Hà Giang phê duyệt Đề án thu phí tham quan Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn
(ĐCSVN) - Theo Đề án thu phí tham quan Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn vừa được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt, mức phí áp dụng đối với người lớn là 30 ngàn đồng/1 du khách/đêm và trẻ em là 15 ngàn đồng/1 du khách/đêm.
Sau 3 kỳ tái đánh giá của UNESCO, Hà Giang vẫn giữ vững danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, điều này khẳng định sự nỗ lực của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong thực hiện các cam kết UNESCO về bảo tồn và phát triển Công viên địa chất. |
Trước đó, UBND tỉnh Hà Giang đã giao nhiệm vụ cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện xây dựng Đề án thu phí vào Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. Trong quá trình xây dựng Đề án, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xin ý kiến các tổ chức, cá nhân, các chuyên gia đóng góp vào Đề án.
Ngày 31/10/2023, UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định số 2131/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án thu phí tham quan Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là một bước trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở xây dựng Nghị quyết trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.
Theo Đề án, Hà Giang sẽ thu phí tập trung một lần với hình thức thu phí trên đầu người lưu trú qua đêm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú ở 4 huyện Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc và Quản Bạ, không bao gồm phí tham quan tại các điểm hiện đang thu phí trên vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐC) gồm: Hang Lùng Khúy (huyện Quản Bạ); Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Cột cờ Lũng Cú (huyện Đồng Văn).
Với mức phí áp dụng cho mỗi đêm lưu trú đối với người lớn là 30 ngàn đồng và trẻ em là 15 ngàn đồng, ước tính năm 2024, lượng khách vào Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn có thể đạt gần 1,8 triệu khách, số tiền phí thu được vào khoảng 48 tỷ đồng. Số tiền này sau đó sẽ được trích lại một phần cho đơn vị tổ chức quản lý thu phí, các cơ sở kinh doanh lưu trú của 4 huyện vùng cao nguyên đá, phần còn lại sẽ được nộp vào ngân sách để phục vụ bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị của CVĐC.
Theo kinh nghiệm phát triển du lịch của nhiều quốc gia đi trước hoặc có mức phát triển tương đương và một số tỉnh trong nước, việc thu phí tham quan vào Công viên địa chất là cần thiết, đã được triển khai phổ biến ở nhiều nơi, góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn và phát triển các khu di sản UNESCO gắn với phát triển du lịch. Tuy nhiên mỗi điểm tham quan có cách làm khác nhau tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Nguồn kinh phí từ thu phí tham quan sẽ được sử dụng để quản lý, quảng bá, giáo dục, bảo tồn hệ thống di sản của Công viên địa chất; tái đầu tư cho hạ tầng, nâng cao chất lượng trải nghiệm điểm đến cho du khách.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, từ năm 2015 đến hết năm 2022, khoảng 65% du khách đến với Hà Giang đều lựa chọn thăm quan khu vực CVĐC. |
Đối với Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, việc triển khai Đề án thu phí tham quan nhằm góp phần hoạch định chiến lược phát triển du lịch trên vùng CVĐC, đồng thời đáp ứng khuyến nghị bắt buộc của Mạng lưới CVĐC toàn cầu trong kỳ tái thẩm định năm 2018, 2022 và chuẩn bị cho kỳ tái đánh giá lần thứ 4 vào năm 2026 và những năm tiếp theo.
Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn thành lập tháng 9/2009, được Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO chính thức công nhận là thành viên tháng 10/2010. CVĐC đã có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội, an sinh và an ninh, quốc phòng của tỉnh. Kể từ khi thành lập, tỉnh Hà Giang đã triển khai có hiệu quả công tác xây dựng và phát triển CVĐC, đặc biệt là bảo tồn di sản, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng, phát triển du lịch. Đến nay, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã xuất sắc vượt qua 3 kỳ tái đánh giá tư cách thành viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong định hướng cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội vùng cao nguyên đá, đặc biệt là kinh tế du lịch, tạo sinh kế cho người dân vươn lên giảm nghèo bền vững.
Công viên địa chất có địa hình rộng và tương đối phức tạp, tính đến hiện tại Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đang đưa vào khai thác và sử dụng 4 tuyến du lịch trải nghiệm với 59 điểm di sản. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, từ năm 2015 đến hết năm 2022, khoảng 65% du khách đến với Hà Giang đều lựa chọn thăm quan khu vực CVĐC. Trong giai đoạn 2010-2020, lượng khách và doanh thu du lịch trên vùng CVĐC tăng trung bình 15-20% mỗi năm, cao hơn mức trung bình toàn tỉnh (10% mỗi năm) và là động lực phát triển du lịch chính của tỉnh. Những năm gần đây, du lịch phát triển đã góp phần thay đổi rõ nét diện mạo kinh tế - xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tỷ lệ giảm nghèo 4 huyện vùng cao nguyên đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang luôn đạt trên 6%/năm, cao hơn 1-2% so với mức giảm nghèo bình quân chung của tỉnh./.