Hà Giang: Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách
(ĐCSVN) - Nhiều ý kiến trao đổi, đề xuất hướng tới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã được các đại biểu đưa ra tại Tọa đàm với chủ đề: "Công tác truyền thông chính sách: Nhận thức - Hành động - Nguồn lực", diễn ra chiều 23/5.
Tọa đàm về công tác truyền thông chính sách lần đầu tiên được UBND tỉnh Hà Giang tổ chức theo hình thức trực tuyến ba cấp (tỉnh, huyện, xã) với trên 2.000 đại biểu được mời tham dự. (Ảnh: STTT tỉnh HG). |
Tọa đàm về công tác truyền thông chính sách (TTCS) lần đầu tiên được UBND tỉnh Hà Giang tổ chức theo hình thức trực tuyến ba cấp (tỉnh, huyện, xã) với trên 2.000 đại biểu được mời tham dự.
Các đồng chí: Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Thái Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì Tọa đàm.
Tham dự có đồng chí Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan báo chí trên địa bàn.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý khẳng định: Tọa đàm là dịp để các cấp, các ngành nhìn nhận, đánh giá và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn nhằm tạo chuyển biến mới về nhận thức, hành động trong nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTCS. Trên tinh thần thẳng thắn, thảo luận cởi mở sẽ phản ánh kết quả, thành công và những hạn chế, bất cập, tìm ra giải pháp khắc phục, đổi mới tư duy, cách làm để TTCS thực sự là nguồn lực cho sự phát triển.
Đ/c Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Sở TTTT tỉnh HG). |
Thời gian qua, công tác truyền thông chính sách đã được tỉnh Hà Giang quan tâm chỉ đạo và triển khai tích cực, tạo sự đồng thuận cao trong chấp hành, thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nhờ đó đã đạt một số kết quả nổi bật như: Hà Giang là một trong những tỉnh đi đầu triển khai đầu tư sử dụng hệ thống thông tin nguồn, được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao về kết quả triển khai hệ thống truyền thanh Internet. Với đặc thù của tỉnh hiện nay, tổ chức truyền thông chính sách trên các hệ thống truyền thanh cơ sở vẫn được ghi nhận là phương thức thông tin mang lại giá trị thiết thực, hiệu quả đối với người dân và chính quyền địa phương.
Các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã bám sát định hướng tuyên truyền, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của trung ương và địa phương. Hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh đã sử dụng khá hiệu quả các ứng dụng và sử dụng thiết bị công nghệ trong công tác truyền thông chính sách; 100% sở, ban, ngành, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có Trang TTĐT. Các cơ quan, đơn vị đã tiếp cận, sử dụng các ứng dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Youtube) để phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền các sự kiện lớn của tỉnh trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền và công tác truyền thông chính sách trong tình hình mới.
Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công Ngày hội Truyền thông Hà Giang năm 2023 tạo hiệu ứng tích cực về công tác truyền thông, quảng bá, lan toả hình ảnh của tỉnh trên môi trường số, tạo ra nhận thức và những cách tiếp cận mới về truyền thông số, là cơ sở quan trọng để tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố triển khai nhân rộng, định kỳ tổ chức hằng năm mô hình này trong thời gian tới.
Đ/c Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ kinh nghiệm TTCS trong giai đoạn hiện nay. (Ảnh: STTTT tỉnh HG). |
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, làm rõ một số vấn đề về TTCS, các điểm mới của Chỉ thị 07 ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác TTCS; kinh nghiệm TTCS trong giai đoạn hiện nay.
Tọa đàm cũng ghi nhận một số ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất của các đại biểu xoay quanh một số nội dung như: những đổi mới về nội dung, hình thức truyền thông chính sách nổi bật trong thời gian qua; việc đảm bảo nguồn lực cho công tác truyền thông chính sách; vấn đề nhân lực làm công tác TTCS để đảm bảo hoạt động này ngày càng chuyên nghiệp; công tác truyền thông chính sách đến người dân trên địa bàn xã;…
Lãnh đạo Đài PTTH tỉnh chia sẻ về công tác phối hợp và đổi mới nội dung hình thức truyền thông chính sách. (Ảnh: STTT tỉnh HG). |
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý khẳng định: Những trao đổi, thảo luận, tháo gỡ tại Tọa đàm đã giúp các ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh thấy rõ vai trò, vị trí của công tác truyền thông chính sách trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay; qua đó góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp trong triển khai nhiệm vụ, tạo niềm tin và sự đồng thuận, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi chính sách.
Nhấn mạnh công tác TTCS phải là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng và phải đặt lên vị trí ưu tiên hàng đầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành; tăng cường quản lý, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện truyền thông chính sách.
Cùng với đó, thực hiện tốt việc công khai thông tin; chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí; bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách đảm bảo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý giao Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp các ý kiến, tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục có những chỉ đạo cụ thể nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác TTCS trong thời gian tới./.