Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giáo dục STEM: Lan tỏa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tới cộng đồng

Chủ Nhật, 08/10/2023 16:09 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Hội thảo STEM Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất - STEM không biên giới với tư duy mở, cách làm mới, đúng với tinh thần STEM, sẽ là giải pháp hữu hiệu, diễn đàn quốc tế để kết nối, lan tỏa và nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tới cộng đồng.

 Tiến sỹ Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trình bày tại hội thảo. Ảnh: TL

 Trong khuôn khổ Ngày hội STEM Quốc gia 2023, chiều 8/10, tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, Hội thảo STEM Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề “STEM không biên giới” đã diễn ra tại Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng Liên minh STEM tổ chức; là diễn đàn quốc tế trao đổi, thảo luận về những vấn đề, khía cạnh trong triển khai, phát triển và sáng tạo giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) tại Việt Nam. Cùng với đó, sự kiện còn là cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp tiếp cận tiên phong, hiện đại để triển khai và thúc đẩy giáo dục STEM. Diễn đàn dành cho các nhà quản lý khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, các chuyên gia STEM và giáo viên.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Dương Tuấn Hưng, Trưởng phòng Hóa Môi trường (Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), đồng Phó trưởng Ban Tổ chức Ngày hội STEM quốc gia 2023, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo STEM Quốc tế Việt Nam cho biết, là một phần không thể thiếu của Ngày hội STEM 2023, Hội thảo STEM Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất - STEM không biên giới với tư duy mở, cách làm mới, đúng với tinh thần STEM, sẽ là giải pháp hữu hiệu, diễn đàn quốc tế để kết nối, lan tỏa và nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tới cộng đồng. Từ đó, vun đắp tình yêu khoa học cho các em học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường; chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp tiếp cận tiên phong, hiện đại, gợi mở những giải pháp triển khai, thúc đẩy giáo dục STEM tại các địa phương trên cả nước.

Được chia làm ba phần: Chính sách, phương pháp luận, thực tiễn, Hội thảo đã quy tụ được các diễn giả hàng đầu trong lĩnh vực STEM và giáo duc STEM cả trong và ngoài nước cùng trao đổi, thảo luận về các khía cạnh khác nhau của phát triển, sáng tạo giáo dục STEM tại Việt Nam và trên thế giới. Cùng với đó, chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp, ý tưởng tiếp cận tiên phong, hiện đại để triển khai và thúc đẩy giáo dục STEM tại Việt Nam. Với ba trụ cột nội dung là Chính sách – Phương pháp – Thực tiễn, Hội thảo vừa mang đến cái nhìn vĩ mô, toàn cảnh mang tính chiến lược, học thuật, vừa cung cấp những bài học thực tế gần gũi và sống động.

Chia sẻ về giáo dục STEM trong việc phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở Việt Nam, Tiến sỹ Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, giáo dục STEM là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng các kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể. Do đó, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, giáo dục STEM là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể. Quan điểm này về giáo dục STEM được thể hiện ngay trong yêu cầu cần đạt của các môn học thuộc lĩnh vực toán, khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Do đó, triển khai bài dạy STEM cũng là một trong những giải pháp để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Cũng theo Tiến sỹ Tạ Ngọc Trí, giáo dục STEM, cần được định hướng để chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các ngành nghề liên quan tới các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học; nhờ đó, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, phương pháp tiếp cận liên môn trong dạy học cũng nhằm mục tiêu nâng cao hứng thú học tập các môn học thuộc lĩnh vực STEM; vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn; kết nối trường học và cộng đồng; định hướng hành động, trải nghiệm trong học tập; hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất người học.

Nêu ý kiến về vai trò của việc tập huấn giáo dục STEM cho hiệu trưởng và giáo viên ở vùng cao và nông thôn, Kỹ sư Đỗ Hoàng Sơn – thành viên chủ chốt của Hiệp hội Liên minh STEM Việt Nam, được biết đến là một trong những người đi tiên phong trong giáo dục STEM về với đất nước, cho rằng, giáo dục STEM là nội dung hoàn toàn mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Do đó, hầu như giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở các địa phương chưa có nhận thức, kiến thức và kinh nghiệm thực tế để thúc đẩy giáo dục STEM. Triển khai công tác tập huấn cho các hiệu trưởng và giáo viên từ năm 2014, đến nay, Liên minh STEM đã tập huấn được khoảng 5 nghìn giáo viên trong đó có hàng trăm hiệu trưởng. Nhờ đó, giáo dục STEM ở khu vực nông thôn, vùng cao đang ngày càng phát triển.

Tại Hội thảo, diễn giả đã chia sẻ, trao đổi, lan tỏa một sổ chủ đề quan trọng về lĩnh vực STEM hiện nay như: Giáo dục STEM trong việc phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở Việt Nam; xây dựng nhận thức về Khoa học và Công nghiệp Vũ trụ trong đào tạo nhân lực các cấp tại Việt Nam; học STEM sống động hơn với Robotics; khai phá tiềm năng ở khu vực nông thôn và miền núi: Sáng kiến giáo dục STEM chất lượng cho mọi người; vai trò của khoa học kỹ thuật trong sự phát triển kinh tế xã hội; vai trò của việc tập huấn giáo dục STEM cho hiệu trưởng và giáo viên ở vùng cao và nông thôn…/.

Khôi Nguyên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN