Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Góp phần đẩy nhanh tiến trình giảm nghèo với hộ đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Hai, 12/12/2022 14:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hành trình giảm nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số những năm qua luôn nhận được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thông qua rất nhiều cơ chế, chính sách. Hành trình đó càng được thúc đẩy mạnh mẽ từ cách thiết kế và triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Theo kết quả điều tra thu thập thông tin 53 dân tộc thiểu số do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2019, toàn quốc có trên 3,6 triệu hộ dân tộc thiểu số, chiếm 13,7% tổng số hộ của cả nước. Khoảng 3,1 triệu hộ (tương đương 83,3%) sống ở khu vực nông thôn.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực giảm nghèo nhưng tỷ lệ nghèo và cận nghèo của các hộ dân tộc thiểu số đang cao gấp 3,5 lần tỷ lệ nghèo và cận nghèo chung của toàn quốc. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo ở khu vực biên giới cao gấp 1,5 lần khu vực khác; ở khu vực nông thôn cao xấp xỉ 4 lần khu vực thành thị.

Một số dân tộc: Co, Xinh Mun, La Hủ, Chứt, Mảng, Pà Thẻn có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên 70%; dân tộc Chứt có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo gần 90%. Ngoài các dân tộc trên, cả nước vẫn còn 21 dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn một nửa, trong đó có dân tộc Mông - một trong số ít dân tộc thiểu số có dân số đông nhất (trên 1 triệu người) nhưng số hộ nghèo, cận nghèo chiếm đến 2/3.

Để đẩy nhanh tiến trình giảm nghèo, việc khai thác tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, đa dạng hóa sinh kế là những giải pháp phù hợp.

Trên thực tế, đồng bào dân tộc thiểu số cũng đang không ngừng nỗ lực đổi mới, sáng tạo để tạo nên những mô hình sinh kế hiệu quả dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Hành trình giảm nghèo của đồng bào những năm qua luôn nhận được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thông qua rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ. Hành trình đó càng được thúc đẩy mạnh mẽ từ cách thiết kế và triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Dưới đây là một số hình ảnh về những mô hình thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số:

Ông Lê Quang Nghìn, dân tộc Ngái, trú ở thôn Hồng Thái 2, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên giới thiệu với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh (phải) về giống cây chè cổ được trồng từ năm 1928.

Người Vân Kiều ở Hướng Hóa, Quảng Trị trồng sắn cao sản để tìm hướng thoát nghèo.

 Phụ nữ ở xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum họp bàn phương án vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất.
Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang được hỗ trợ cá giống để nuôi trồng thủy sản.
 Người dân tộc thiểu số nghèo ở Phú Thọ được hỗ trợ bò giống từ vốn của Chương trình 135 trước đây, nay được tích hợp vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
 Người Mảng ở bản Mậm Sảo 1, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng dong riềng để làm miến dong mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
 Cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái kiểm tra mô hình trồng cây khoai sọ tại xã Việt Cường, huyện Trấn Yên.
 Chị H’Bình - Tổ trưởng Tổ hợp tác thổ cẩm Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống do chị em phụ nữ dân tộc M’nông sản xuất.

Tổ hợp tác đan lát mây tre của đồng bào Vân Kiều, bản Hưng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.
 Nhờ được hỗ trợ chuyển đổi trồng cây măng tây, đồng bào Chăm thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã có thu nhập 4 tỷ đồng/năm. Hầu hết trong tổng số hơn 500 hộ dân của thôn đã có nhà to, đẹp.

Nghị định số 27/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Thông tư số 02/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Uỷ ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có quy định về quản lý, tổ chức thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế cộng đồng là những công cụ pháp lý để thúc đẩy tiến trình giảm nghèo của hộ dân tộc thiểu số.

Theo đó: Giai đoạn 2021 - 2025, các dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng được hỗ trợ phải có tỷ lệ tham gia của người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tối thiểu 70%.

Hộ nghèo người dân tộc thiểu số, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và lao động duy nhất, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; dự án do nhóm hộ, tổ hợp tác có trên 50% số thành viên là phụ nữ đề xuất được ưu tiên hỗ trợ

Địa bàn thực hiện các dự án phải tại các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất là hỗ trợ có điều kiện; thời gian hỗ trợ theo chu kỳ sản xuất hoặc theo thời hạn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thực hiện cơ chế lồng ghép nguồn vốn để tiến hành hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia (Ví dụ: Lồng ghép nguồn vốn để thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động, nội dung có cùng mục tiêu và trên cùng một địa bàn cấp xã, cấp huyện; Tập trung lồng ghép các nguồn vốn thực hiện nội dung, hoạt động trên địa bàn các huyện nghèo; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…)

Theo phân cấp, UBND cấp xã làm chủ đầu tư các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng. Trường hợp không đủ năng lực, UBND cấp xã có văn bản đề nghị UBND cấp huyện giao cơ quan chuyên môn trực thuộc làm chủ đầu tư.

Nội dung hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng dẫn của cơ quan chủ quản chương trình phù hợp với từng chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó ưu tiên tập huấn kỹ thuật theo nhu cầu của các thành viên tổ, nhóm, nâng cao năng lực quản lý và vận hành tổ, nhóm; vật tư, trang thiết bị phục vụ sản xuất, cung ứng dịch vụ, giống cây trồng, vật nuôi; quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; truy xuất nguồn gốc và dán nhãn sản phẩm.

Mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Hỗ trợ tối đa không quá 95% tổng kinh phí thực hiện một dự án trên địa bàn đặc biệt khó khăn; không quá 80% tổng kinh phí thực hiện một dự án trên địa bàn khó khăn; không quá 60% tổng chi phí thực hiện một dự án trên các địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia. Mức hỗ trợ cụ thể thực hiện một dự án theo hướng dẫn của cơ quan chủ quản chương trình. Ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện dự án, phương án sản xuất thông qua người đại diện do cộng đồng lựa chọn.

Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ quyết tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thông qua Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm phấn đấu  đến năm 2025: “mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn”.

 

Trung Dũng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN