Góc nhìn khác về sự tăng trưởng của EVNFinance
(ĐCSVN) - Báo cáo tài chính bán niên soát xét 2024 của Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance - mã chứng khoán: EVF) thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư với thông tin về việc doanh nghiệp này có dư nợ hơn 24.900 tỷ đồng tại một nhóm khách hàng.
Góc nhìn khác về sự tăng trưởng của EVNFinance. |
Từ "ngôi sao sáng" của thị trường chứng khoán...
Giai đoạn đầu năm 2024, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực nổi lên như "ngôi sao sáng" của thị trường chứng khoán. Hưởng lợi từ việc tăng vốn thành công gấp đôi lên hơn 7.600 tỷ đồng, EVF liên tục phá đỉnh lên vùng giá chạm 20.000 đồng/cổ phiếu, đạt mức tăng mạnh 75% trong vòng 4 tháng (tháng 10/2023 - tháng 2/2024).
Bên cạnh đó, EVNFinance còn đặt kỳ vọng rất lớn cho năm nay, với lợi nhuận trước thuế mục tiêu 585 tỷ đồng, cao hơn 43% so với kết quả thực hiện của năm 2023. Không nằm ngoài dự báo, kết quả kinh doanh được EVNFinance công bố đều cho thấy những con số ấn tượng, với mức tăng trưởng thu nhập lãi thuần 9 tháng đầu năm là 185% đạt 1.152 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 57% lên 537 tỷ đồng, hoàn thành 92% kế hoạch cả năm.
Tuy nhiên, cổ phiếu EVF những tháng trở lại đây bỗng chốc biến thành "tội đồ" thổi bay tài sản của các cổ đông, khi chứng kiến tốc độ sụt giảm nghiêm trọng, rơi không ngừng xuống vùng suýt soát 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu so với vùng đỉnh thiết lập năm nay, thị giá EVF tới giờ đã chia đôi và thấp nhất trong 14 tháng qua.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của EVNFinance. |
Đến khoản dư nợ 24.901,6 tỷ đồng
So với báo cáo tài chính quý II doanh nghiệp tự lập, báo cáo bán niên 2024 soát xét của Công ty Tài chính cổ phần Điện lực có số liệu về kết quả kinh doanh sau kiểm toán không thay đổi.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần trong nửa đầu năm đạt 760,7 tỷ đồng, gấp 5,4 lần so với cùng kỳ. Nguyên nhân là thu nhập lãi và các khoản tương tự đạt 1.176,8 tỷ đồng, gấp 1,2 lần năm ngoái trong khi chi phí lãi lại giảm hơn 14%.
Nửa đầu năm 2024, lãi thuần từ hoạt động khác của EVNFinance ở mức 35,6 tỷ đồng, giảm 20%. Sau khi trừ đi các khoản chi phí và thuế, công ty tài chính này báo lãi sau thuế 249 tỷ đồng, gấp hơn 1,5 lần so với nửa đầu năm 2023.
Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính bán niên soát xét là việc doanh nghiệp phải thuyết minh chi tiết hơn về các khoản mục cho vay khách hàng.
Tại ngày 30/6, tổng dư nợ cho vay khách hàng trước khi trích lập dự phòng rủi ro là 37.968,6 tỷ đồng, chiếm 75% tổng tài sản. So với thời điểm cuối năm 2023, khoản mục này tăng 13,2%.
Tỷ trọng của khoản mục này đối với tổng tài sản của EVNFinance tăng mạnh từ năm 2021 đến nay. Trước đó, cho vay khách hàng của doanh nghiệp dao động quanh mức 45-46% kể từ thời điểm cuối năm 2015. Cuối năm 2021, tỷ trọng này tăng lên 52% và đạt mức 75% tại thời điểm ngày 30/6 vừa qua.
Trong báo cáo tài chính quý II tự lập, doanh nghiệp chỉ thuyết minh tổng dư nợ trước khi trích lập dự phòng gồm 34.663,8 tỷ đồng cho vay các tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước và 3.304,8 tỷ đồng cho vay bằng vốn tài trợ, ủy thác đầu tư. Với báo cáo tài chính bán niên soát xét, Công ty ghi rõ hơn về đặc điểm một số khoản cho vay khách hàng.
Cụ thể, công ty có 11.369,1 tỷ đồng cho vay ngắn hạn góp vốn vào các hợp đồng hợp tác kinh doanh để triển khai dự án bất động sản dài hạn với tài sản đảm bảo là quyền tài sản và tài sản hình thành trong tương lai. Công ty có 24.747,9 tỷ đồng các khoản cho vay được định giá độc lập bởi một công ty thẩm định giá trong nhiều năm.
Doanh nghiệp có dư nợ 24.901,6 tỷ đồng tại các nhóm khách hàng khá "đặc biệt" và được nêu rõ trong thuyết minh báo cáo. Dư nợ tại nhóm này chiếm hơn 65% tổng dư nợ cho vay của công ty. Các khoản cho vay liên quan đến các dự án bất động sản chưa triển khai xây dựng tính đến thời điểm lập báo cáo tài chính là 11.606,8 tỷ đồng. Nếu xét theo cho vay liên quan đến dự án bất động sản thì dư nợ chiếm khoảng 30,6% tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Trong báo cáo kiểm toán, kiểm toán viên của Công ty NHH Ernst & Young Việt Nam nêu vấn đề cần nhấn mạnh là lưu ý người đọc thuyết minh số 10 (cho vay khách hàng) và thuyết minh số 13 (góp vốn, đầu tư dài hạn) của báo cáo tài chính giữa niên độ, trong đó mô tả các yếu tố có thể dẫn đến tính không chắc chắn của lợi ích kinh tế thu được trong tương lai của các khoản mục cho vay và đầu tư dài hạn khác của công ty.
Báo cáo tài chính bán niên soát xét không nêu rõ khách hàng nào đang được EVNFinance cho vay. Trong báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm nay của doanh nghiệp thể hiện giao dịch giữa EVNFinance và các đơn vị có liên quan đến người nội bộ của công ty.
Doanh nghiệp liên tục ghi nhận các giao dịch nhận tiền gửi từ Công ty cổ phần Quản lý quỹ Amber; giao dịch liên quan đến hoạt động phát hành chứng chỉ tiền gửi với Công ty cổ phần Quản lý quỹ Amber, Quỹ đầu tư trái phiếu an toàn Amber, cho Công ty cổ phần Amya Holdings vay với dự nợ 356,2 tỷ đồng.
Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm cho biết ông Lê Mạnh Linh, Phó chủ tịch HĐQT của EVNFinance là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quản lý quỹ Amber. Công ty quản lý quỹ này sở hữu hơn 3,7 triệu cổ phiếu EVF, tương đương 0,525% vốn tại ngày 1/1. Đến ngày 30/6, công ty quản lý quỹ không còn sở hữu cổ phiếu EVF nên không còn là người liên quan. Còn ông Lê Mạnh Linh sở hữu hơn 3 triệu cổ phiếu EVF, tương đương 0,435% vốn tại ngày 30/6./.