Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giúp người nghèo cũng cần thể hiện sự tôn trọng

Thứ Năm, 26/05/2016 11:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Người nghèo khó rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng, nhưng việc giúp đỡ họ cũng cần được thực hiện với sự tôn trọng chứ không phải như sự ban ơn hay thậm chí là bố thí...

Người dân huyện Thuận Nam nhận gạo cứu đói. Ảnh: nld.com.vn.

Vừa qua, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ cho tỉnh Ninh Thuận 20 tỷ đồng và 3.000 tấn gạo để cứu trợ người dân đang bị thiếu ăn do hạn hán gay gắt không thể sản xuất được. UBND tỉnh Ninh Thuận đã ứng tiền cho Công ty Lương thực Ninh Thuận mua gạo cứu đói cung cấp cho dân theo chỉ tiêu của tỉnh.

Được UBND tỉnh tin tưởng, Công ty Lương thực Ninh Thuận đã hợp đồng với Cục Dự trữ quốc gia Nam Trung bộ nhận 3.000 tấn gạo với giá 3.900đồng/kg. Nhưng thay vì cung cấp gạo này cho người dân, Công ty Lương thực Ninh Thuận đã lấy 500 tấn gạo tồn kho của mình ra cấp cho người dân thiếu đói. Loại gạo này vừa mục vừa mốc, khiến khi nấu lên, cơm trở nên đắng ngắt, hôi nồng nặc không thể ăn nổi. Giải thích vấn đề này trên báo chí, bà Hoàng Thị Út Lan - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: 500 tấn gạo trên được mua dự trữ trước Tết, kho bảo quản không tốt nên có thể đã giảm chất lượng và có mùi. Sai sót này thuộc về Công ty Lương thực Ninh Thuận. 

Sự việc trên tuy đã có chỉ đạo khắc phục sửa chữa nhưng dư luận vẫn không khỏi bất bình. Nhiều người đặt câu hỏi: Công ty Lương thực Ninh Thuận tắc trách hay đang lập lờ để trục lợi trên lưng người nghèo -  những người đang trong hoàn cảnh nguy khốn đến mức phải cứu đói. Họ đã rất khốn khó, nay lại phải khổ tâm vì bị đối xử theo kiểu nghèo thì ban phát thế nào chẳng được...

Còn nhớ, cuối năm 2015, dư luận đã bất ngờ trước chuyện cán bộ xã Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) ép dân nghèo mua bò lở mồm long móng, bò già rụng hết răng, bò sứt mũi với giá từ 18-20 triệu/con. Theo chính sách hỗ trợ hộ, mỗi hộ dân được vay 20 triệu đồng với lãi suất 1.2%/năm trong vòng 5 năm, nhưng cán bộ xã Nhơn Sơn đã dùng tiền đó đứng ra “mua hộ” bò rồi ép dân nhận. Có hộ nhận phải con bò lở mồm long móng, mang lên đổi thì xã đổi cho một con khác, già tới nỗi... trong mồm không còn răng. Có hộ nhận phải con bò già gầy giơ xương, đòi đổi thì xã đổi cho một con sứt mũi (bò sứt mũi thì buộc dây vào đâu?). Dư luận cũng từng xôn xao chuyện 12 con dê hỗ trợ hộ nghèo “vào nhầm” vườn nhà Bí thư huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) hay hàng trăm con gà hỗ trợ dân nghèo vào nhầm nhà cán bộ xã Quế An (huyện Quế Sơn, Quảng Nam).

Những chuyện lạ khó tin nhưng có thật trên cho thấy, chính sách của Đảng và Nhà nước đã và đang bị một số cá nhân tham lam lợi dụng, làm sai để trục lợi. Với kiểu dùng tiền hỗ trợ để cấp gạo mục, mốc cho dân, biết đâu những người dân vốn đã khốn khổ kia sẽ mang mầm bệnh vào người khi phải ăn loại gạo đó. Hay trong vụ mua bò già, bò ốm yếu về cấp cho dân, rất có thể chỉ sau vài ngày được nhận, bò lăn ra chết, chẳng phải người dân sẽ thêm gánh nợ nần? Còn đối với việc dê “vào nhầm” nhà cán bộ, nếu dân không phát hiện, báo chí không lên tiếng, chẳng phải miếng cơm manh áo của dân nghèo đã rơi vào nhà cán bộ sao?

Trở lại chuyện hỗ trợ người dân vùng hạn hán ở Ninh Thuận,  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới đây đã kêu gọi tấm lòng của cả nước để chung tay hỗ trợ người dân bị thiệt hại do hạn hán, mặn xâm thực. Theo đó, mỗi người lao động có việc làm đều dành tối thiểu một ngày lương chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng hạn. Vậy mà. Công ty Lương thực Ninh Thuận lại nỡ giúp dân bằng cách cấp gạo mục, mốc? 

Giúp người là truyền thống quý báu của dân tộc ta, là nghĩa cử nhân đạo, nhân văn trong ứng xử giữa người với người, nhưng lợi dụng chính sách của Nhà nước để bán bò già, bò sứt mũi, cấp gạo mục, mốc cho người nghèo đói thì về đạo lý là không thể chấp nhận được!

Người nghèo đang trong hoàn cảnh khốn khó, rất cần sự chia sẻ của cộng đồng, nhưng giúp đỡ người nghèo cũng cần được thể hiện với sự tôn trọng, chứ không thể như là sự ban ơn hay thậm chí là bố thí thế nào cũng được...

Bùi An

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN