Gỡ khó khăn dạy văn hoá trong trường nghề
(ĐCSVN) - Đại diện nhiều trường nghề kiến nghị, học sinh đã có giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT được học bổ sung các môn học còn thiếu của chương trình giáo dục phổ thông để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có công văn đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và các trường cao đẳng, trung cấp góp ý vào dự thảo Thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Để đóng góp ý kiến về dự thảo thông tư, Tổng cục GDNN vừa tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ sở GDNN đang thực hiện đào tạo chương trình văn hóa THPT.
Thực hành nghề công nghệ ô tô |
Thông tin về Dự thảo Thông tư này, ông Vũ Xuân Hùng – Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy cho biết, dự thảo mới nhất có 3 điểm thay đổi so với Dự thảo trước đó.
Trước hết, về mục đích học kiến thức văn hóa THPT, Dự thảo lần 1 quy định học sinh có giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT được bảo lưu, khi học bổ sung các môn học để hoàn thành chương trình tiếp theo.
Song dự thảo mới nhất thì không còn, mà chỉ ghi chung chung, đúng theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 là: giúp cho học sinh có bằng tốt nghiệp THCS theo học trình độ trung cấp có nguyện vọng học lên trình độ cao đẳng trong cơ sở GDNN được học kiến thức văn hóa THPT để học lên trình độ cao hơn của GDNN và sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.
Tiếp đó, nội dung kiến thức văn hóa THPT theo các môn thì được chia theo các nhóm ngành. Quy định này mới so với Dự thảo Thông tư lần 1 nhưng không khác gì nhiều so với Thông tư 16 trước đây.
Mặt khác, dự thảo quy định trách nhiệm của Sở GD&ĐT… phê duyệt kế hoạch giảng dạy của các trường, nhưng toàn bộ dự thảo lại không quy định quy trình, thủ tục, hồ sơ cơ sở GDNN cần gửi Sở GD&ĐT để phê duyệt.
Ông Vũ Xuân Hùng cho biết, với quan điểm lấy người học làm trung tâm, Tổng cục GDNN sẽ tham mưu trình lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH có văn bản gửi Bộ GD&ĐT góp ý hoàn thiện dự thảo Thông tư.
Góp ý về dự thảo thông tư, đại diện nhiều cơ sở GDNN cho rằng, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Thông tư. Theo bà Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu Trưởng Cao đẳng Y Thái Bình, Đại biểu Quốc hội khóa XV, “phạm vi điều chỉnh trong Dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT đang bị bó hẹp, gây khó khăn và làm ảnh hưởng đến quyền được học của người học”.
Bà cho rằng, trong Thông tư, Bộ GD&ĐT nên quy định 2 chương trình học văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN. Thứ nhất là chương trình 4 môn để người học học nghề có thể liên thông lên cao đẳng, nếu người học chỉ lựa chọn học cao đẳng không thôi. Thứ hai là chương trình 7 môn nếu người học muốn sau này liên thông lên Đại học”.
Theo bà phân tích, Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg ngày 31/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học cho phép người tốt nghiệp trung cấp đăng ký tuyển sinh liên thông lên trình độ đại học, được dự tuyển cùng thí sinh tốt nghiệp THPT ở kỳ tuyển sinh vào đại học hàng năm của cơ sở giáo dục đại học. Do đó, nếu Bộ GD&ĐT chỉ quy định chương trình học 4 môn, người học có nhu cầu học liên thông lên đại học sẽ không có đủ điều kiện.
Mặt khác, nếu chỉ học chương trình 4 môn, người học tốt nghiệp trung cấp học lên liên thông lên cao đẳng thi tuyển vị trí viên chức, công chức sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi hồ sơ dự tuyển đều yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp THPT. Như vậy làm hạn chế cơ hội của các em.
Cùng quan điểm, ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng TP Hồ Chí Minh nhận định, Dự thảo Thông tư đang xây dựng theo hướng chỉ cho học sinh sau khi học văn hóa liên thông lên trình độ cao đẳng trong hệ thống GDNN. Trong khi với một đất nước đang phát triển như Việt Nam, nếu việc liên thông chỉ giới hạn trong GDNN, người học chỉ dừng lại ở cao đẳng và chững lại ở đó, bế tắc, không được phát triển nữa thì đó là một bất cập, điều phi lý trong nền giáo dục mở theo tinh thần của Nhà nước ta.
Đại diện các cơ sở GDNN khác cũng tiếp tục đề nghị cho phép các học sinh đã có giấy chứng nhận được học bổ sung các môn học còn thiếu của chương trình giáo dục phổ thông để đủ điều kiện để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu có nguyện vọng. Cùng với đó, cho phép các trường trung cấp, cao đẳng có đủ điều kiện và đã dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT rồi thì được quyền tổ chức giảng dạy, bổ sung các môn học còn thiếu cho người học để đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT hoặc chương trình giáo dục phổ thông mới./.