Hà Giang đề xuất cách tính thôn đồng bào dân tộc khó khăn đặc thù
(ĐCSVN) - Xây dựng tiêu chí xác định thôn tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù và tháo gỡ khó khăn trong triển khai nội dung Tiểu dự án 1, Dự án 9 trên địa bàn, tỉnh Hà Giang đã, đang rất nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, đưa ra các giải pháp mới giúp đồng bào dân tộc sớm thoát nghèo.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%-5%/năm
Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của Trung ương, các dự án, đề án, sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và các cấp chính quyền trong tỉnh, nhất là nỗ lực cố gắng của chính người dân, chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã đạt được một số kết quả tích cực. Các chính sách và dự án giảm nghèo, an sinh xã hội được quan tâm bố trí ngân sách, tổ chức thực hiện đồng bộ, nhất là chính sách hỗ trợ trực tiếp đến người nghèo như hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ y tế, giáo dục, cứu đói... giúp người nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng, hưởng thụ tốt hơn các dịch vụ công và các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ở các xã miền núi, vùng cao, xã đặc biệt khó khăn được cải thiện rõ rệt, bước đầu đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống của đồng bào các dân tộc.
Sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn đã có bước chuyển biến tích cực theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ và sản xuất hàng hoá. Các chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất... đã tạo điều kiện trực tiếp cho các hộ đồng bào dân tộc nghèo có điều kiện thoát nghèo và ổn định cuộc sống, góp phần tích cực cho công tác xoá đói giảm nghèo.
Ông Triệu Trung Hiệp - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang báo cáo tại Hội thảo. |
Theo ông Triệu Trung Hiệp - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang, toàn tỉnh có 05 dân tộc có khó khăn đặc thù trên địa bàn với tổng số 1.880 hộ với 8.711 khẩu, phân bố tại 124 thôn, 60 xã của 9 huyện, gồm dân tộc: Bố Y có 61 hộ, Lô Lô có 309 hộ, Pà Thẻn có 796 hộ, Pu Péo có 187 hộ, Cờ Lao có 527 hộ.
Các dân tộc khó khăn đặc thù sinh sống tập trung từ 5 hộ trở lên với tổng số 1.765 hộ với 8.288 khẩu, phân bố tại 57 thôn, 32 xã của 9 huyện, dân tộc: Bố Y có 54 hộ (220 người); Lô Lô có 278 hộ (1.197 người); Pà Thẻn có 791 hộ (3.890 người); Pu Péo có 150 hộ (618 người); Cờ Lao có 492 hộ (2.363 người).
Tổng số hộ dân tộc có khó khăn đặc thù sinh sống trong thôn đạt tỷ lệ 15% trở lên so với tổng số hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn, có tổng số 1.564 hộ với 7.528 khẩu, phân bố tại 34 thôn, 23 xã của 8 huyện: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Quang Bình và Bắc Quang.
Với mục tiêu giai đoạn 2022 - 2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%-5%/năm trở lên, tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm 6%/năm trở lên. Phấn đấu đến năm 2025 có 2 huyện nghèo và 29 xã thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 2 lần so với năm 2020; trên 12.000 hộ nghèo, cận nghèo các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; ít nhất 60% hộ nghèo, cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% các hộ sinh sống ở huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn được tiếp cận thông tin. 100% các huyện nghèo, xã thuộc huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa, kết nối thị trường và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản.
Đề xuất thôn thuộc diện đầu tư là từ 5 hộ trở lên
Theo ông Triệu Trung Hiệp cho biết tính đến nay, toàn tỉnh có tổng số 1.880 hộ với 8.711 khẩu thuộc 05 dân tộc có khó khăn đặc thù, thuộc 124 thôn, 60 xã của 9 huyện, trong đó: thôn có từ 5 hộ trở lên là 57 thôn, với tổng 1.765 hộ; thôn có dưới 5 hộ là 67 thôn, với tổng 115 hộ.
Nếu quy định tỷ lệ % số hộ dân tộc có khó khăn đặc thù sinh sống ở một thôn, bản đảm bảo từ 15% trở lên, để xét địa bàn thụ hưởng hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng là chưa phù hợp. Bởi các hộ dân tộc thiểu số sinh sống không đồng đều, dẫn đến việc có thôn số lượng hộ dân tộc có khó khăn đặc thù rất ít nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ đạt 15%/tổng số hộ dân tộc thiểu số; Ngược lại, có thôn số hộ dân tộc khó khăn đặc thù nhiều nhưng tỷ lệ không đảm bảo 15%.
Ảnh: mattran.org.vn |
Ông Hiệp cho biết: “Tại thôn Tìa Súng, xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn có 8 hộ dân tộc có khó khăn đặc thù/ 35 hộ dân tộc thiểu số sinh sống trong thôn, đạt tỷ lệ 22,8% thuộc diện thôn được đầu tư, nhưng tại thôn Hòa Sơn, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên có 25 hộ dân tộc có khó khăn đặc thù/175 hộ dân tộc thiểu số sinh sống trong thôn, đạt tỷ lệ 14,2% lại không thuộc diện thôn được đầu tư.
Thế nên về tiêu chí xác định thôn thuộc diện đầu tư, tỉnh đề nghị Ủy ban Dân tộc tham mưu cho Chính phủ quy định theo tỷ lệ % bằng số lượng hộ dân tộc khó khăn đặc thù sinh sống trong một thôn, bản là từ 5 hộ trở lên nhằm đảm bảo sự công bằng của chính sách, tránh sự thắc mắc của người dân khi triển khai thực tế.
Ý kiến thảo luận của ông Hiệp được nêu ra tại Hội thảo “Xây dựng tiêu chí xác định thôn tập trung đông đồng bào Dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù và tháo gỡ khó khăn trong triển khai nội dung Tiểu dự án 1, Dự án 9". Ông Hiệp cũng đề nghị một số nội dung vướng mắc về Dự án 1, như giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thì Trung ương chưa ban hành văn bản quy định về định mức hỗ trợ cho hộ thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất (số tiền hỗ trợ/hộ). Đối với việc hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc tiểu dự án 2, của Dự án 3 tỉnh có đề nghị Trung ương quy định mức kinh phí; quy định số lượng hộ dân tối thiểu và tối đa tham gia/dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế tại Điểm a khoản 5 Điều 21 và Điểm a khoản 5 Điều 22 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP./.