Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Gỡ vướng trong khởi kiện trốn đóng bảo hiểm xã hội

Thứ Hai, 18/12/2023 10:47 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Khởi kiện được kỳ vọng là công cụ để thu hồi nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên trên thực tế công cụ này chưa được sử dụng hiệu quả và mang lại kết quả như kỳ vọng. Sự mâu thuẫn, chồng chéo và khoảng trống về pháp luật được cho là nguyên nhân chính khiến khởi kiện bế tắc.

Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2023, số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp là khoảng 14.650 tỷ đồng, trong đó số tiền chậm đóng không có khả năng thu hồi là 4.164 tỷ đồng.

Còn theo Ủy ban Xã hội của Quốc hội, tính đến hết năm 2022, tổng số tiền chậm, nợ đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền lãi chậm đóng là gần 12,4 nghìn tỷ đồng gồm nợ gốc gần 8.561 tỷ đồng và lãi chậm đóng hơn 3.400 tỷ đồng. Trong đó, chậm, nợ đóng BHXH bắt buộc là hơn 12.000 tỷ đồng, chiếm 97,2% tổng số tiền chậm đóng, nợ đóng tại gần 200.000 đơn vị, tương ứng với trên 2,6 triệu lao động bị ảnh hưởng. 

Một số liệu khác của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, nếu như năm 2021 có hơn 26.600 đơn vị chậm đóng BHXH thì sang năm 2022, con số này đã tăng lên hơn 31.800 đơn vị. Riêng trong 6 tháng của năm 2023 đã có 32.700 đơn vị chậm đóng.

Doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH khiến người lao động không được hưởng chế độ như ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, về già cũng không có lương hưu… Đây là những hệ lụy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội.

 

Doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của người lao động (Ảnh minh họa: Mạnh Dũng) 

Phát biểu tại một hội thảo cách đây vài tháng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thẳng thắn chỉ rõ: "Các doanh nghiệp trốn đóng BHXH về bản chất được lợi nhuận nhiều hơn. Nhiều doanh nghiệp giữ BHXH để lấy tiền đó kinh doanh, thay vào việc đi vay ngân hàng. Lợi thế này không phải là lợi thế pháp luật cho phép, vi phạm đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp".

Còn theo BHXH Việt Nam, Luật BHXH quy định từ năm 2018 trở đi, tiền lương tính đóng BHXH gồm tổng mức lương, phụ cấp lương và khoản bổ sung khác ổn định, thường xuyên được ghi trong hợp đồng lao động, nhằm từng bước tiệm cận tiền lương, thu nhập thực tế của người lao động. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều doanh nghiệp thực thi không đầy đủ, tách thu nhập của người lao động thành nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp để không phải tính đóng BHXH.

Thống kê của BHXH Việt Nam năm 2022, tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH của người lao động chỉ đạt 5,7 triệu đồng/tháng. Mức lương hưu bình quân hằng tháng chỉ đạt 5,4 triệu đồng do nguyên nhân là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH rất thấp.

BHXH Việt Nam nêu rõ: "Nhiều doanh nghiệp tồn tại 3 loại thu nhập: loại làm căn cứ đóng BHXH, loại để quyết toán và thu nhập thực tế. Có doanh nghiệp chia ra hơn 100 loại phụ cấp lẫn phúc lợi và cơ quan BHXH không đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu doanh nghiệp tính đóng BHXH".

Khởi kiện là giải pháp cuối cùng để người lao động buộc doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ của mình. 

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) được ban hành lần đầu tiên đã tội phạm hoá hành vi trốn đóng bảo hiểm với việc quy định Tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nhằm tạo khung pháp lí cho việc xử lí hình sự cá nhân và pháp nhân thương mại có hành vi trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động - những hành vi vi phạm quyền lợi của người lao động, gây ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội.

Thế nhưng, kể từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực đến nay, dù BHXH các tỉnh, thành phố đã chuyển 138 hồ sơ các đơn vị không thực hiện Quyết định, Kết luận thanh tra đến cơ quan Công an, kiến nghị điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự; nhưng đến nay chưa xử lý được đơn vị nào.

Lý giải nguyên nhân về việc công đoàn được giao quyền khởi kiện bảo vệ quyền lợi về BHXH của người lao động nhưng việc triển khai lại chưa được như mong đợi, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết việc khởi kiện bảo vệ quyền lợi về BHXH chịu sự chi phối của 4 luật: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH và Luật Tố tụng dân sự. Song 4 luật này đang quy định chưa thống nhất, mâu thuẫn tạo ra những cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho việc thụ lý các hồ sơ khởi kiện. Có đạo luật yêu cầu công đoàn nói chung có quyền khởi kiện, có đạo luật nêu rõ là công đoàn cơ sở; có đạo luật bắt buộc người lao động phải uỷ quyền, có đạo luật thì yêu cầu chung.

"Chính vì có sự khác nhau như vậy, nên dù các cấp công đoàn rất nỗ lực đưa các vụ việc ra tòa nhưng đến nay cơ bản là bế tắc, tòa không thụ lý các vụ việc", ông Ngọ Duy Hiểu cho hay.

Gỡ vướng trong khởi kiện hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, dự thảo Luật BHXH trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua đề xuất có 2 chủ thể có quyền và trách nhiệm khởi kiện đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, đó là công đoàn và cơ quan BHXH. Ngoài việc khởi kiện về dân sự, Dự thảo Luật cũng quy định cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật khi người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Khi thảo luận về dự án Luật này, nhiều giải pháp đã được các đại biểu Quốc hội đề xuất. Đó là cần quy định cơ quan thuế thực hiện cả nhiệm vụ thu BHXH bắt buộc, sau đó chuyển cho cơ quan quản lý BHXH. Nên quy định công đoàn các cấp có quyền đứng ra khởi kiện chứ không chỉ là công đoàn cấp cơ sở như hiện nay. Đồng thời quy định nếu như công đoàn đứng ra khởi kiện rồi thì không cần phải có ủy quyền của người lao động.

Cùng với việc sửa đổi Luật BHXH, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần sớm nghiên cứu, sửa đổi đồng bộ các luật có liên quan đến việc khởi kiện, khởi tố đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Lao động, Luật Công đoàn và các bộ luật khác có liên quan. Nếu không, việc khởi tố, khởi kiện theo quy định trên sẽ tiếp tục bế tắc như hiện nay./.

Tú Giang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN