Hà Giang: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
(ĐCSVN) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang yêu cầu quán triệt việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong những tháng còn lại của năm 2022, đảm bảo hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh chóng và hiệu quả 03 chương trình mục tiêu quốc gia, kiên quyết không để tình trạng có vốn mà không giải ngân được.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh chủ trì phiên thường kỳ tháng 9 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. (Ảnh: Duy Tuấn) |
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh vừa ký ban hành Chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và đầu năm 2023.
Ban Thường vụ Tỉnh Hà Giang yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các sở, ban, ngành, các ban quản lý dự án trên địa bàn tỉnh nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra để tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, đảm bảo hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra.
Trong đó cần quán triệt, xác định rõ việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành trong những tháng còn lại của năm 2022, đảm bảo hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh chóng và hiệu quả 03 chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững, xây dựng Nông thôn mới, kiên quyết không để tình trạng có vốn mà không giải ngân được. Người đứng đầu các tổ chức đảng, các địa phương, các sở, ban, ngành, các cơ quan liên quan phải đề cao trách nhiệm, quyết liệt, chủ động, tích cực, sâu sát, cụ thể, nắm chắc tình hình, nhận diện rõ các nguyên nhân chậm của từng dự án, tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường, chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập; phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án để trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc.
Tập trung chỉ đạo giải quyết công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư đảm bảo kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng theo quy định và ngay khi có khối lượng, chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định.
Khẩn trương thẩm định, phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án, đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện quy hoạch địa phương; chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi để giải ngân vốn của dự án ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2023. Thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Kiện toàn, thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong công tác quản lý đầu tư công.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh phân công lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách chỉ đạo sâu sát các Ban quản lý dự án chuyên ngành, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, nhất là 03 chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2021-2025 và các dự án ODA; chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tiến độ và tập trung điều hành tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Thủ trưởng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị có giải pháp để chỉ đạo sâu sát, thường xuyên, liên tục, hiệu quả về tiến độ thực hiện các chương trình, dự án do đơn vị, địa phương mình quản lý. Thành lập tổ công tác hoặc phân công lãnh đạo đơn vị trực tiếp phụ trách, chỉ đạo việc thực hiện, thường xuyên kiểm tra tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án; tổ chức giao ban định kỳ hằng tuần với các đơn vị liên quan về tình hình thực hiện dự án; kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan, nhất là người đứng đầu; kiên quyết chống các biểu hiện trì trệ, tiêu cực trong đầu tư công. Đưa công tác quản lý đầu tư công là một trong những tiêu chí đánh giá xếp loại hằng năm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền vi phạm các quy định về giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia…
Cũng theo Chỉ thị, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 02/12/2021, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022, trong thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch năm 2022, góp phần phục hồi, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo việc làm và nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên sau 10 tháng thực hiện, kết quả giải ngân vốn đầu tư công là rất thấp, mới đạt 32,59% kế hoạch. Kết quả giải ngân đã làm giảm hiệu quả vốn đầu tư, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngoài một số nguyên nhân khách quan do dịch bệnh, biến động giá nguyên, vật liệu tăng cao… chủ yếu do nhiều nguyên nhân chủ quan như: Một số cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa chủ động, thiếu quyết liệt, chưa có giải pháp thiết thực hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; các sở, ngành liên quan chưa phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong triển khai thực hiện kịp thời các nhiệm vụ, nhất là trong công tác giải quyết các thủ tục hành chính, tuyên truyền, vận động, bồi thường hỗ trợ tái định cư; năng lực và trách nhiệm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thi công còn nhiều hạn chế; công tác chuẩn bị đầu tư của dự án chất lượng chưa cao; chưa quyết liệt đôn đốc công tác hoàn thành quyết toán các dự án sớm đưa vào sử dụng./.