Hà Giang tiếp tục kiên trì, bền bỉ giúp dân xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh
(ĐCSVN) - Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong các dân tộc tỉnh Hà Giang; thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp với tinh thần thường xuyên, liên tục, bền bỉ; tiếp tục quan tâm, phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, trưởng dòng họ, thầy cúng...
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Văn Nghị/BHG) |
33 tập thể và 55 cá nhân tiêu biểu trong thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang vừa được biểu dương tại Hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU và 2 năm thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU của Tỉnh ủy Hà Giang, diễn ra ngày 12/5.
Dự Hội nghị có các đồng chí: Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang; Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Vũ Mạnh Hà, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố, các Nghệ nhân dân gian. Về phía T.Ư có đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; đại diện các Ban xây dựng đảng Trung ương…
Các đại biểu dự Hội nghị. (Ảnh: Văn Nghị/BHG) |
Hội nghị là dịp để tỉnh Hà Giang nhìn nhận, đánh giá khách quan kết quả sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 01/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 và 2 năm thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Hội nghị cũng là dịp trao đổi những kinh nghiệm quý, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị, địa phương, của các tập thể, cá nhân điển hình; từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TU trong thời gian tới. Đây cũng là dịp Tỉnh ủy Hà Giang ghi nhận và biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình xuất sắc, qua đó tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, truyền cảm hứng trong thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh; qua đó góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị của địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh tặng Bằng khen của Tỉnh ủy cho các tập thể có thành tích xuất sắc. (Ảnh: Văn Nghị/BHG) |
Từng bước hình thành tư duy mới trong việc tổ chức lễ cưới, tang ma và lễ hội
Theo báo cáo tại Hội nghị, sau 01 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và 02 năm thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đạt được những kết quả quan trọng trong thực hiện xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang.
Với sự quan tâm vào cuộc tích cực, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, Nghị quyết số 27-NQ/TU đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến về nhận thức, từng bước hình thành tư duy mới trong cán bộ, đảng viên, nhân dân Hà Giang về việc tổ chức lễ cưới, tang ma và lễ hội theo hướng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời tiếp thu có chọn lọc văn hóa tiến bộ của nhân loại. Đồng thời, được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, thực hiện thông qua nhiều cách làm hay, sáng tạo và nhiều mô hình hiệu quả.
Đặc biệt, công tác phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên, liên tục; phát huy hiệu quả các hoạt động xã hội hóa, huy động nguồn lực, sức mạnh trong nhân dân để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững; kịp thời phát hiện, biểu dương những điển hình tốt, phê phán, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thào Hồng Sơn tặng Bằng khen của Tỉnh ủy cho các tập thể có thành tích xuất sắc. (Ảnh: Văn Nghị/BHG) |
Kết quả, trong việc cưới, hỏi, toàn tỉnh Hà Giang đã có 9.910 cặp đôi đăng ký kết hôn; các đám cưới thực hiện theo nếp sống văn minh với tinh thần vui tươi, tiết kiệm hơn so với trước. Hôn lễ được tổ chức trang trọng, phù hợp với thuần phong mĩ tục của từng dân tộc. Tỉnh cũng tuyên truyền vận động, can thiệp hoãn hôn lễ được 330 cặp; đến nay, việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đã giảm nhiều so với trước đây; đặc biệt, nhiều thôn bản đã xóa bỏ được hủ tục này.
Việc tổ chức tang lễ trong các dân tộc đã có sự chuyển biến khá rõ nét theo hướng đơn giản, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa của từng dân tộc, dòng họ và hoàn cảnh của gia đình; các hủ tục trong đám tang đã dần được loại bỏ; đa số các đám tang, thời gian tổ chức tang lễ không quá 48 giờ; việc cúng, giỗ đã được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ;...
Đến nay, các địa phương trong toàn tỉnh đã tổ chức được 247 các lễ hội. Nhìn chung các lễ hội được tổ chức đúng quy định, đảm bảo trang trọng, đúng nghi thức dân gian truyền thống, nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian được phục dựng tại lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia như: Lễ hội Gầu tào, Khèn Mông; thi bắn Nỏ, đánh Yến, Tung còn, Leo Cây, đi Cà kheo…đáp ứng đời sống văn hóa tinh thần cũng như nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Hội nghị nhận được nhiều ý kiến tham luận xoay quanh các nội dung như: nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh và Chỉ thị số 09-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy hiệu quả, bền vững thông qua việc ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên tuyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác dân tộc, chính sách dân tộc gắn với thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang; công tác phối hợp, triển khai các chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát đối với cấp uỷ, tổ chức đảng gắn với thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TU và Chỉ thị 09-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; phát huy vai trò già làng, người có uy tín trong cộng đồng về xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu...
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tặng Bằng khen của Tỉnh ủy cho các cá nhân có thành tích xuất sắc. (Ảnh: Văn Nghị/BHG) |
Thường xuyên, liên tục, bền bỉ xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương đánh giá cao kết quả trong công tác xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang. Đồng chí khẳng định, Hà Giang là tỉnh đi đầu trong xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu và đạt được những kết quả khá toàn diện, được Ban Dân vận Trung ương chọn làm nơi để các địa phương đến học tập, trao đổi kinh nghiệm làm theo. Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương mong muốn tỉnh Hà Giang tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng, nhiều hình thức khác nhau đến nhân dân, kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong việc tang ma, cưới hỏi, hôn nhân cận huyết thống để xây dựng nếp sống văn minh. Đồng thời, cần làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, bản sắc đặc trưng riêng của từng dân tộc; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện xóa bỏ hủ tục lạc hậu của cán bộ, đảng viên; có chế độ chính sách khuyến khích già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TU và Chỉ thị 09-CT/TU của tỉnh.
Kết luận hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh biểu dương các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt chúc mừng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang. Cùng với những kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ ra một số hạn chế trong việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh và yêu cầu các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp trên tinh thần: Thường xuyên, liên tục, bền bỉ, “lấy xây để chống”, “lấy cái đẹp - dẹp cái xấu"; tiếp tục quan tâm, phát huy tốt vai trò của người có uy tín, trưởng dòng họ, các thầy cúng.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng tặng Bằng khen của Tỉnh ủy cho các cá nhân có thành tích xuất sắc. (Ảnh: Văn Nghị/BHG) |
Theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đặc biệt là lấy mô hình tiêu biểu, tấm gương cụ thể để người dân học và làm theo; quan tâm giáo dục cho con em, thế hệ trẻ hiểu đâu là hủ tục cần xóa bỏ, đâu là bản sắc văn hóa cần giữ gìn phát huy. Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TU và Chỉ thị 09-CT/TU của tỉnh; sự phối đồng bộ giữa các cấp, các ngành gắn với thực hiện thường xuyên việc kiểm tra, giám sát, đặc biệt là ở cơ sở. Thường xuyên gắn thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc với nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị; đảm bảo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị.
Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, trong vận động xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộcphải kiên trì vận động, thuyết phục với phương châm “lấy xây để chống”, “lấy cái đẹp - dẹp cái xấu”, “để người dân trực tiếp nói cho người dân nghe” phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, trưởng dòng họ, thầy cúng...
Thường xuyên tổ chức cho cán bộ cơ sở, trưởng dòng họ, người có uy tín, thầy mo, thầy cúng… thăm quan các địa phương, các dòng họ nơi thực hiện tốt, có hiệu quả để học hỏi, phát huy, nhân rộng. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, động viên khen thưởng kịp thời những gương điển hình trong cộng đồng; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm hoặc có người nhà vi phạm để làm gương cho quần chúng noi theo.../.