Góp phần thực hiện mục tiêu Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
(ĐCSVN) - Tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2025, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Để thực hiện mục tiêu này, thông qua nguồn lực của Trung ương và địa phương, tỉnh tập trung đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiến kịp với vùng đồng bằng và đô thị trong tỉnh.
Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình), ngày 18/8/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình. Chương trình được thực hiện trên phạm vi địa bàn 24 xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN, xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng DTTS&MN; trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư cho địa bàn 12 xã và 05 thôn đặc biệt khó khăn của xã thuộc vùng DTTS&MN. Trong giai đoạn 2021-2025, tổng ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh là 884.333 triệu đồng, kinh phí đối ứng của địa phương là 132.649 triệu đồng.
Để làm rõ hơn tác động của Chương trình đến quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu: “Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”; “Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á”, phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã phỏng vấn đồng chí Lê Xuân Hải, Phó Trưởng Ban Dân tộc, Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Một góc thành phố Huế. ẢNh: TL |
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ vọng như thế nào về Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN và tác động của Chương trình đến việc phấn đấu đến năm 2025 tỉnh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương?
Đồng chí Lê Xuân Hải: Như các đồng chí đã biết, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi đang cố gắng đưa vùng đồng bào DTTS&MN tiến kịp với vùng đồng bằng và đô thị trong tỉnh.
Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 cùng với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là những cơ hội lớn giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại 24 xã phát triển, góp phần đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, tỉnh Thừa Thiên Huế có đầy đủ 10 dự án, 14 tiểu dự án và 26 nội dung thành phần. Các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần đã bao quát toàn bộ đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng DTTS&MN. Những chính sách này rất quan trọng, giúp cho vùng đồng bào DTTS&MN phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.
Đặc biệt là nguồn lực bố trí cho Chương trình rất lớn. Năm 2022, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương bố trí cho tỉnh là 95 tỷ đồng, vốn sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương là gần 36 tỷ đồng. Mặc dù vốn phân bổ hơi muộn nhưng Ban Dân tộc đã tích cực phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt, cố gắng giải ngân với tỷ lệ cao nhất, làm tiền đề triển khai Chương trình trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Đồng chí Lê Xuân Hải trao đổi với phóng viên. |
Phóng viên: Việc giao vốn muộn gây khó khăn trong việc triển khai Chương trình ở các địa phương. Ngoài vấn đề này ra, tỉnh còn gặp thêm vướng mắc gì khác không, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Xuân Hải: Quá trình triển khai Chương trình, chúng tôi gặp khá nhiều vướng mắc và đã có những kiến nghị. Rất mừng là Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 343/TB-VPCP ngày 01/11/2022 thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tại cuộc họp với các bộ, ngành để xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình. Hiện chúng tôi đang đợi thêm một số cơ chế của Trung ương về định mức hỗ trợ để thực hiện các dự án.
Về phía địa phương, Ban Dân tộc và các sở, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ bản đầy đủ các văn bản để tổ chức thực hiện Chương trình. Chúng tôi nghĩ rằng, khó khăn lớn nhất là khả năng tổ chức thực hiện ở cấp cơ sở vì thực ra ở cấp xã, chúng tôi đã từng triển khai các dự án đầu tư, nhưng năng lực của một bộ phận cán bộ xã chưa đáp ứng. Trong khi Chương trình phân cấp rất mạnh về địa phương và nguồn lực lại khá lớn. Chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp với các sở, ban, ngành hướng dẫn địa phương thực hiện tốt để Chương trình phát huy hiệu quả ở vùng DTTS&MN.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn!
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo UBND các huyện, xã được giao dự án, công trình cam kết giải ngân theo từng tháng từ nay đến cuối năm 2022 và trong cả quá trình thực hiện. Đối với địa bàn vùng núi khó khăn thuộc 2 huyện Nam Đông, A Lưới có nhiều dự án cùng triển khai đồng thời, tổ công tác của tỉnh thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra; tổ chức giao ban 15 ngày/lần để nắm tiến độ, tháo gỡ vướng mắc và đốc thúc công việc. |