ở cùng thôn 1, xã Phù Vân. Bà H. phân trần: Các anh bảo nhà chúng tôi ở mặt đường cả, mà trước cửa lại là vỉa hè, trong khi nhà cấy gần cả mẫu ruộng. Biết là gây ảnh hưởng giao thông nhưng cũng đành, vì không biết phơi lúa ở đâu được".

Đi thực tế trên đường, chúng tôi thấy, do làn đường dành cho xe máy (đoạn Quốc lộ 21B từ Phủ Lý lên thị trấn Quế đã phân làn) bị chiếm dụng hết làm chỗ phơi lúa, xe máy phải đi tràn ra làn của ô tô nên gây nên tình trạng mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Chưa kể, những xe máy vì tránh lúa của dân nên rất có thể bị lực lượng giao thông thổi phạt “oan” do đi xe không đúng làn đường qui định.

Chị Hoàng Thị Nga, nhà ở khu vực trên cho biết: Năm ngoái, đoạn trước của nhà chị (gần khách sạn Hoàng Gia) đã xảy ra tai nạn nghiêm trọng giữa một chiếc taxi và xe máy khiến 1 người chết và 2 người bị thương, mà nguyên nhân được xác định là do buổi nhá nhem chiều tối, chiếc taxi đi nhanh bất ngờ bẻ lái để tránh một người dân đang thu lúa ven đường, khiến xe lấn sang làn ngược chiều tông trực diện vào xe máy...


Việc phơi nông sản trên đường hiện nay đang uy hiếp trực tiếp đến an toàn giao thông
 (trên Quốc lộ 21B, đoạn qua xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam).

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Phạm Phú Thắng - Chủ tịch UBND xã Phù Vân xác nhận: Tình trạng phơi lúa trên đường Quốc lộ 21B, đoạn chạy qua địa phương là có. Việc này nhiều năm qua, địa phương đã có tuyên truyền, nhắc nhở người dân.  Hiện tình trạng phơi thóc trên Quốc lộ 21B xảy ra ít hơn nhiều so với một số năm trước. Đa số bà con thu hoạch lúa bằng máy gặt nên không còn tình trạng phơi rơm nữa.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn cung cấp chứng cứ khẳng định việc phơi lúa tràn lan, gây nguy hiểm cho các phương tiện, Chủ tịch xã Phù Vân nói rằng, sẽ xem lại, nếu đúng như vậy sẽ kiến nghị cấp trên có phương án xử lý nghiêm những người phơi lúa, cố tình gây mất an toàn cho giao thông nói chung.

Tìm hiểu mở rộng, chúng tôi được biết, tình trạng phơi lúa, phơi và đốt rơm rạ trên đường vào ngày mùa còn thường xuyên xảy ra dọc trục quốc lộ 21 kéo từ Phủ Lý xuống huyện Bình Lục, Hà Nam và Quốc lộ 21B, đoạn từ thị trấn Quế lên xã Đại Cương (đều thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). Còn đường tỉnh, tình trạng trên hay xảy ra dọc đường ĐT491 từ Phủ Lý xuống Lý Nhân, đường ĐT497 từ xã Tràng An đến xã Đồn Xá, thuộc huyện Bình Lục. Trên đường, cá biệt có những đống rơm chất cao từ 2 – 3m, nhiều đống rơm còn đang cháy dở, khói bốc nghi ngút, bụi bay mù mịt, không chỉ gây ô nhiễm môi trường, gây mất an toàn cháy nổ, mà khói rơm còn như tung hỏa mù, hạn chế tầm nhìn của người điều khiển phương tiện trên đường, đặc biệt nguy hiểm…

Riêng về góc độ mất an toàn cháy nổ, tại Hà Nam đã từng xảy ra vụ cháy ô tô liên quan đến rơm rạ. Cụ thể, sự việc xảy ra vào khoảng 15 giờ 50 phút ngày 19/6/2016, tại thôn Từ Đài, xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên (Hà Nam) khi 01 chiếc ô tô du lịch màu đen BKS: 30E – 11xxx sau khi dừng, đỗ ngay trên đống rơm của người dân đang phơi dưới lòng đường thì bốc cháy dữ dội. Chỉ sau ít phút, chiếc xe mới toanh chỉ còn trơ khung sắt.

Nguyên nhân dẫn đến việc chiếc xe bị bốc cháy được cơ quan chức năng xác định là do xe di chuyển nhiều giờ trước khi dừng nên động cơ còn nóng, cộng với việc  xung quanh xe lại có rất nhiều rơm, rạ khô do người dân phơi khiến cho số rơm cuốn vào gầm cọ xát, phát lửa và bùng cháy nhanh chóng.

Còn nhớ cách đây 1 - 2 năm, địa phương Hà Nam đã có chỉ đạo rốt ráo, xử lý nghiêm tình trạng phơi lúa, rơm rạ và nông sản trên đường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông. Kết quả là trật tự giao thông đã được củng cố một thời gian. Tuy nhiên, tình trạng phơi thóc, lúa hiện nay cho thấy hiện trạng nguy hiểm trên đang có dấu hiệu tái diễn trở lại, và nó sẽ rộ lên nếu như cơ quan chức năng không có động thái chấn chỉnh kịp thời.

Tại khoản 2, Điều 35 Luật Giao thông đường bộ, hành vi phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 12 Nghị định 46/2014/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cá nhân, tổ chức có hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ có thể bị phạt tiền từ 100.000 đến 400.000 đồng; bị buộc phải thu dọn các vật cản, thu dọn những vật liệu, đồ vật chiếm dụng mặt đường và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Trường hợp vi phạm mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 1, Điều 203 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt là phạt tiền từ 5 triệu đến 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Nếu vi phạm tại các đèo, dốc và đoạn đường nguy hiểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; đặc biệt nghiêm trọng thì khung hình phạt cao nhất đến 10 năm tù.

Thiết nghĩ, để chấm dứt tình trạng phơi lúa, rơm rạ gây nguy hiểm cho người và phương tiện trên đường, đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam sớm có biện pháp chấn chỉnh hành vi trên, bố trí các khu vực phơi nông sản cho người dân; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân nhận biết được hành vi của mình đang gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản của người khác; từ đó, góp phần nâng cao nhận thức về việc chấp hành Luật giao thông đường bộ nói chung trong nhân dân/.

 

Tuấn Nam

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN