Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Góp phần để Việt Nam trở thành trung tâm chế biến gỗ lớn của khu vực và thế giới

Thứ Sáu, 25/11/2022 16:54 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Tập trung phát triển lâm nghiệp bền vững theo hướng đa mục tiêu: kinh tế, xã hội và môi trường, là khâu đột phá trong cơ cấu lại nông nghiệp và kinh tế nông thôn, vì mục tiêu để vùng dân tộc thiểu số và miền núi góp phần quan trọng nhất thúc đẩy Việt Nam trở thành một trong các trung tâm chế biến gỗ lớn của khu vực và thế giới.

Đảm bảo cho người dân có thu nhập ổn định từ bảo vệ và phát triển rừng, bảo đảm sinh kế bền vững là một trong những định hướng của Quốc hội và Chính phủ đối với kinh tế lâm nghiệp.

Quan điểm định hướng của Quốc hội và Chính phủ về kinh tế lâm nghiệp

Tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030, Quốc hội định hướng mục tiêu đến năm 2030: “phấn đấu có 80% số hộ nông dân người dân tộc thiểu số làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa”.

Trong Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, Quốc hội giao Chính phủ tập trung nguồn lực đầu tư để giải quyết các vấn đề bức thiết của vùng đồng bào DTTS&MN. Một trong những ưu tiên đó là: “phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, đảm bảo cho người dân có thu nhập ổn định từ bảo vệ và phát triển rừng, bảo đảm sinh kế bền vững”.

Cụ thể hóa nhiệm vụ được Quốc hội giao, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình).

Trong Chương trình có Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Tại Dự án 3 có Tiểu dự án 1: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.

Mục tiêu của Tiểu dự án 1 là: “Tạo việc làm, thu nhập cho người dân làm nghề rừng; hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng bền vững tại vùng đồng bào DTTS&MN, góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”.

Tiềm năng kinh tế lâm nghiệp vùng DTTS&MN

Theo công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hiện trạng rừng toàn quốc năm 2021, Việt Nam có diện tích đất có rừng bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán là hơn 14,7 triệu ha. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên trên 10,1 triệu ha; diện tích rừng trồng trên 4,5 triệu ha; diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ toàn quốc trên 13,9 triệu ha; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%.

Đồ gỗ và các loại lâm sản xuất khẩu là mũi nhọn phát triển kinh tế của các tỉnh vùng
dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhiều năm gần đây, lâm nghiệp luôn dẫn đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thặng dư thương mại. Năm 2021, giá trị xuất khẩu lâm sản chiếm trên 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng nông, lâm, thủy sản và là một trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỉ USD trong năm 2021.

Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ và các loại lâm sản của nước ta đạt tới 15,87 tỉ USD, vượt 20% kế hoạch đề ra và tăng 20% so với năm 2020. Mức xuất siêu là 12,94 tỉ USD (tăng 21,2% so với năm 2020), đưa Việt Nam đứng đầu khối ASEAN, đứng thứ hai châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản.

Vùng DTTS&MN chiếm gần ¾ diện tích tự nhiên của cả nước, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái; có nhiều tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp. Khoảng 96% diện tích rừng của Việt Nam tập trung ở vùng DTTS&MN.

Theo một phân tích của Ủy ban Dân tộc từ cơ cấu kinh tế của 45/51 tỉnh vùng DTTS&MN cho thấy, nông, lâm nghiệp vẫn là thế mạnh. Tỷ trọng lao động có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp lên tới 72,3%, cao gần gấp đôi so với bình quân chung của cả nước. Ở 20/53 dân tộc thiểu số (Brâu, Mông, Gia Rai, Ê-đê, Ba Na, Xơ Đăng, M’nông, Khơ Mú, Xinh Mun, La Ha, La Hủ, Mảng, Rơ Măm) chỉ tiêu này cao trên 95%.

Những con số này cho thấy, nông - lâm nghiệp vẫn sẽ là mũi nhọn phát triển kinh tế của các tỉnh vùng DTTS&MN trong một thời gian dài nữa và sinh kế của người dân cũng chủ yếu là từ sản xuất nông, lâm nghiệp.

Phát triển lâm nghiệp bền vững theo hướng đa mục tiêu

Nhằm xây dựng lâm nghiệp thực sự thành ngành kinh tế - kỹ thuật góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, ổn định xã hội, trật tự an ninh, quốc phòng, Chính phủ xác định giai đoạn 2021-2025, tiếp tục tổ chức triển khai Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.

Ngày 12/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025. Chương trình đặt mục tiêu góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc khoảng 42%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5 - 5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025, trong đó giá trị xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng tỷ trọng chế biến sâu và xuất khẩu các sản phẩm gỗ và lâm sản có giá trị gia tăng cao.

Trong Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN và Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Về phía Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phát triển lâm nghiệp bền vững theo hướng đa mục tiêu: kinh tế, xã hội và môi trường, là khâu đột phá trong cơ cấu lại nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Tập trung đầu tư mạnh cho phát triển kinh tế lâm nghiệp, sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng; nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 45%, bằng chỉ tiêu dự kiến của quốc gia.

