Hà Giang: 193 sản phẩm được phân hạng và đạt sao OCOP
(ĐCSVN) - Đến nay, toàn tỉnh Hà Giang có 193 sản phẩm được phân hạng và công nhận đạt sao OCOP; có 41 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận với tổng số 2.344 hộ tham gia, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 4.000 lao động khu vực nông thôn; có 9/11 huyện, thành phố phê duyệt, thực hiện 26 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn 21 xã.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Kim Tiến/Báo Hà Giang) |
Ngày 9/9, đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang chủ trì buổi làm việc với Đảng ủy và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh, nắm bắt kết quả thực hiện nhiệm vụ 8 tháng đầu năm, nhiệm vụ các tháng cuối năm 2021. Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo một số sở, ngành.
Báo cáo tại buổi làm việc, 8 tháng đầu năm, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang đạt nhiều kết quả nổi bật như: tham mưu giúp BCH Đảng bộ tỉnh một số nghị quyết quan trọng để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; sản xuất nông nghiệp vụ Đông - Xuân năm 2020 – 2021 đạt kết quả tích cực; sản lượng lúa tăng trên 807 tấn; sản lượng ngô vụ Đông - Xuân tăng 302 tấn so với cùng vụ năm 2020. Các cây trồng vụ Mùa năm 2021 sinh trưởng, phát triển tốt, dự báo tiếp tục được mùa. Tỉnh xếp thứ 12/63 tỉnh, thành cả nước về triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm nông - lâm - thủy sản năm 2020. Đến nay, toàn tỉnh có 193 sản phẩm được phân hạng và công nhận đạt sao OCOP; có 41 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận với tổng số 2.344 hộ tham gia, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 4.000 lao động khu vực nông thôn; có 9/11 huyện, thành phố phê duyệt, thực hiện 26 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn 21 xã....
Bên cạnh những kết quả đạt được, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 23 đợt thiên tai, gây thiệt hại về người, tài sản Nhà nước và nhân dân; tổng thiệt hại gần 45 tỷ đồng; giá vật tư đầu vào sản xuất tăng từ 20 – 40%, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và thu nhập của người dân; dịch COVID-19 khiến các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh tiêu thụ khó khăn và giá bán giảm so với năm 2020;...
Tại buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành đề xuất nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp, như: Đánh giá lại công tác sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị để hướng vào khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tránh đầu tư dàn trải; quan tâm đến vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông sản; tập trung vào các sản phẩm OCOP đặc trưng để đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử; tính toán để chương trình cải tạo vườn tạp đi vào thực chất; chủ động triển khai thực hiện chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp; chủ động hợp tác với chuyên gia để hoạch định chiến lược cho từng lĩnh vực của ngành; có giải pháp hiệu quả để hoàn thành các chỉ tiêu năm 2021; đẩy mạnh tuyên truyền tới đội ngũ cán bộ trong ngành về các nghị quyết, khâu đột phá theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh đánh giá cao những kết quả đạt được trong 8 tháng đầu năm của Sở NN&PTNT. Đồng chí thẳng thắn chỉ rõ: Công tác quản lý Nhà nước trong ngành còn buông lỏng, xem nhẹ, chưa sâu sát, chưa phối hợp tốt trong thực hiện nhiệm vụ… Ngành Nông nghiệp gồm nhiều lĩnh vực, có sự ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân; do đó, Sở NN&PTNT cần đặc biệt quan tâm đến công tác tổ chức bộ máy cán bộ; xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giỏi chuyên môn nghiệp vụ và có đạo đức tốt; xem xét, luân chuyển, điều động những cán bộ ở vị trí nhạy cảm; quan tâm đến điều kiện làm việc của các phòng, đơn vị trực thuộc.
Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm vụ hàng đầu của tỉnh hiện nay là thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; do đó, Sở NN& PTNT cần chỉ đạo trong toàn ngành thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; có giải pháp quyết liệt khống chế, xử lý dứt điểm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; đề xuất giải pháp tiêu thụ cam, nhất là việc đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử; nghiên cứu các quy định về lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao chất lượng tham mưu; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm. Tham mưu và thực hiện hiệu quả nghị quyết Đảng bộ tỉnh; bám nắm tình hình thực tế tại địa phương để xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi; xây dựng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm đặc trưng hàng hóa cho từng sản phẩm gắn với cải tạo vườn tạp; xây dựng kế hoạch, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, giá trị kinh tế cao; giúp người dân nâng cao tiêu chí thu nhập.../.