Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Gỡ thẻ vàng IUU: Thực hiện nhiều giải pháp với quyết tâm cao nhất

Thứ Tư, 22/02/2023 11:48 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chỉ còn thời gian rất ngắn để Việt Nam chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của EC nhằm tháo gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam. Thời gian từ nay đến cuộc làm việc không còn nhiều, do đó, các cấp chính quyền, địa phương, các Bộ, ngành liên quan cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp với quyết tâm cao nhất để gỡ được thẻ vàng.

 Các địa phương cần nỗ lực, quyết tâm gỡ thẻ vàng trong năm 2023 (Ảnh minh họa: Đ.T)

Còn rất nhiều vướng mắc

Kể từ khi Ủy ban Châu Âu (EC) đưa ra thẻ vàng đối với thủy sản khai thác của Việt Nam, từ 23/10/2017, đến nay đã hơn 5 năm để Việt Nam triển khai tháo gỡ, đồng thời cũng là thời điểm để chuẩn bị cho buổi thanh tra lần thứ tư của EC với Việt Nam (dự kiến vào tháng 6/2023). Chính vì vậy, đây khoảng thời gian các Bộ, ngành, địa phương ven biển,...đang rốt ráo triển khai các giải pháp để hạ quyết tâm gỡ được thẻ vàng.

Nhìn lại chặng đường trong thời gian qua, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để tháo gỡ thẻ vàng thông qua triển khai những khuyến nghị của EC. Đó là từng bước hoàn thiện khung pháp lý, trong đó có sự ra đời của Luật Thủy sản 2017, cùng với một loạt Thông tư, Nghị định liên quan. Công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên đội tàu ngày càng được tích cực đẩy mạnh, đạt tỷ lệ cao, cùng với đó là sự chuyển biến về cơ sở vật chất, truy xuất nguồn gốc thủy sản...

Dù vậy, vẫn còn nhiều vướng mắc dẫn đến EC vẫn chưa thể gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, trước khi EC vào thanh tra lần thứ 4, qua 3 lần thanh tra, EC khẳng định Việt Nam đã đi đúng hướng và có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên chưa đạt yêu cầu để gỡ thẻ vàng, thậm chí có những lúc nguy cơ thẻ đỏ cận kề.

Có một số nội dung quan trọng EC nêu trong quá trình thanh tra. Cụ thể, về quản lý, giám sát đội tàu. Đây là bài toán rất lớn. Mặc dù chúng ta đã lắp thiết bị được cho 95% đội tàu, tuy nhiên, số còn lại lại là những đối tượng có nguy cơ cao. Số lượng tàu vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn.

„Nếu không quản lý được đội tàu và tàu còn vi phạm thì không gỡ được thẻ vàng. Đây là ván đề mấu chốt mà chúng ta phải giải quyết“ – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.

Bên cạnh đó là vấn đề truy xuất nguồn gốc, quản lý sản phẩm nhập khẩu và đánh bắt trên biển. Đây là những vấn đề đã giao cho Cục Thú y, Cục Kiểm ngư rà soát xem xét lại. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Về vấn đề thực thi pháp luật, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong việc xử lý tàu cá mắc vi phạm, nhiều tỉnh chỉ lập biên bản, không xử lý hành chính dẫn đến việc thực thi pháp luật chưa đồng đều và chưa hiệu quả.

Thực tế với việc xử lý không đồng đều và không thống nhất giữa các tỉnh dẫn đến những tàu cá vi phạm bị xử lý nặng ở những tỉnh này sẽ di chuyển đến những tỉnh bị xử phạt nhẹ hơn để hoạt động.

Thứ nữa là hạ tầng nghề cá vẫn là vấn đề lớn, với tổng sản lượng khai thác khoảng 3,95 triệu tấn mỗi năm. Riêng năm 2021, chúng ta có khoảng 3,72 triệu tấn. Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nếu đầu tư 100% cho nhu cầu của giai đoạn 2016-2020, chúng ta mới quản lý được 1,92 triệu tấn. Do vậy, sản lượng thủy sản khai thác quản lý được mới chỉ từ 15-18%. Hạ tầng nghề cá còn yếu kém. Đây là nội dung rất lớn và cũng là một trong những nguyên nhân căn bản chưa gỡ được thẻ vàng.

„Việc quan tâm các cấp chính quyền, cấp ủy địa phương, đầu tư của cả Trung ương và địa phương còn hạn chế, nên quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc của chúng ta chưa đảm bảo theo yêu cầu thanh tra“  - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Về vấn đề tháo gỡ thẻ vàng, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định– địa phương vẫn còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài cho biết, một trong những khó khăn hiện nay của tỉnh đó là quản lý tàu cá dưới 12m, trong khi đó, đây là tàu cá có vi phạm và theo quy định không gắn thiết bị giám sát hành trình. Đây là vấn đề rất khó khăn cho các tỉnh khi giám sát, quản lý đội tàu.

Hạ quyết tâm cao nhất

Thực tế, việc không tháo gỡ được thẻ vàng từ EC sẽ gây rất nhiều hệ lụy cho thủy sản xuất khẩu của nước ta. Trước đây, khi xuất khẩu sang châu Âu chỉ mất 1-3 ngày, giờ phải mất đến 2-3 tuần. Việc chưa gỡ bỏ được thẻ vàng còn ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân, ngành thủy sản, đồng thời ảnh hưởng đến vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Sắp tới, Đoàn thanh tra của EC sẽ sang làm việc với Việt Nam lần thứ 4 và là cơ hội để Việt Nam gỡ thẻ vàng cho thủy sản. Do đó, bằng mọi quyết tâm, nỗ lực chúng ta phải triển khai hết sức quyết liệt để gỡ được thẻ vàng.

Trong Quyết định 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã giao từ nay đến tháng 5/2023, phải rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định. Lập danh sách các tàu cá không tham gia khai thác thủy sản và các tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi các cơ quan chức năng và phân công cụ thể đơn vị, cá nhân theo dõi, quản lý.

Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn, trạm biên phòng tuyến biển; kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; theo dõi, giám sát 24/7 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá.

Xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương để kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, tàu cá của tỉnh khác cập cảng làm xác nhận nhưng thực hiện chứng nhận tại tỉnh khác.

Về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đảm bảo 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU) và các thị trường khác có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác,...

Đặc biệt, về thực thi pháp luật, xử lý vi phạm, Thủ tướng Chính phủ đề nghị phải chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Điều tra, xử lý 100% vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và xử phạt 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng,...

Kế hoạch hành động triển khai tháo gỡ thẻ vàng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, tuy nhiên, vấn đề ở đây là ở khâu tổ chức thực hiện. Để sớm tháo gỡ thẻ vàng, không đâu khác, cần sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của chính các địa phương, trong đó, cần quan tâm đến từng "ngóc ngách" của vấn đề còn khó khăn, đi sâu, đi sát với cơ sở, tại những cảng cá, tàu cá còn vi phạm...để nắm tình hình để có các biện pháp tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cần thực hiện trọng tâm, trọng điểm, nhằm trúng vào các đối tượng đang có nguy cơ cao vi phạm IUU, để từng bước thuyết phục, chuyển tình thế.

Cùng với đó là tập trung nguồn lực cả về cơ sở vật chất, con người, trang thiết bị để cùng tập trung cho cao độ cho công tác chống IUU, sẵn sàng triển khai công tác này ngay bất cứ lúc nào, kể cả trong ngày nghỉ.

Thứ nữa, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh trong quản lý, giám sát đội tàu. Đặc biệt, trong công tác xử phạt tàu cá vi phạm, cần được thực hiện nghiêm, thống nhất và đồng bộ giữa các tỉnh, tránh mỗi tỉnh một kiểu làm giảm sức răn đe đối với các tàu cá còn hành vi vi phạm.

Từ nay đến khi Đoàn thanh tra EC sang làm việc với Việt Nam lần thứ 4 không phải là thời gian dài, nhưng nếu có quyết tâm chính trị cao, triển khai đồng bộ, tập trung mọi nguồn lực sẵn có và sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, triển khai thực hiện nghiêm các văn bản đã được ban hành, kỳ vọng chúng ta sẽ sớm gỡ được thẻ vàng trong năm 2023./.

B.T

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN