Hà Giang công bố sản phẩm du lịch mới "Hành trình đến với Tương lai xanh"
(ĐCSVN) - Sản phẩm du lịch mới vừa được UBND tỉnh Hà Giang công bố ngày 23/4 là tuyến du lịch số 4 mang tên "Hành trình đến với Tương lai xanh" gồm 14 điểm, các cụm di sản địa chất, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng; các loại hình di sản đặc sắc trải dài các huyện Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc.
Tuyến du lịch số 4 gồm 14 điểm, các cụm di sản địa chất, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng; các loại hình di sản đặc sắc trải dài các huyện Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. |
Trong khuôn khổ Festival Khèn Mông và Lễ hội văn hóa ẩm thực ba miền Bắc - Trung - Nam tỉnh Hà Giang năm 2023 từ ngày 21/4-23/4, UBND tỉnh Hà Giang vừa công bố sản phẩm du lịch tuyến số 4 mang tên "Hành trình đến với tương lai xanh".
Theo đó, các điểm di sản trên tuyến số 4 gồm 14 điểm, các cụm di sản địa chất, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng, các loại hình di sản đặc sắc nằm trên các huyện Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc gồm: điểm di sản Thiết giao long phá thạch; Làng nghề Dzao Sủng Máng; người Hoa Lũng Phìn; Điểm dừng chân nhà hàng Trung Kiên; Cua chữ M; Nơi dòng sông ra đời - Hang Nà Luông; Rừng chè shan tuyết cổ thụ Ngam La; Trạm thông tin du khách; Đồn Pháp Đường Thượng; Điểm dừng chân cảnh Lũng Hồ; Điểm dừng chân toàn cảnh hẻm vực Nậm Lang; HTX dệt người Tày làng văn hóa du lịch Cốc Pảng; Điểm dừng chân Thác núi Ba Tiên; Điểm dừng chân khu bảo tồn Vọoc Mũi hếch rừng Khau Ca - Cổng chào Du Già.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: Xây dựng sản phẩm tuyến số 4 với chủ đề "Hành trình đến với tương lai xanh" là sản phẩm khác biệt trên vùng Công viên địa chất với nhiều di sản, đa dạng sinh học vườn quốc gia, sông suối, hệ thống hang động... Du khách được tận hưởng phong cảnh hùng vĩ với giá trị văn hóa, ẩm thực, địa chất và lịch sử, giàu bản sắc; được cảm nhận và nhiều trải nghiệm giữa thiên nhiên đại ngàn... Đây sẽ là sản phẩm du lịch tạo sự hoàn chỉnh với 3 tuyến trước đó và định vị là sản phẩm phù hợp với Quy hoạch đưa huyện Yên Minh thành trung tâm nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái xanh.
Hiện nay trên tuyến đã triển khai một số công trình như: Khu nghỉ dưỡng cao cấp (như P’apiu 2), các khu làng văn hóa ven rừng, ven suối với các sản phẩm như tắm/trekking suối, đi bộ trong rừng quốc gia thưởng thức ẩm thực dân tộc Tày, Dao...
Với chủ trương “Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa”, thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã tăng cường công tác trùng tu, tu bổ và tôn tạo các công trình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo tồn và phục dựng trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Đặc biệt nhiều chương trình khảo sát các tour-tuyến, sản phẩm du lịch mới đã được Hà Giang triển khai với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch, các Hiệp hội, Câu lạc bộ du lịch trong và ngoài nước. Tại sự kiện lần này, tỉnh Hà Giang cũng tiến hành lấy ý kiến từ các đơn vị du lịch, lữ hành tham gia khảo sát tuyến du lịch mới (tuyến số 4) cũng như mức phí dự kiến được tỉnh đưa ra đối với du khách tham gia trải nghiệm.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, các sản phẩm du lịch của Hà Giang được khai thác quanh năm, khắc phục hoàn toàn tính mùa vụ. |
Đến với Hà Giang, du khách còn có thêm nhiều sự lựa chọn hấp dẫn với nhiều sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng như: Du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch thể thao, mạo hiểm; thương mại, biên giới và các sản phẩm du lịch bổ trợ khác (sản phẩm hàng hóa, đồ lưu niệm). Đặc biệt, Hà Giang còn có kho tàng văn hóa ẩm thực phong phú và hấp dẫn. Nhiều món ăn được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam vinh danh vào top 100 món ăn đặc sản và quà tặng Việt Nam gồm: Cháo Ấu tẩu, Mèn mén, thắng cố, thịt treo gác bếp; Mật ong Bạc hà, chè Shan tuyết, bánh Tam giác mạch, Hồng không hạt Quản Bạ.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, các sản phẩm du lịch của Hà Giang được khai thác quanh năm, khắc phục hoàn toàn tính mùa vụ, trải đều với ba không gian du lịch Đông Bắc, Tây Nam và khu trung tâm của tỉnh. Trong đó sản phẩm chủ đạo xuyên suốt 12 tháng trong năm dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống của 19 dân tộc gắn với các làng văn hoá du lịch cộng đồng, vẻ đẹp kỳ vĩ, cảnh quan thiên nhiên....tạo nên một Hà Giang hấp dẫn nơi điểm hẹn cực Bắc Tổ quốc.
Từ những nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp, du lịch Hà Giang đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, khách du lịch đến Hà Giang trong giai đoạn 2020 - 2022 tăng bình quân 39%/năm. Trong năm 2022, Hà Giang đón khoảng 2.268.000 lượt khách (đạt 147% kế hoạch năm), trong đó khách quốc tế đạt 71.000 lượt, doanh thu du lịch ước đạt 4.306 tỷ đồng. Quý I/2023, Hà Giang đón 706.000 lượt du khách (tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó 51.111 lượt khách quốc tế, khách nội địa là 654.889 lượt người, doanh thu du lịch đạt 1.659,1 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2023 sẽ đạt 3 triệu lượt khách du lịch đến với Hà Giang.
Hà Giang cũng nhiều lần nằm trong danh sách những điểm đến lý tưởng được các tạp chí du lịch uy tín trên thế giới bình chọn như: top 10 điểm đến của Việt Nam có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, giàu truyền thống văn hóa, an toàn trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 do Hãng truyền thông quốc tế CNN bình chọn quý I/2021. Tờ New York Times xếp Hà Giang vào top 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2023. Tờ báo chuyên du lịch Canada The Travel bình trọn Hà Giang là một trong 10 điểm đến đẹp nhất Việt Nam.
Vừa qua, Hà Giang vinh dự được đề cử Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á 2023 của giải thưởng Du lịch Thế giới - World Travel Awards lần thứ 30 khu vực Châu Á và Châu Đại Dương. Trong năm 2022, khu nghỉ dưỡng Hmông Village được vinh danh khách sạn xanh ASEAN; Tháng 01/2023, làng VHDL thôn Nặm Đăm được nhận giải thưởng ASEAN về lĩnh vực du lịch cộng đồng./.