Để đạt được mục tiêu này, Ủy ban Dân tộc kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành kiên quyết cơ cấu lại đất đai, sản xuất của các nông, lâm trường; hoàn thành giao đất, giao rừng gắn với định canh định cư; giải quyết đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số; kiên quyết chấm dứt tình trạng phá rừng làm nương rẫy và hủy hoại đất rừng.

Bên cạnh những giải pháp trên, cần rà soát, khắc phục tình trạng bất hợp lý trong phân loại 3 loại rừng theo hướng vừa bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ xung yếu, vừa sử dụng hợp lý, hiệu quả rừng sản xuất; có giải pháp đối với rừng nghèo kiệt, đất quy hoạch rừng sản xuất theo phương thức trồng cây gỗ lớn kết hợp với loài sinh khối nhanh, đảm bảo cân bằng phát triển rừng trồng gỗ nhỏ và rừng trồng gỗ lớn - GS.TS. Đặng Kim Vui, Đại học Thái Nguyên đề xuất.

Tiếp tục khẳng định thế mạnh của các địa phương vùng DTTS&MN là lâm nghiệp, đồng chí Nguyễn Quang Hưng - Bí thư Huyện ủy Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho rằng, quan trọng nhất vẫn là phải tạo sinh kế cho người dân từ rừng.

Theo quy định của Nhà nước, không được khai thác rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Vậy nên nếu chỉ khoanh nuôi, bảo vệ rừng thì người dân không thể có thu nhập cao.

Để người dân có thể sống được nhờ lâm nghiệp thì nên phát triển rừng sản xuất trên cơ sở lựa chọn hợp lý giữa loại cây vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là cây rừng, vừa có khả năng cho hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, tỉnh Điện Biên chủ trương xây dựng Mường Nhé trở thành vùng trồng cây Mắc-ca với quy mô trên 10 nghìn ha, có sự tham gia của doanh nghiệp vào quy trình sản xuất.

Trên địa bàn huyện, Công ty Cổ phần Him Lam Mắc-ca Tây Bắc đã triển khai trồng được 452,22 ha, đạt 4,47% so với quy mô phê duyệt dự án tại các xã: Sín Thầu, Sen Thượng và xã Leng Su Sìn. Cây trồng đang sinh trưởng và phát triển tốt. Nếu thành công, dự án này có thể giải quyết việc làm cho 16 nghìn lao động và chỉ cần mỗi hộ có 1-2 người làm công nhân cho doanh nghiệp thì đây là hướng giảm nghèo hiệu quả nhất cho đồng bào các dân tộc - Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quang Hưng bày tỏ kỳ vọng.

Nhờ cây quế, đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái có thu nhập cao.

Trên thực tế, có những hộ đồng bào dân tộc thiểu số giàu lên từ rừng. Ví dụ như nhà anh Bàn Văn Minh, dân tộc Dao ở thôn Làng Câu, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái có diện tích trồng quế lớn nhất xã với gần 60 ha.

Anh Minh chia sẻ, giờ cứ mỗi ha quế có giá trị 1 tỷ đồng. Mấy năm nay, quế được giá nên tiền công làm các công việc "ăn theo" rất cao. Như nhà anh, vào mùa thu hoạch quế phải thuê lượng nhân công gần 20 người với mức tiền công thấp nhất là 250 nghìn đồng/người/ngày.

Theo quy định trong Chương trình MTQG, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã khu vực II, III thuộc vùng đồng bào DTTS&MN, có thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng sau: Bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên; trồng rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trên đất quy hoạch phát triển rừng được Nhà nước giao đất; nhận khoán bảo vệ rừng; Cộng đồng dân cư thôn thuộc các xã khu vực II, III vùng đồng bào DTTS&MN được giao rừng theo quy định của pháp luật đang thực hiện bảo vệ rừng được giao hoặc rừng nhận khoán được hưởng các chính sách sau:

- Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với diện tích rừng Nhà nước giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được Nhà nước giao cho các tổ chức kinh tế theo quy định hiện hành; diện tích rừng tự nhiên do Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp quản lý.

- Hỗ trợ bảo vệ rừng đối với rừng quy hoạch là rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình.

- Hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung.

- Đối với diện tích đất được quy hoạch phát triển rừng sản xuất đã giao ổn định, lâu dài cho hộ gia đình được hỗ trợ một lần cho chu kỳ đầu tiên để trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ.

- Hỗ trợ trồng rừng phòng hộ đối với diện tích đất được quy hoạch trồng rừng phòng hộ đã giao cho hộ gia đình theo quy định hiện hành. Hộ gia đình được hưởng lợi từ rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp và các quy định có liên quan.

- Trợ cấp gạo cho hộ gia đình nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung, trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ.

Với sự đầu tư của Chương trình MTQG, hy vọng lâm nghiệp sẽ thực sự giúp đồng bào các dân tộc sống được từ rừng, yên tâm giữ rừng; đồng thời đạt mục tiêu là vùng DTTS&MN sẽ góp phần quan trọng nhất thúc đẩy Việt Nam trở thành một trong các trung tâm chế biến gỗ lớn của khu vực và thế giới./. 

Hoàng Thu - PL

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN