Hà Giang: Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông lâm nghiệp
(ĐCSVN) - Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới, địa hình chia cắt mạnh, tập quán canh tác của người dân còn nhiều lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, trình độ dân trí thấp… nên vấn đề cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh Hà Giang đã có hơn 24.000 máy các loại phục vụ cho sản xuất và chế biến các sản phẩm trong nông lâm nghiệp.
Một xưởng chế biến gỗ dán xuất khẩu tại huyện Quang Bình. Ảnh VP
Trong các loại máy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chủ yếu là các loại máy làm đất gồm khoảng 5.850 chiếc, được tập trung chủ yếu ở các huyện vùng thấp như Bắc Quang, Vị Xuyên, Bắc Mê, Quang Bình và thành phố Hà Giang. Đây là các huyện có cánh đồng rộng và tương đối bằng phẳng, trong đó có nhiều hộ đã đầu tư mua máy làm dịch vụ khâu làm đất cho các hộ khác trên cùng địa bàn. Riêng máy tuốt lúa toàn tỉnh có khoảng 8.650 chiếc, trong đó máy động cơ chạy dầu và động cơ điện là 4.550 chiếc được trang bị tập trung chủ yếu tại các huyện vùng thấp; các máy tuốt lúa đạp chân được trang bị chủ yếu tại các huyện vùng cao như Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Xín Mần và Hoàng Su Phì. Hiện nay một số huyện vùng thấp như Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình…đang đẩy mạnh đầu tư máy gặt đập liên hợp trong khâu thu hoạch lúa.Theo kết quả điều tra của các ngành chức năng, tổng số các loại máy chế biến nông lâm sản trên địa bàn toàn tỉnh tính đến cuối năm 2015 vào khoảng 9.750 chiếc, trong đó số máy say sát lương thực của các hộ và nhóm hộ là 5.150 chiếc. Số máy chế biến chè của toàn tỉnh khoảng 2.600 chiếc được trang bị tập trung tại các huyện trồng chè như Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì và Xín Mần. Số máy chế biến thức ăn gia súc (chủ yếu là máy thái cỏ) khoảng 2.500 chiếc chủ yếu tập trung tại các huyện vùng cao có điều kiện thuận lợi trong chăn nuôi đại gia súc như Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ. Số máy chế biến gỗ và các loại lâm sản khoảng 786 chiếc.
Từ thực tiễn cho thấy: Các loại máy được trang bị trong sản xuất nông lâm nghiệp đều mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực đối với người nông dân trong quá trình sản xuất và chế biến các sản phẩm từ nông lâm nghiệp nhằm phục vụ cho tiêu dùng và trao đổi trên thị trường. Nhờ đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần làm giảm chi phí đối với khâu làm đất bình quân từ 600 - 650 nghìn đồng/ha, khâu thu hoạch lúa giảm trung bình từ 750 - 800 nghìn đồng/ha. Ngoài ra, quá trình cơ giới hóa còn làm giảm tổn thất trong quá trình thu hoạch và giải phóng sức lao động cho người nông dân, góp phần đẩy mạnh quá trình thâm canh, tăng vụ và là tiền đề quan trọng trong quá trình Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn góp phần đẩy mạnh quá trình sản xuất hàng hoá tập trung, tạo tiền đề cho quá trình phát triển các ngành nông nghiệp mang tính đột phá của tỉnh như thu hoạch và chế biến chè, sản xuất các loại rau hoa cao cấp, thu mua và chế biến các loài cây dược liệu….
Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Hà Giang là tỉnh có trên 90 % dân số sống ở vùng nông thôn và trên 85 % số lao động sản xuất nông lâm nghiệp. Trong những năm qua, Hà Giang luôn có các biện pháp nhằm đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp với mục tiêu tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, từng bước xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá. Trong những năm qua, Hà Giang đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhằm khuyến khích các hộ vay vốn được hỗ trợ lãi xuất theo qui định để mua máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Từ kết quả bước đầu của quá trình cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có tổng số máy là 52.985 chiếc; tỷ lệ cơ giới hoá trong nông nghiệp đạt 40,5% (trồng trọt đạt 55%, chăn nuôi đạt 26%); trong đó, cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 65%.
Mục đích của cơ giới hóa là để từng bước hoàn thiện đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, giảm sức lao động cho người nông dân, làm cơ sở cho việc dồn điền đổi thửa, hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung.
Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang cũng có các chính sách khuyến khích các hộ và nhóm hộ gia đình tại các huyện vùng cao mở rộng và nâng cấp các cơ sở chế biến theo tiểu vùng nguyên liệu, nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hoá từ nông lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao trên thị trường./.