Hà Giang: Lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu phát triển thương hiệu cam
(ĐCSVN) - Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hà Giang chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu, mở rộng các kênh tiêu thụ bao gồm các thị trường truyền thống và các sàn giao dịch điện tử; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam Hà Giang trên nền tảng truyền thông số, trong đó lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu để bảo vệ, đánh giá và phát triển thương hiệu của cam Hà Giang.
Hà Giang xác định lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu để bảo vệ, đánh giá và phát triển thương hiệu của cam (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) |
Trên 77.800 tấn cam cho thu hoạch niên vụ 2021-2022
UBND tỉnh Hà Giang cho biết, niên vụ 2021-2022, toàn tỉnh có trên 7.760 ha cam cho thu hoạch với sản lượng khoảng 77.800 tấn, chủ yếu tập trung tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên.
Trong đó, diện tích cam Sành là 6.103,8 ha, cho thu hoạch khoảng trên 5.700 ha, năng suất bình quân đạt 102,6 tạ/ha. Sản lượng cam Sành theo tiêu chuẩn VietGAP ước đạt 45.700 tấn, chiếm 58,73% tổng sản lượng cam của tỉnh. Tổng diện tích cam Vàng là 2.055,5 ha, diện tích cho thu hoạch 1.726,8 ha, năng suất bình quân ước đạt 111,68 tạ/ha, sản lượng ước đạt 19.280 tấn.
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, từ trung tuần tháng 9 đến tháng 11 năm nay, khoảng 5 - 7 ha cam CS1, CT36 chín sớm sẽ cho thu hoạch với sản lượng trên 30 tấn. Từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau là thời điểm thu hoạch cam Vàng với sản lượng gần 20,8 nghìn tấn. Đối với cam Sành, dự kiến đạt sản lượng hơn 58,5 nghìn tấn, thời gian thu hoạch bắt đầu từ cuối tháng 12 năm nay đến trung tuần tháng 3 năm sau. Sau Tết Nguyên đán đến đầu tháng 5 năm sau, cam V2 cho thu hoạch khoảng 800 tấn. Những năm trước, phần lớn cam được tiêu thụ thông qua các thương lái thu mua tại vườn và phân phối tại các chợ đầu mối, các cơ sở bán lẻ trong và ngoài tỉnh (khoảng 70%); còn lại, cam được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị và thông qua các chương trình xúc tiến thương mại (khoảng 30%).
Lấy chất lượng làm tiêu chí phát triển hàng đầu
Dự báo tình hình tiêu thụ cam niên vụ 2021-2022, theo UBND tỉnh Hà Giang, sản lượng cam cho thu hoạch tương đối lớn, tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng đến các hoạt động xúc tiến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cam. Bên cạnh đó, thời điểm thu hoạch cam trùng với nhiều địa phương khác trong khu vực, dẫn đến sản phẩm cam Hà Giang phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại về giá bán và thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, sản phẩm cam chủ yếu tiêu thụ ở dạng quả tươi sử dụng trực tiếp, tỷ lệ thu mua phục vụ chế biến nhỏ; thời gian thu hoạch và bảo quản ngắn... nên dự báo năm nay sản phẩm cam sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ, giá bán có chiều hướng thấp hơn so với niên vụ 2020 - 2021 do sức mua giảm, thị trường bị thu hẹp.
Hội nghị tập huấn cho các doanh nghiệp, HTX của tỉnh Hà Giang đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (Ảnh: Văn Quân) |
Đồng chí Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, để ứng phó với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, các ngành chức năng trên địa bàn chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu, mở rộng các kênh tiêu thụ bao gồm các thị trường truyền thống và các sàn giao dịch điện tử; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam Hà Giang trên nền tảng truyền thông số, trong đó lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu để bảo vệ, đánh giá và phát triển thương hiệu của cam Hà Giang.
Để chủ động trong công tác tiêu thụ sản phẩm cam niên vụ 2021 - 2022, UBND tỉnh Hà Giang cũng đã phê duyệt các phương án tiêu thụ cam trong bối cảnh dịch COVID-19. Theo đó, trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc tổng thể của cả hệ thống chính trị, các tổ chức hội, đoàn thể chung tay hỗ trợ, giúp người dân từ công tác thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm cam với tổng sản lượng là 64.980 tấn, trong đó, tiêu thụ trong tỉnh khoảng 13.340 tấn, ngoài tỉnh khoảng 51.640 tấn cam. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các hộ trồng cam khi tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, bán hàng online, hệ thống siêu thị... ; chủ động kết nối với các đầu mối tiêu thụ các niên vụ trước và các sàn thương mại điện tử để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; ưu tiên phân bổ vắc xin tiêm phòng COVID-19 cho người dân thuộc các Hợp tác xã, hộ trồng cam; hỗ trợ kiểm tra xét nghiệm PCR cho thương nhân các tỉnh, thành phố đến thu mua cam...
Trước đó, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức các Hội nghị đánh giá và bàn giải pháp xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm cam niên vụ 2021-2022; tiêu thụ cam trên sàn giao dịch thương mại điện tử Voso và Postmart; tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp, HTX vận hành gian hàng trực tuyến trên sàn giao dịch thương mại điện tử.../.