Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Gỡ vướng mắc trong tạm ứng thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế

Thứ Sáu, 28/10/2022 15:43 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Bàn về Quỹ bảo hiểm y tế, đại biểu Quốc hội Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) cho rằng bên cạnh những kết quả nổi bật trong thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đặt ra một số vấn đề cần có sự quan tâm.

Theo đại biểu Tạ Minh Tâm, số liệu báo cáo cho thấy trong khoản chi 97.295 tỷ đồng năm 2021 của Quỹ bảo hiểm y tế có số chi các khoản bảo hiểm y tế tồn đọng trước năm 2021 là 5.323 tỷ đồng. Con số này chưa bao gồm các khoản chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa được thống nhất thanh toán giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở y tế. Trong đó, chi phí phát sinh vượt dự toán các năm 2018, 2019, 2020 được xem xét chi trong năm 2021 là 3.269,8 tỷ đồng. Số chi vượt định mức kinh tế kỹ thuật năm 2016, 2017, 2018 được xem xét chi là 842,8 tỷ đồng. Số chi tồn đọng phát sinh trước năm 2021 được bảo hiểm xã hội các tỉnh đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa vào quyết toán năm 2021 là 1.210,9 tỷ đồng.

 Đại biểu Quốc hội Tạ Minh Tâm (Tiền Giang). Ảnh: TL

Đối với năm 2021, tổng số chi khám, chữa bệnh là 93.668 tỷ đồng, số chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được quyết toán là 87.271 tỷ đồng. Từ thực tiễn cho thấy, áp lực đối với các khoản chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa được thống nhất thanh toán, chậm được thanh toán ở đây là các khoản cơ sở y tế đã chi từ năm 2016 đến năm 2020 đến nay mới được đưa vào quyết toán trong năm 2021 và các khoản chi không được thanh toán đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập là rất đáng quan tâm trong cân đối tài chính, trong duy trì hoạt động bình thường của các đơn vị rơi vào trường hợp này, nhất là trong bối cảnh các đơn vị y tế công lập đi vào thực hiện tự chủ tài chính.

Đại biểu Tạ Minh Tâm cho rằng, nguyên nhân tồn tại, hạn chế nêu trên đã tồn tại nhiều năm được các cơ quan chức năng chỉ ra rất cụ thể, do vướng mắc trong tạm ứng thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế. Từ các quy định liên quan của Luật Bảo hiểm y tế; Nghị định 146 về thanh toán theo giá dịch vụ; về tạm ứng thanh toán, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế hằng quý; về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế cả năm. Hành lang pháp lý về xã hội hóa, liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế, hợp tác đầu tư tại cơ sở khám, chữa bệnh chưa hoàn thiện. Các hướng dẫn chuyên môn trong khám, chữa bệnh có nội dung chưa thật phù hợp, có yếu tố chủ quan từ phía cơ sở y tế và từ phía cơ quan bảo hiểm xã hội. Những vướng mắc này dẫn đến thực trạng mức quyết toán, thanh toán cho cơ sở y tế hằng năm có tình trạng thấp hơn tổng chi phí khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế mà cơ sở y tế đã cung cấp dịch vụ cho người bệnh.

Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ sở y tế, nâng cao năng lực điều trị, đại biểu Quốc hội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ 3 vấn đề sau: Thứ nhất, khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Các văn bản pháp lý liên quan thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền. Hoàn thiện quy trình tạm ứng, thanh toán, quyết toán bảo hiểm y tế, giám định bảo hiểm y tế, quy trình, phác đồ điều trị, v.v.. Trước các bất cập tồn tại, vướng mắc đã được chỉ ra, thu hẹp khoảng cách giữa chi phí mà các cơ sở y tế đã sử dụng phục vụ khám bệnh, chữa bệnh với số chi thanh quyết toán của cơ quan bảo hiểm xã hội; rút ngắn thời gian kinh phí thanh toán, quyết toán và thời gian kinh phí đã được chi ra.

Thứ hai, phát huy vai trò của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội theo Nghị định số 89; hoàn thiện quy trình hoạt động bảo đảm Hội đồng thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 5 Điều 11; xử lý kịp thời các vấn đề tài chính, bảo hiểm y tế thuộc thẩm quyền, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị phụ trách, như trong trường hợp cho chủ trương đối với các kiến nghị vượt trần của quỹ; rút ngắn thời gian thực tế tiến hành thẩm định, thẩm tra, quyết toán, thanh toán phù hợp với năm tài chính.

Thứ ba, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham mưu Chính phủ sớm có khảo sát, đánh giá tác động của việc chậm được thanh toán so với năm tài chính; việc chưa được thống nhất thanh toán đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Để minh họa, lấy mốc năm 2021 bảo hiểm thanh toán cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh số tiền là 5.323 tỷ đồng của các năm từ năm 2016 đến năm 2020; kiến nghị có thống kê làm rõ số liệu những khoản chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa được thống nhất thanh toán giữa cơ sở y tế và cơ quan bảo hiểm trong các năm qua, cũng đồng nghĩa là những khoản tiền đã được chia ra khỏi các cơ sở y tế nhưng chưa xác định được nguồn bù đắp, nguồn cân đối; đánh giá tác động của tình trạng này đối với 1.750 đơn vị y tế công lập có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế. Trong đó chú ý các cơ sở y tế công lập thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, các cơ sở y tế không có điều kiện mở rộng nguồn thu, cơ sở y tế đặc thù như Bệnh viện tâm thần, y học cổ truyền, Trung tâm y tế tuyến huyện; cấp bách có giải pháp tháo gỡ, bố trí nguồn chi đối với các cơ sở y tế mất cân đối thu chi, giúp các đơn vị chủ động được phương án tài chính, duy trì hoạt động bình thường; tạo khung pháp lý đặc thù, xử lý các vướng mắc tài chính trong thời gian hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành đã được chỉ ra là bất cập; tạo thuận lợi cho các cơ sở y tế tập trung công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, góp phần thực hiện đạt kết quả chỉ tiêu 70% dân số được quản lý, theo dõi, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, trên 80% người dân hài lòng với dịch vụ y tế./.

Việt Long

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN