Hà Giang: Phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc
(ĐCSVN) - Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh cho biết, tỉnh Hà Giang xác định quan điểm đô thị hóa là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; phát triển đô thị phải bảo đảm kết hợp đồng bộ và hài hòa giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới, đảm bảo kiến trúc đô thị hiện đại, giàu bản sắc văn hóa truyền thống của 19 dân tộc anh em…
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh phát biểu tham luận tại Hội nghị trực tuyến tới các tỉnh, thành phố quán triệt và triển khai Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị ngày 18/5 (Ảnh: Báo Hà Giang) |
Đô thị hóa là động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững
Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho rằng, phát triển bền vững theo hướng đô thị xanh là xu hướng phát triển đặc biệt thích hợp với các đô thị trung bình và đô thị nhỏ có lợi thế về khí hậu, cảnh quan và địa hình tự nhiên phong phú, đa dạng ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Hà Giang.
Đó là các đô thị có lợi thế dễ dàng phát triển thành các đô thị du lịch sinh thái, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc, cho phép khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững, hạn chế xây dựng mà vẫn tạo nguồn lực phát triển đô thị, hạn chế việc khai thác tài nguyên theo kiểu làm gia tăng quỹ đất dành cho xây dựng dẫn đến bê tông hóa bộ mặt đô thị. Đô thị xanh thúc đẩy chuyển dịch mô hình kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả bền vững, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nâng cao năng lực chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu của hệ thống các đô thị.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh nêu rõ, tỉnh Hà Giang xác định quan điểm đô thị hóa là tất yếu khách quan, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong tương lai. Phát triển đô thị bền vững phải bảo đảm kết hợp đồng bộ và hài hòa giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới, đảm bảo kiến trúc đô thị hiện đại, giàu bản sắc; giữ gìn, phát huy các yếu tố văn hóa đặc trưng, truyền thống của 19 dân tộc anh em. Đồng chí khẳng định, phát triển đô thị tại Hà Giang sẽ phải gắn với định hướng, chiến lược của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; các quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch xây dựng đô thị.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TW, ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Nghị quyết 23/NQ-TU về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Hà Giang có 24 đô thị được công nhận gồm: 01 đô thị loại II (nâng loại thành phố Hà Giang từ đô thị loại III lên đô thị loại II); 03 đô thị loại IV (trong đó: Nâng loại thị trấn Vị Xuyên, thị trấn Yên Minh từ đô thị loại V lên đô thị loại IV); 20 đô thị loại V (trong đó thành lập mới 09 đô thị - trung tâm xã gồm: Quang Minh, Thanh Thủy, Việt Lâm, Mậu Duệ, Thông Nguyên, Nà Trì, Quyết Tiến, Xuân Giang, Tân Bắc).
Đến năm 2030, Hà Giang phấn đấu có 29 đô thị được công nhận gồm: 01 đô thị II; 01 đô thị loại III (nâng loại thị trấn Việt Quang từ đô thị loại IV lên đô thị loại III); 03 đô thị loại IV (trong đó nâng loại thị trấn Đồng Văn từ đô thị loại V lên đô thị loại IV), 24 đô thị loại V (trong đó thành lập mới 05 đô thị - trung tâm xã có tốc độ đô thị hóa cao gồm: Kim Ngọc, Bạch Đích, Minh Ngọc, Pả Vi, Đồng Yên). Phát triển, xây dựng các khu đô thị mới đồng bộ, kết cấu hạ tầng đặc trưng của miền núi...
TP Hà Giang nhìn từ trên cao (Ảnh: Kim Tiến) |
Phát triển đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc
Chia sẻ về một số nhiệm vụ, giải pháp để phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh khẳng định, tỉnh Hà Giang sẽ tập trung hoàn thành rà soát, điều chỉnh các định hướng chiến lược về quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị. Nhất quán quan điểm phát triển đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc từ khâu tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch; các quy hoạch phải đảm bảo hài hòa hiệu quả kinh tế - sinh thái, tôn trọng địa hình cảnh quan tự nhiên, thân thiện môi trường; đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ sinh thái trong đô thị với nhiều không gian cây xanh, mặt nước, vành đai xanh và đảm bảo các khu vực chức năng thỏa mãn các tiêu chí về chất lượng môi trường… Các cấp ủy đảng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia phát triển đô thị xanh thân thiện với môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường, thu hút các nhà tài trợ, các tổ chức, các nhà đầu tư tham gia xây dựng và phát triển công trình xanh, đô thị xanh.
Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển các đô thị ở Hà Giang mang tính đặc sắc riêng, phù hợp với giá trị sẵn có về cảnh quan tự nhiên núi rừng và các đặc trưng của từng khu vực, phù hợp với kiến trúc bản địa và phong tục, tập quán của từng địa phương. Bản sắc riêng có của các đô thị sẽ được định hướng và quy định trong các quy hoạch chung xây dựng đô thị và các quy hoạch chi tiết của các dự án, thiết kế công trình và quy chế quản lý kiến trúc đô thị, được công bố công khai để tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân nắm bắt, thực hiện. Bảo tồn, gìn giữ và phát huy những công trình kiến trúc đặc trưng như tường rào đá, nhà trình tường của người Mông, nhà sàn dân tộc Tày, những làng bản truyền thống, các công trình văn hóa, di tích lịch sử, tôn vinh văn hóa dân tộc, tiêu biểu là 04 huyện vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn với nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; phương án quy hoạch xây dựng phải luôn kết nối hài hòa giữa vùng lõi các đô thị với các vùng ven có địa hình, cảnh quan tự nhiên, các làng bản truyền thống, vừa tạo động lực, thúc đẩy các khu vực ven phát triển, vừa tạo bản sắc riêng cho các đô thị.
Về đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh cho biết, thực tế hiện nay hạ tầng các đô thị của Hà Giang đang còn nhiều yếu kém, chưa đồng bộ vì vậy các cấp ủy cần chỉ đạo tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm để xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng (hạ tầng xã hội và kỹ thuật) các đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, hướng tới tiêu chí đô thị xanh, đô thị văn minh. Sử dụng các yếu tố xanh, tự nhiên và nhân tạo phục vụ hạ tầng đô thị, kết hợp cải thiện về khí hậu và có thể làm giảm khối lượng thoát nước mặt, giảm hiện tượng ngập úng trong đô thị. Ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông, điện chiếu sáng, nâng cao tỷ lệ cây xanh trên người dân; ưu tiên ngầm hóa hệ thống điện, thông tin liên lạc; tăng cường công tác phân loại rác tại nguồn, thu gom, xử lý chất thải rắn hiện đại bảo vệ môi trường. Xây dựng, thúc đẩy tiến tới phát triển hạ tầng số đồng bộ tại các đô thị, tích hợp hệ thống đo lường, cảm biến, các hệ thống dữ liệu khai thác hiệu quả các nền tảng và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu tại đô thị, thông minh trong vận hành, khai thác và quản lý hệ thống hạ tầng đô thị.
Để nâng cao năng lực quản lý đô thị, các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, đảm bảo quy hoạch, phát triển đô thị có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi. Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về chủ trương của Đảng, Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới. Nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về trật tự, kỷ cương trong hoạt động xây dựng, tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện…
Tỉnh Hà Giang sẽ tập trung thu hút đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển đô thị; nghiên cứu, ban hành các chính sách huy động, tạo nguồn vốn để phát triển đô thị, đồng thời khuyến khích, động viên và tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh, để các đô thị của các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Hà Giang kiến nghị, đề xuất với Trung ương ưu tiên chỉ đạo hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch cho các tỉnh để triển khai rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch, phủ kín các quy hoạch phân khu, đô thị, đáp ứng nhu cầu công tác quản lý, đầu tư và phát triển đô thị bền vững. Sớm lập, phê duyệt quy hoạch vùng và quan tâm, dành nguồn lực đầu tư, điều tiết kinh phí từ phát triển quỹ đất để hỗ trợ cho các tỉnh miền núi để đầu tư các công trình hạ tầng kết nối vùng, hạ tầng đô thị đang thiếu đồng bộ, đặc biệt hệ thống giao thông đô thị, cấp, thoát nước, xử lý chất thải, nước thải; hạ tầng thông tin. Tạo điều kiện cho các tỉnh được tiếp cận, tham gia các chương trình, dự án của Trung ương về phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh…/.