Góp phần tạo việc làm tại chỗ cho hơn 320.000 lao động địa phương
(ĐCSVN) - 5 năm qua, hưởng ứng phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", toàn tỉnh Gia Lai đã có hơn 64.000 hộ, hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo việc làm tại chỗ cho hơn 320.000 lao động.
Là đại diện duy nhất của tỉnh Gia Lai được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017-2022 vào tháng 9/2022 vừa qua, chị Nguyễn Thị Thảo (tổ 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) được biết đến với mô hình trồng và chế biến cà phê sạch với hơn 3ha cà phê, năng suất đạt 55-60 tấn quả tươi/năm áp dụng phương pháp canh tác theo chu trình 4C.
Không chỉ trồng cà phê giỏi, cơ sở của chị Thảo còn chế biến, sản xuất ra sản phẩm cà phê đặc trưng của địa phương mang tên Cà phê Thảo Hiên. Từ sản phẩm cà phê nguyên chất ban đầu, hiện, chị Thảo còn tìm tòi để cho ra đời thêm 5 dòng sản phẩm gồm: cà phê bột cao cấp Honey, cà phê hạt pha máy Espresso, cà phê bột rang xay phin đậm, cà phê Mộc đặc biệt và cà phê túi lọc (phin giấy).
Gian trưng bày ác đặc sản, sản phẩm OCOP của hội viên nông dân Gia Lai sản xuất kinh doanh giỏi |
"Giá trị của 5 dòng sản phẩm này tăng 25-30% so với cà phê truyền thống. Mỗi năm, cơ sở của chúng tôi bán ra thị trường từ 16-20 tấn cà phê bột và khoảng 5-6 tấn hạt điều rang muối, tổng doanh thu đạt 4-5 tỷ đồng", chị Thảo cho biết.
Không chỉ làm giàu cho riêng mình, cơ sở Cà phê Thảo Hiên còn góp phần giải quyết việc làm cho 8 lao động thường xuyên và 16-20 lao động mỗi vụ thu hoạch. Hộ chị Nguyễn Thị Thảo chỉ là một trong số 297 hộ điển hình của tỉnh Gia Lai đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương.
Nói về phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", ông Võ Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Gia Lai đánh giá, phong trào đã phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
"Phong trào đã tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa tổ chức Hội với bà con nông dân, góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. 5 năm qua, các cấp Hội đã kết nạp mới 31.392 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên gần 180.000 người. Tỷ lệ cơ sở Hội vững mạnh và khá cuối năm 2021 đạt 94,12%", Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thông tin.
Cùng với đó, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã tác động mạnh mẽ đến việc hình thành và phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đóng góp tích cực vào chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai. |
Theo thống kê, giai đoạn 2017-2022, đã có thêm nhiều nông dân điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Toàn tỉnh Gia Lai đã có hơn 64.000 hộ, hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo việc làm tại chỗ cho hơn 320.000 lao động. Các cấp Hội còn trực tiếp và phối hợp với ngành chức năng vận động, hướng dẫn thành lập 202 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số hợp tác xã toàn tỉnh lên 334; thành lập mới và duy trì 468 tổ hợp tác; xây dựng và duy trì 553 chi hội, tổ hội nghề nghiệp; quản lý 779 nhóm chung sở thích.
Đáng mừng là phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" có sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực, từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đến kinh doanh tổng hợp, dịch vụ... Số lượng nông dân tự nguyện đăng ký và số lượng hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đều tăng qua các năm.
Nếu như năm 2017 có 87.835 hộ đăng ký và có 59.969 hộ đạt chiếm 35,94% thì đến năm 2021 có 106.715 hộ đăng ký và có 64.053 hộ đạt danh hiệu, chiếm 38,09% so với tổng số hộ hội viên, cao hơn năm 2017 là 4.084 hộ. Trong đó, hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương là 297 hộ, chiếm 0,47%, cấp tỉnh là 3.575 hộ, chiếm 5,69% và cấp huyện là 16.812 hộ, chiếm 26,74%. Nhiều địa phương đăng ký và đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cao như: huyện Chư Păh, Đăk Đoa, Chư Prông...
Cũng theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Gia Lai, thời gian tới, phấn đấu hằng năm có từ 60% số hộ hội viên nông dân trở lên đăng ký đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp và 50% trở lên trong số đó đạt danh hiệu này. Để đạt được mục tiêu đề ra, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức cơ sở Hội bám sát địa bàn, nắm chắc nhu cầu, nguyện vọng của hội viên từ đó có những giải pháp đồng hành cùng hội viên để phong trào tiếp tục phát triển về chất./.